Làng nghề sơn mài Bình Dương bao giờ mới có 'bến đỗ' mới?

Làng nghề sơn mài Bình Dương bao giờ mới có 'bến đỗ' mới?
11 ngày trướcBài gốc
Nỗi lo “làng trong phố”
Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp với các cơ sở sản xuất chủ yếu tập trung ở phường Tương Bình Hiệp và Hiệp Thành thuộc TP. Thủ Dầu Một, từ lâu đã nổi tiếng với những sản phẩm thủ công tinh xảo, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo cho Bình Dương. Nơi đây được ví như "cái nôi" của ngành sơn mài truyền thống, lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần quý báu của dân tộc.
Tuy nhiên, hiện nay làng nghề đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là tình trạng "làng nghề trong phố", ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan khu vực.
Khu đi vào làng nghề sơn mài tập trung ở phường Tương Bình Hiệp đã được gắn bảng chỉ dẫn nhưng mãi vẫn chưa xây dựng các hạng mục (Ảnh: Thiên Lý)
Từ thực tế đó, tỉnh Bình Dương đã có chủ trương di dời các cơ sở của làng nghề này vào khu làng nghề tập trung tại phường Tương Bình Hiệp với diện tích 5,4ha theo Đề án Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch, thuộc địa bàn TP.Thủ Dầu Một.
Việc di dời được kỳ vọng sẽ giải quyết những vấn đề về môi trường, tạo điều kiện cho làng nghề phát triển bền vững và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Thế nhưng, sau nhiều năm triển khai, Đề án vẫn chưa hoàn thành, khiến người dân làng nghề không khỏi ngóng chờ và lo lắng. Nhiều hộ dân có cơ sở sản xuất, kinh doanh đan xen trong khu dân cư đang thuộc diện di dời theo chủ trương của tỉnh mong muốn được sớm có “bến đỗ” mới để yên tâm sản xuất.
Hiện nay, một số cơ sở chưa đảm bảo về môi trường đang tạm ngưng hoạt động chờ di dời nhà xưởng vào khu tập trung (Ảnh: Thiên Lý)
Bà Ngô Thị Vân, phụ trách Tài chính Công ty TNHH sơn mài Đồng Tâm, ở phường Hiệp Thành tâm sự, hiện công ty có 400 công nhân lao động. Công ty thuộc diện di dời nhà xưởng ra khỏi khu dân cư. Nếu đi đến các khu công nghiệp ở phía Bắc của tỉnh thì sợ công nhân không theo chân nhà máy. Lúc đó, doanh nghiệp sẽ khó tuyển lao động vì có đặc thù riêng.
“Nguồn lao động địa phương chỉ muốn làm tại chỗ chứ không muốn đi xa. Bây giờ công ty di dời thì sẽ ảnh hưởng lớn đến Đồng Tâm vì phải đào tạo lại, mà nỗi lo nhất của công ty là khó đào tạo được thợ lành nghề như hiện nay”, bà Ngô Thị Vân nói.
Cần sớm di dời
Nhiều hộ dân và nghệ nhân đã theo nghề sơn mài nhiều đời mong muốn có chính sách hỗ trợ từ chính quyền để có thể tiếp tục giữ gìn và phát triển nghề truyền thống này. Bởi trong suốt thời gian chờ đợi khu làng nghề tập trung được xây dựng, họ đã phải tạm ngừng sản xuất do chưa đảm bảo về việc xử lý nước thải ra môi trường. Việc ngưng sản xuất trong thời gian dài khiến máy móc, thiết bị bị hư hỏng và cần được đầu tư thay thế mới.
Do chưa bố trí được nơi sản xuất nên bà Trương Thị Thúy Diễm, chủ Cơ sở sơn mài Thùy Vân đành cất hết máy móc vào thùng (Ảnh: Thiên Lý)
“Phải có hỗ trợ vốn mới có thể sản xuất lại được, vì máy móc đã cũ sau nhiều năm chờ đợi. Nếu giờ làm lại, chúng tôi phải mua sắm máy móc mới hoàn toàn. Hiện nay khu làng nghề đã cho phép sản xuất trở lại, nhưng chúng tôi không thể sử dụng lại máy móc cũ vì đã áp dụng quy trình sản xuất hiện đại”, bà Trương Thị Thúy Diễm, chủ Cơ sở sơn mài Thùy Vân ở phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương chia sẻ.
Lãnh đạo UBND TP. Thủ Dầu Một đã ghi nhận ý kiến đóng góp của người dân và cam kết nỗ lực phối hợp với các ngành chức năng để đẩy nhanh tiến độ thi công khu làng nghề tập trung. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng sẽ đưa ra những chính sách hỗ trợ phù hợp để người dân yên tâm di dời.
Ông Võ Chí Thành, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thủ Dầu Một giải thích nguyên nhân khiến Đề án chậm triển khai là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và cần bổ sung báo cáo thêm một số hạng mục cho phù hợp với tình hình thực tế. Hiện tại, UBND thành phố đã hoàn thiện Đề án và trình báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.
Để khôi phục làng nghề, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã đi khảo sát thực tế tại các cơ sở sản xuất và yêu cầu địa phương nhanh chóng triển khai đề án (Ảnh: Thiên Lý)
"Hồ sơ dự án đã được trình Sở Kế hoạch và Đầu tư, phê duyệt điều chỉnh tỷ lệ 1/500. UBND TP. Thủ Dầu Một cũng đã thực hiện lấy ý kiến và tiến hành điều chỉnh. Sau khi có quyết định phê duyệt đầu tư của tỉnh, thành phố sẽ triển khai các bước đấu thầu, thi công và triển khai dự án sớm nhất có thể. Dự kiến đầu năm 2025 sẽ khởi công xây dựng khu làng nghề”, ông Võ Chí Thành thông tin.
Năm 2016, làng nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Một năm sau đó, Đề án phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch ra đời góp phần gìn giữ và phát huy giá trị của làng nghề truyền thống.
Theo Đề án, khu làng nghề sơn mài tập trung sẽ có cổng chào, nơi trưng bày sản phẩm, nơi trình diễn kỹ thuật làm nghề, Nhà thờ Tổ. Song song đó, các đơn vị sẽ kết hợp xây dựng các tour du lịch tham quan, giới thiệu sản phẩm của làng nghề đến du khách trong và ngoài nước.
Thiên Lý/VOV-TPHCM
Nguồn VOV : https://vov.vn/kinh-te/lang-nghe-son-mai-binh-duong-bao-gio-moi-co-ben-do-moi-post1094080.vov