Khu vực từng là nơi trồng dâu nuôi tằm của người dân Hà Tràng, giờ đây trồng sắn dây, hành, tỏi...
Làng nghề mai một
Sau gần 2 tháng UBND tỉnh có quyết định thu hồi danh hiệu làng nghề ươm tơ Hà Tràng, xã Thăng Long, người dân nơi đây vẫn nhắc tới chuyện này.
Làng nghề ươm tơ Hà Tràng bị thu hồi danh hiệu do không bảo đảm tiêu chí theo quy định tại Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ. Theo quy định, làng nghề phải có tối thiểu 20% tổng số hộ trên địa bàn tham gia hoạt động ngành nghề nhưng làng nghề này đã dừng hoạt động.
Ông Phạm Hữu Hạnh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Hà Tràng kể, trước đây, khi nghề ươm tơ còn phát triển, người dân đem kén phơi chật kín đường làng, xe cộ đi lại lúc nào cũng náo nhiệt.
Ông Tạ Văn Đá (bên phải) nuối tiếc về một thời hoàng kim của nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ
Ông Tạ Văn Đá, người đầu tiên trồng dâu, nuôi tằm và cũng là người cuối cùng dừng hoạt động nghề ở Hà Tràng nuối tiếc: “Nhờ nghề ươm tơ, gia đình tôi có của ăn của để, có điều kiện nuôi con cái học hành đàng hoàng. Tôi còn trồng 4 sào dâu, nuôi 6 vòng tằm".
Theo ông Đá, nghề mai một, danh hiệu làng nghề không còn đồng nghĩa với những giá trị lớn về kinh tế cũng không còn.
Làng nghề chạm khắc đá Dương Nham, phường Phạm Thái cũng bị thu hồi danh hiệu cùng thời điểm. Bà Nguyễn Thị Lý, chủ cơ sở đá mỹ nghệ Vũ Nghĩa, 1 trong 2 cơ sở còn lại làm nghề ở Dương Nham cho biết việc mất danh hiệu làng nghề ảnh hưởng lớn tới thương hiệu chung, tác động đến lợi ích kinh tế của số hộ còn lại như bà. “Buôn có bạn, bán có phường. Nếu làng nghề phát triển tốt, có nhiều người cùng làm, công việc kinh doanh của chúng tôi sẽ thuận lợi hơn”, bà Lý nói.
Cơ sở đá mỹ nghệ Vũ Nghĩa là 1 trong 2 cơ sở còn trụ vững với nghề ở Dương Nham
Không chỉ mang lại giá trị kinh tế, làng nghề còn chứa những giá trị văn hóa, lịch sử, tạo dấu ấn riêng cho mỗi vùng quê và là niềm tự hào của người dân địa phương.
Từ thời Lê, nghề chạm khắc đá Dương Nham đã được chú ý và phát triển liên tục. Đến nay, hệ thống bia đá ở động Kính Chủ (Kinh Môn), bia chùa Côn Sơn (Chí Linh) hay thành nhà Hồ… đều có dấu ấn của thợ đá Dương Nham. “Mất đi danh hiệu làng nghề, sau này thế hệ con cháu chúng tôi sẽ không còn biết đến những giá trị văn hóa, lịch sử mà cha ông để lại”, bà Lý nói.
Thị xã Kinh Môn hiện còn 2 làng nghề sản xuất, chế biến hành mủa phường Hiến Thành, sản xuất bánh đa Tống Buồng, phường Thái Thịnh nhưng cũng gặp khó khăn. UBND thị xã Kinh Môn đang thực hiện các bước hoàn thiện hồ sơ đề nghị thu hồi danh hiệu đối với 2 làng nghề trên.
Vì đâu nên nỗi?
Làng nghề sản xuất bánh đa Tống Buồng có 2 hộ đầu tư dây chuyền bán tự động (ảnh tư liệu)
Các làng nghề ở thị xã Kinh Môn bị thu hồi danh hiệu, có nguy cơ thu hồi danh hiệu đều do không đủ tỷ lệ hộ làm nghề theo quy định. Tình trạng các hộ bỏ nghề truyền thống diễn ra từ nhiều năm nay do nhiều nguyên nhân.
Nguyên nhân chủ yếu do người dân phát triển nghề ồ ạt, chưa có quy hoạch bài bản, chưa đầu tư về khoa học - công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh trên thị trường.
Khu dân cư Tống Buồng, phường Thái Thịnh có 580 hộ dân. Thời điểm đông nhất khu có trên 100 hộ làm nghề sản xuất bánh đa. Do chưa được đầu tư máy móc, sản phẩm sản xuất thủ công, sức cạnh tranh chưa cao nên sau một thời gian nhiều hộ không trụ vững với nghề. Hiện làng nghề sản xuất bánh đa Tống Buồng chỉ còn khoảng 40 hộ làm nghề, chiếm gần 7% số hộ trên địa bàn.
Tuy nhiên, cũng tại làng nghề này có 2 hộ đầu tư dây chuyền bán tự động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động khác tại địa phương. Đây là minh chứng cho việc cần thiết phải đầu tư theo chiều sâu trong sản xuất ở làng nghề.
Việc sản xuất mủa tươi tại phường Hiến Thành gặp khó khăn do yếu tố thời tiết, sâu bệnh
Một số làng nghề phụ thuộc quá nhiều vào vùng nguyên liệu tại chỗ, chưa chủ động tìm nguồn nguyên liệu từ bên ngoài nên rất dễ rơi vào thế “bí”. Trước đây, nguồn mủa tươi tại địa phương dồi dào, bà Nguyễn Thị Lơ ở làng nghề sản xuất, chế biến hành mủa phường Hiến Thành quyết định dốc hết vốn liếng vào cơ sở sấy hành, mủa. Một năm trở lại đây, do ảnh hưởng của sâu bệnh, thời tiết và mưa bão, nguồn mủa tươi bị hạn chế, cơ sở của bà thường xuyên phải đóng cửa. Đây cũng là khó khăn chung của các cơ sở chế biến hành mủa khác tại địa phương.
Các yếu tố như cơ chế chính sách, ưu tiên hỗ trợ vốn, khoa học - công nghệ, thiên tai, sâu bệnh, thị trường đầu ra… cũng tác động không nhỏ tới hoạt động của các làng nghề. “Các hộ ít ỏi còn lại duy trì hoạt động như chúng tôi chỉ mong được các cấp, ngành hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi, cho thuê mặt bằng để đầu tư sản xuất, bảo đảm vệ sinh môi trường”, bà Nguyễn Thị Lý, chủ cơ sở đá mỹ nghệ Vũ Nghĩa nói.
Ông Lê Văn Điền, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn cho biết, việc tiếp tục phát triển các làng nghề ở địa phương là một bài toán khó. Các hộ mong muốn được hỗ trợ về vốn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, mặt bằng tập trung nhưng các cấp, ngành liên quan lại chưa có cơ chế hỗ trợ đặc thù để khuyến khích họ.
PV