Nghề làm mắm giúp gia đình bà Nguyễn Thị Nam, chủ cơ sở nước mắm Nam Long ở thôn Hợp Tân (Hoằng Phụ) có thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/năm.
Về Hoằng Phụ, đi dọc trục đường dẫn đến khu dân cư các thôn Bắc Sơn, Hợp Tân, Hồng Kỳ... chuyên sản xuất nước mắm mang thương hiệu “Khúc Phụ” có truyền thống hàng trăm năm tuổi, dễ dàng cảm nhận được không khí lao động rộn ràng trong những ngày cận Tết Nguyên đán. Tại cơ sở sản xuất nước mắm Nam Long ở thôn Hợp Tân, bà nguyễn Thị Nam - chủ cơ sở cho biết: “Hằng năm, cơ sở sản xuất, đưa ra thị trường phục vụ người tiêu dùng khoảng trên 12.000 lít nước mắm. Do nhu cầu tiêu thụ nước mắm dịp tết tăng khoảng 40% so với ngày thường, vì vậy, để có đủ số lượng nước mắm chất lượng nhất, phục vụ người tiêu dùng, cơ sở đã dành khoảng 50 tấn mắm chượp được ủ chín có thời gian từ 18 - 24 tháng. Lượng mắm chượp này đã hoàn thành xong việc rút nỏ từ tháng 11 âm lịch. Hiện tại, gia đình tập trung nhân lực chiết nước mắm từ các bể với sản lượng khoảng 4.000 lít để đóng chai, dán nhãn, đóng thùng xuất hàng cho các thương lái phân phối đến các đại lý phục vụ nhu cầu của người dân dịp tết”.
Theo bà Nam, để có nước mắm ngon, ngoài nguyên liệu là các loại cá chỏng, cá lâm... tươi (không qua ướp đá) thì muối dùng ủ mắm phải để ít nhất 3 tháng cho ra bớt nước chát và thời gian ủ mắm từ 18 - 24 tháng mới đảm bảo độ chín để thực hiện rút nỏ. Quá trình rút nỏ, cũng có bí quyết riêng để nước mắm trong và không có mùi tanh. Với những “bí quyết” riêng, nước mắm của gia đình bà được khách hàng trong và ngoài tỉnh đón nhận, mang lại lợi nhuận cho cơ sở từ 100 – 150 triệu đồng/năm.
Công ty TNHH Gia Phúc Thịnh đóng tại xã Hoằng Đạt là doanh nghiệp chuyên sản xuất và cung ứng các sản phẩm nội thất phục vụ gia đình và văn phòng. Hiện tại, công ty đang tạo việc làm cho 6 lao động, với mức thu nhập 9 triệu đồng/người/tháng. Thời điểm này, người lao động đang tất bật hoàn thiện các sản phẩm như giường, tủ, bàn, ghế... kịp giao cho khách hàng dịp tết. Anh Nguyễn Tiến Đức, giám đốc công ty, cho biết: “Nghề mộc sản xuất, tiêu thụ quanh năm nhưng “hút” hàng nhất là 3 tháng cuối năm, với các đơn hàng tăng khoảng 20%. Để đáp ứng nhu cầu của khách, từ tháng 10 đến nay, người lao động trong công ty phải tăng giờ làm, đảm bảo đơn hàng giao đúng hẹn.
Thời điểm này, người làm hương thuộc làng nghề Đông Khê, xã Hoằng Quỳ đang khẩn trương cho ra những sản phẩm phục vụ thị trường tết. Ông Đoàn Văn Mậu, người đã gắn bó với nghề hơn 50 năm nay, cho biết: "Gia đình tôi sản xuất từ 1 - 1,5 vạn hương/ngày. Tuy nhiên, dịp tết, nhu cầu tiêu thụ tăng gấp nhiều lần so với ngày thường. Vì vậy, để phục vụ người tiêu dùng, từ tháng 9 trở lại đây, tôi thuê thêm từ 4 - 5 lao động nữa, đảm bảo sản xuất từ 2 - 2,5 vạn hương/ngày để cung ứng cho thị trường. Hiện nay, sản phẩm Hương bài Mậu Tiên của gia đình đang được bán rộng rãi tại nhiều tỉnh, thành từ Bắc đến Nam như Đắc Lắc, Gia Lai, Nam Định, Hà Nội, Bắc Ninh... Nghề làm hương giúp cuộc sống gia đình tôi có “bát ăn bát để”, nuôi 2 con ăn học thành đạt"...
Hoằng Hóa hiện có 11 nghề, làng nghề đã được tỉnh công nhận là nghề, làng nghề truyền thống. Các làng nghề này, không những tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương mà còn góp phần đáng kể cung ứng lượng hàng hóa ra thị trường cho khách hàng có nhu cầu sử dụng hàng truyền thống.
Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 đang cận kề. Hòa vào không khí sôi động, hối hả chuẩn bị đón tết, nhiều làng nghề vào vụ, tất bật sản xuất ra các sản phẩm truyền thống để kịp các đơn hàng cung ứng đến tay người tiêu dùng. Các làng nghề này, không chỉ thể hiện sự nhộn nhịp của mùa vụ mà còn góp phần tô điểm cho bức tranh tết cổ truyền Việt Nam thêm phần ấm cúng và sôi động.
Bài và ảnh: Minh Lý