Làng nghề ở Hải Dương tất bật vào vụ Tết

Làng nghề ở Hải Dương tất bật vào vụ Tết
2 ngày trướcBài gốc
Ở thôn Đông Thôn, xã Quốc Tuấn (Nam Sách) những ngày này, không khí nhộn nhịp đã len vào tận từng ngõ xóm, gia đình. Các cơ sở làm hương của thôn mỗi người một công đoạn: phơi hương, đóng gói... để kịp giao cho khách
Tranh thủ đóng gói sản phẩm lúc thời tiết không có nắng, bà Phạm Thị Hương cho biết: “Từ nay đến Tết Nguyên đán, tôi và nhân công tại các cơ sở làm hương của thôn bắt đầu làm tăng ca buổi tối. Năm nào cũng vậy, càng gần Tết mặt hàng hương trầm của Quốc Tuấn càng tiêu thụ mạnh. Đây cũng là dịp bà con làm nghề như chúng tôi tranh thủ tăng ca để có thêm thu nhập”
Tại các cơ sở làm hương bài ở thôn Dưỡng Thái Bắc, thị trấn Phú Thái (Kim Thành), không khí cũng đông vui, tất bật. Người lăn hương, người tuốt hương nhịp nhàng từ sáng tới khuya
Bà Trần Thị Thao (bên trái), chủ một cơ sở làm hương tại đây cho biết: “Năm nào cũng vậy, thời điểm gần Tết, gia đình tôi phải thuê thêm 3-4 người làm. Chúng tôi vẫn làm hương theo cách thủ công là chính nên sản lượng không cao. Dịp Tết, dù tăng công suất vẫn không đủ hàng bán ra thị trường”
Làng nghề làm hương truyền thống Dưỡng Thái Bắc được biết đến nhiều nhất qua những cây hương sào khổng lồ dài đến 1,5 m không phải nơi nào cũng có. Thời điểm này, các hộ đều dồn tổng lực để sản xuất hương phục vụ Tết Nguyên đán. Các diện tích trống trong nhà, ngoài sân đều được tận dụng làm chỗ phơi hương
Để kịp cho những chuyến hàng Tết, các cơ sở làm bánh đa nướng ở thôn Đào Lâm, xã Đoàn Tùng (Thanh Miện) làm việc không kể ngày đêm. Cuối năm là thời điểm các mặt hàng bánh mặn, bánh ngọt, bánh gấc được tiêu thụ rất mạnh
Ông Phạm Đình Trúng, chủ một cơ sở bánh đa nướng ở Đào Lâm phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi thuê thêm 3 nhân công giúp tăng sản lượng lên 2.000 bánh/ngày. Tuy nhu cầu thị trường cao song giá bánh bán ra vẫn ổn định 10.000 đồng/chiếc. Người làm nghề như chúng tôi cũng chỉ mong dịp cuối năm sản xuất được nhiều để lấy công làm lãi”
Tại các cơ sở làm bánh đa gấc ở thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang), không khí làm việc cũng hối hả. Luôn tay điều chỉnh máy xay bột gấc, ông Bùi Huy Đắc, chủ cơ sở sản xuất bánh đa gấc Đắc Sử cho biết: “Thời điểm này gia đình tôi tăng công suất lên 40 kg gạo mỗi ngày. Cùng với các nguyên liệu khác, 1 ngày cơ sở cho ra thị trường 70 kg sản phẩm”
Các cháu nội của ông Đắc tranh thủ hết giờ học phụ giúp ông bà chuẩn bị nguyên liệu để làm bánh
Không khí Tết đã len lỏi khắp các làng nghề. Sản lượng tiêu thụ trong dịp Tết tăng gấp nhiều lần so với ngày thường đã phần nào đem lại niềm vui, nguồn thu nhập đáng kể cho những người đang giữ nghề truyền thống
QUYẾT TUẤN
Nguồn Hải Dương : https://baohaiduong.vn/lang-nghe-o-hai-duong-tat-bat-vao-vu-tet-402238.html