Làng nghề trước nguy cơ thất truyền vì thiếu hụt nhân lực tay nghề cao

Làng nghề trước nguy cơ thất truyền vì thiếu hụt nhân lực tay nghề cao
17 giờ trướcBài gốc
Cách trung tâm Hà Nội chừng 20 km, làng nghề dao kéo Đa Sỹ (phường Kiến Hưng, Hà Đông) từ lâu vốn nức tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc. Tiếng lành đồn xa, nhiều người từ nước ngoài như Lào, Campuchia, Anh, Đức,... cũng tìm về tận làng để đặt mua hàng. Nhờ đó, cả làng không lúc nào ngớt tiếng đe, tiếng búa cùng những đơn hàng nặng trĩu, thấm đẫm mồ hôi được gửi đi mỗi ngày.
Thiếu đội ngũ lao động kế cận
Tiếp phóng viên bên lò than rực lửa cùng những âm thanh của đe của búa chan chát bên tai, nghệ nhân Nguyễn Văn Mộc (72 tuổi) - thợ rèn cao tuổi có tay nghề tinh xảo bậc nhất làng Đa Sỹ chia sẻ: “Làng này có truyền thống rèn từ cả nghìn năm trước. Cả làng cùng làm thì thành nghề thôi. Từ ông tôi, bố tôi rồi giờ đến con tôi cũng làm nghề rèn. Dù là con nhà nòi nhưng phải đến năm 18 tuổi, tôi mới được rèn con dao đầu tiên. Vì ở độ tuổi ấy, người ta mới đủ sức khỏe để chịu được sự vất vả. Tuy nhiên, để trở thành một thợ giỏi đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức”.
Nghề rèn, công việc nặng nhọc đòi hỏi kỹ thuật cao khiến nhiều lao động trẻ không hào hứng.
Công việc tưởng đơn giản, nhưng thực tế cần người làm có sức khỏe, ngoài ra yêu cầu người làm nắm rõ kỹ thuật với nhiều công đoạn khác nhau, không hề dễ dàng.
“Để làm được công việc này, bất kỳ người thợ nào ban đầu cũng đều phải học tư thế ngồi, cách cầm búa và quai bễ. Khi đã thành thạo mới chuyển qua đánh rèn, kế đến là làm thô và khi đã có tay nghề mới được làm nguội.
Đặc biệt, công đoạn làm nguội là công đoạn đòi hỏi kỹ thuật cao nhất, muốn học thành thạo nghề, nếu nhanh cũng mất một đến vài năm mới có thể làm ra một sản phẩm đạt chuẩn” - nghệ nhân Mộc cho biết.
Còn tại xã Nghĩa Hương (huyện Quốc Oai) – địa phương từng nổi tiếng với nghề đan cót nan, tuy nhiên nhiều năm gần đây, làng nghề chỉ hoạt động cầm chừng. Hiện toàn xã còn hơn 500 lao động tham gia làm nghề, trong đó có trên 80% lao động nữ trên 40 tuổi. Chia sẻ về những khó khăn tại làng nghề, bà Trần Thị Hồng, chủ một cơ sở chuyên thu gom sản phẩm cót nan ở Nghĩa Hương giãi bày, với những mặt hàng xuất khẩu, ngoài kỹ thuật đan truyền thống cần phải thường xuyên cải tiến mẫu mã cho phù hợp với thị trường. Tuy nhiên, lao động chủ yếu là phụ nữ quá tuổi lao động, việc đào tạo nghề cũng chỉ theo cách “cầm tay chỉ việc” với mức độ biết làm nghề, chứ chưa có lao động được đào tạo bài bản.
Tương tự, làng nghề mây tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) cũng đang gặp khó khăn về lao động tay nghề cao. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phương Quang - Giám đốc Công ty TNHH Việt Quang cho biết, vài năm gần đây, làng nghề không phát triển được vì thiếu đội ngũ lao động kế cận lành nghề. Thường các hộ sản xuất chỉ làm theo mẫu có sẵn chứ không có nhiều thợ trình độ cao có thể thiết kế mẫu mã sản phẩm nên hàng hóa không đa dạng, thiếu sức cạnh tranh, trong khi nhu cầu của thị trường ngày càng khắt khe.
Lo ngại nghề... mai một
Là người gắn bó hơn 40 năm với nghề mây tre đan, ông Lưu Trung Tuyến, một thợ giỏi của làng nghề mây tre đan xã Triệu Đề, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) không khỏi trăn trở, chia sẻ: “Tôi đã gắn bó với nghề mây tre đan hơn 40 năm. Nghề này đòi hỏi sự tỉ mỉ, chịu khó. Có khi làm cả ngày chỉ được 3-5 sản phẩm, tiền công 50.000 - 70.000 đồng, trong khi xã hội hiện đại có khá nhiều công việc nhẹ nhàng hơn cho giới trẻ lựa chọn. Có lẽ đó là lý do khó giữ chân lao động trẻ tiếp nối nghề truyền thống”.
Nhiều làng nghề thiếu hụt lao động trẻ, lo ngại mất nghề truyền thống của cha ông.
Chia sẻ cùng VnBusiness, ông Hoàng Quốc Chính, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Đa Sỹ cho biết, làng nghề truyền thống Đa Sỹ hiện có trên 1.000 hộ đang duy trì nghề rèn. “So với trước đây làng nghề đã bị mai một đi rất nhiều do nghề rèn vất vả, nặng nhọc, dễ xảy ra tai nạn lao động, nên hầu hết lớp thanh niên khi lớn lên thường có xu hướng đi học đại học và chọn nghề khác đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, những người đã theo nghề thì ham lắm, không bỏ được” – ông Chính nói thêm.
Các chuyên gia nhìn nhận, thiếu hụt lao động tay nghề cao là tình trạng chung ở các làng nghề. Đây là nguyên nhân chính khiến sản phẩm các làng nghề truyền thống chưa đa dạng về mẫu mã, thiếu sức cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại trong nước và quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Thu Hường, thành viên Ban Nghiên cứu và Phát triển làng nghề (Hiệp hội Làng nghề Việt Nam), cho rằng, việc dạy nghề tại các làng nghề phần lớn theo lối cầm tay chỉ việc hoặc tổ chức những lớp học ngắn ngày, rất ít làng nghề tổ chức đào tạo bài bản dẫn đến hiệu quả chưa cao. Cơ sở vật chất, phương tiện dạy nghề ở các gia đình và các cơ sở nhỏ lẻ, còn đơn sơ, thiếu thốn. Việc dạy nghề truyền thống ở một số trường đào tạo nghề cũng chưa gắn với nhu cầu, do đó, nhiều người học xong vẫn không tìm được việc làm hoặc nơi tiếp nhận phải tốn kém thêm thời gian, kinh phí để đào tạo lại…
Trong bối cảnh hội nhập với sự cạnh tranh mạnh mẽ, nhu cầu phải có đội ngũ nhân lực với tay nghề tinh xảo nhằm tạo ra các sản phẩm phong phú về mẫu mã, bảo đảm chất lượng, có khả năng cạnh tranh trên thị trường được đặt ra ngày càng cấp thiết. Rõ ràng, chỉ có nguồn nhân lực chất lượng tốt thì mới giữ và phát triển các làng nghề truyền thống ngày càng phát triển.
Hồng Hương
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//viec-lam/lang-nghe-truoc-nguy-co-that-truyen-vi-thieu-hut-nhan-luc-tay-nghe-cao-1104373.html