Nhà tái định cư "kẻ chê, người khát"
Anh Nguyễn Tuấn Minh, đến từ Thái Bình, là cán bộ tại cơ quan Nhà nước, sinh sống và làm việc tại Hà Nội đã gần 15 năm. Hiện anh cùng vợ và hai con gái nhỏ thuê nhà với giá hơn 6 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, căn nhà bí bách, nóng bức vì mái lợp fibro xi măng, nằm trong ngõ nhỏ lại xa nơi làm việc, xa nơi học của con.
Dự án xây dựng Khu tái định cư Xuân La, quận Tây Hồ, TP Hà Nội bỏ hoang 5 năm nay, hiện xuống cấp và nhếch nhác. Ảnh: Vũ Chiến.
Mơ ước có được một căn nhà, trong khi giá chung cư thương mại quá cao so với thu nhập, thỉnh thoảng anh vẫn đi qua 2 tòa nhà tái định cư bỏ hoang tại phường Xuân La, quận Tây Hồ để dò hỏi về thông tin, thủ tục nếu được thuê, mua.
"Tôi thấy dự án tái định cư đã xây dựng xong hết rồi nhưng 5 năm nay vẫn để hoang. Tôi tìm hiểu thì nhận được thông tin dự án chưa có kế hoạch bán, khi bán thì chỉ bán cho người đúng đối tượng.
Việc hàng nghìn căn hộ tái định cư bỏ hoang tại Hà Nội và TP.HCM là rất lãng phí. Trước hết cần phải làm rõ pháp nhân, xem ai là chủ của những tòa nhà đó. Nếu là Nhà nước thì phải xử lý nhanh, không thể để chậm trễ. Sau khi rà soát, cần đưa ra những giải pháp để xử lý ngay, đơn cử như chuyển những dự án đó thành nhà ở xã hội hoặc nhà cho thuê.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân, Trợ lý Bí thư Thành ủy TP.HCM
Còn một tòa nữa đã bàn giao, nhưng chỉ có 10 hộ dân về ở. Tôi hỏi mua lại thì giá được rao lên đến 65 triệu đồng/m2. Thật chẳng khác nào kẻ chê, người khát", anh Minh ngao ngán.
Trong khi đó, ông Trần Văn Hoàng, một người dân ở phố Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay, gia đình ông gồm 6 người con, cháu trong diện giãn dân phố cổ sang khu tái định cư phường Thượng Thanh (Long Biên). Tuy nhiên, gia đình ông không muốn sang, mà "cố thủ" ở lại.
Khi được hỏi lý do, ông Hoàng ngậm ngùi: "Tôi đã sang xem nhà nhiều lần và tính kế sinh nhai, nhưng do chất lượng nhà không được tốt như mong đợi, không có công ăn việc làm mới để chuyển đổi. Nếu nhận đền bù thì số tiền nhận được cũng không đủ để đóng tiền chênh lệch diện tích".
Cũng đang phải đi thuê nhà, chị Trần Thị Hằng, một viên chức tại Hà Nội chia sẻ: "Sau các vụ cháy nổ thời gian qua, nhiều nhà trọ bị dừng hoạt động, người dân thu nhập thấp thiếu chỗ ở. Nhìn các dự án tái định cư bỏ hoang nhiều năm mà thấy rất xót. Người dân chúng tôi khao khát được mua những căn hộ như thế, nhưng bất lực. Nếu có cơ chế tiếp cận được, chúng tôi sẵn sàng tìm hiểu và mong muốn được mua như mua nhà ở xã hội".
Nghịch lý xây xong để hoang
Theo thống kê, tại Hà Nội và TP.HCM hiện có khoảng 18.000 căn hộ tái định cư bỏ hoang hoặc sử dụng kém hiệu quả, khiến toàn bộ hạ tầng xuống cấp. Các dự án đều được xây dựng quy mô, đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.
