Làng mộc truyền thống 400 năm tuổi vào mùa sản xuất hàng Tết

Làng mộc truyền thống 400 năm tuổi vào mùa sản xuất hàng Tết
4 giờ trướcBài gốc
Công nhân sử dụng máy tiện gỗ chế tác sản phẩm lục bình. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)
Làng mộc Thái Yên (xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) là làng nghề có truyền thống gần 400 năm tuổi, nổi tiếng với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ gỗ. Những ngày này, các cơ sở sản xuất ở làng mộc Thái Yên đang khẩn trương sản xuất các đơn hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Từ khoảng đầu tháng 11 Âm lịch, các cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ gỗ tại làng mộc Thái Yên (xã Thanh Bình Thịnh) đã tập trung nguồn vốn, nhân lực, nguyên liệu để chế tác nên nhiều sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ mang tính thẩm mỹ cao. Qua đó, kịp thời đáp ứng khách hàng trong dịp tết sắp tới.
Tại cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ Yên Xanh, không khí sản xuất đang rất khẩn trương, rộn ràng hơn. Những mặt hàng chính được tập trung sản xuất để phục vụ khách hàng dịp tết như: đôi lộc bình, bình hoa, sản phẩm trang trí bàn thờ.
Ông Phan Đăng Yên, chủ cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ Yên Xanh chia sẻ, hiện đang là thời gian cao điểm sản xuất hàng hóa của các cơ sở tại làng nghề mộc Thái Yên. Lượng hàng bán ra dịp này tăng khoảng 30% so với những tháng còn lại. Vì vậy, các cơ sở phải tăng ca, tăng thời gian sản xuất để kịp thời đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Hiện, các mặt hàng chính như: đồ thờ, đồ nội thất đều phải tăng số lượng sản xuất; đồng thời, sản xuất đến đâu thì đóng gói đến đó để cung cấp cho các nhà buôn.
Tại xưởng mộc của cơ sở sản xuất, kinh doanh Luận Bình, hàng chục công nhân cũng đang hối hả làm việc. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa tăng cao, cơ sở này phải thuê thêm 5 lao động thời vụ. Thời điểm cuối năm, nhiều gia đình đang khẩn trương hoàn thiện nhà mới để đón tết, vì thế nhu cầu mua sắm đồ nội thất tăng lên khá cao. Hiện nay, cơ sở cũng đưa nhiều mẫu mã hiện đại, phù hợp thị hiếu khách hàng vào sản xuất.
Những cặp lục bình bằng gỗ ở làng mộc Thái Yên là sản phẩm được nhiều khách hàng mua sắm trong dịp Tết. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)
Bà Nguyễn Thị Bình, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ gỗ Luận Bình chia sẻ, trong những năm gần đây, bên cạnh việc sản xuất các mẫu truyền thống, cơ sở đã chú trọng việc thay đổi mẫu mã nội thất gỗ theo phong cách tối giản hơn. Các bộ bàn ghế có đường nét gọn gàng, màu sắc tự nhiên và phù hợp nhiều không gian và dễ dàng vệ sinh trong quá trình sử dụng. Các sản phẩm này đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận.
Ngoài ra, cơ sở đã tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và sản phẩm đạt chất lượng OCOP 3 sao như bộ bàn ghế sofa. Làng mộc Thái Yên hiện có trên 50 doanh nghiệp, hợp tác xã và gần 1.100 hộ sản xuất, kinh doanh. Tại các cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm đồ gỗ, những ngày này khách hàng từ nhiều nơi đã có mặt để tìm hiểu, mua sắm sản phẩm.
Ông Trần Xuân Tiến (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, gia đình vừa hoàn thành ngôi nhà mới nên ông đã đến đây để tham khảo và mua sắm một số đồ nội thất như: bàn ghế, tủ, giường. Ông lựa chọn đồ gỗ truyền thống vì thường có chất lượng tốt và thời gian sử dụng lâu dài. Chất lượng của nghề mộc ở Thái Yên đã nổi tiếng gần xa nên ông rất yên tâm khi chọn lựa đồ dùng cho gia đình tại đây.
Từ năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Mộc Thái Yên - Làng nghề truyền thống Đức Thọ, Hà Tĩnh.” Đây là động lực lớn góp phần vào việc xây dựng thương hiệu, nâng cao uy tín và khẳng định chất lượng cho sản phẩm mộc của Thái Yên.
Theo xu hướng sản xuất hiện đại, hiện các cơ sở làm mộc tại làng nghề Thái Yên đã đầu tư thêm nhiều phương tiện, máy móc để tạo ra những sản phẩm mộc có chất lượng, đa dạng về mẫu mã, thu hút khách hàng. Ước tính năm 2024, doanh thu công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ của xã Thanh Bình Thịnh đạt hơn 550 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thanh Bình Thịnh Nguyễn Khắc Chiến cho biết, nghề mộc làm quanh năm và bán quanh năm, nhưng vào dịp tết, các cơ sở sản xuất, kinh doanh đều tăng lượng hàng lên khoảng 20-30% so với ngày thường. Nhiều gia đình có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi mùa tết từ nghề truyền thống này.
Để ổn định đầu ra, giữ vững thương hiệu, từ nay đến cuối năm, địa phương sẽ tăng cường kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở tuân thủ các quy trình sản xuất. Cùng với đó, chính quyền địa phương phải thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở và kiểm tra các biện pháp đảm bảo an toàn, phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở sản xuất và hộ dân./.
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/lang-moc-truyen-thong-400-nam-tuoi-vao-mua-san-xuat-hang-tet-post1002241.vnp