Khu tái định cư hồ Đền Lừ III được xây dựng hoàn thành từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn bỏ hoang, một số hạng mục xuống cấp.
Có nhiều nguyên nhân khiến các dự án tái định cư bị bỏ hoang thời gian dài như xây dựng tại khu vực xa trung tâm, thiếu tiện ích, khó khăn cho việc đi lại của người dân; nhiều nơi còn thiếu hạ tầng xã hội như bệnh viện, chợ, trường học; nhiều người do không hài lòng với chất lượng nhà tái định cư; vướng mắc do chưa tháo gỡ được từ cơ chế…
Tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở Xây dựng, hiện có hơn 4.000 căn hộ tái định cư bỏ hoang tại những khu Đồng Tàu, Đền Lừ (quận Hoàng Mai), Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) và nhiều khu khác tại huyện Gia Lâm, Long Biên… Thậm chí, có những căn nhà dù hoàn thành từ năm 2004-2006, đến nay vẫn không có người ở, dẫn đến hư hỏng nặng.
Đơn cử, 3 tòa nhà tái định cư N3, N4, N5 cao 6 tầng, với 150 căn hộ trong khu đô thị Sài Đồng (phường Phúc Đồng, quận Long Biên) dù nằm ở vị trí đẹp, thuận lợi, cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại nhưng vẫn không một bóng người. Cả 3 tòa này được xây dựng từ năm 2001-2006.
Hay tại, dự án nhà ở tái định cư tại phường Thượng Thanh với 5 tòa chung cư được xây dựng nhằm mục đích di dân phố cổ. Dù đã hoàn thành nhiều năm nay nhưng nhiều tòa vẫn trong tình trạng bỏ hoang, chỉ có vài hộ dân về ở.
Ngoài các dự án xây dựng bằng nguồn ngân sách Nhà nước, còn có các dự án được đặt hàng, doanh nghiệp tham gia nhưng cũng đang bị "mắc kẹt".
Điển hình như cơ chế thí điểm đặt hàng xây dựng nhà ở thương mại để tạo lập quỹ nhà ở tái định cư trên địa bàn TP Hà Nội hiện đang thất bại. Dự án khu X2 có diện tích 16.377m2, với tổ hợp gồm 3 tòa chung cư cao 28 tầng nổi, 3 tầng hầm đỗ xe trên địa bàn phường Đại Kim, quận Hoàng Mai là một ví dụ.
Năm 2018, Sở Xây dựng Hà Nội đặt hàng Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà ở và đô thị Bộ Quốc phòng (MHDI) tạo lập quỹ nhà ở thương mại để bố trí tái định cư. Dự án có số lượng 750 căn chung cư, tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng, tiến độ dự án đưa vào hoạt động quý I/2019.
Theo hợp đồng, thành phố đặt mua lại toàn bộ 750 căn chung cư làm căn hộ tái định cư. Đến nay, Bộ Xây dựng có kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu, hoàn thành công trình CT1, CT2, CT3 của dự án. Thế nhưng, do còn một số vướng mắc khác, kể từ thời điểm nghiệm thu đến nay đã 5 năm, dự án vẫn chưa đưa vào sử dụng, bỏ hoang.
Tại TP.HCM, theo báo cáo của Sở Xây dựng, hiện thành phố có khoảng 14.000 căn hộ và nền đất tái định cư chưa được sử dụng, tập trung chủ yếu tại các khu vực: Thủ Thiêm, Bình Chánh, Bình Tân, Nhà Bè. Có dự án đến hàng chục năm không có người về ở, nhưng thành phố vẫn phải mất hàng trăm tỷ đồng để chi cho quản lý, bảo dưỡng.
Trong đó, dự án khu tái định cư Bình Khánh (Thủ Thiêm) có quy mô lớn lên đến gần 12.500 căn hộ, được đầu tư gần 12.000 tỷ đồng, nhưng đến nay phần lớn vẫn chưa có người vào ở. Nhiều block nhà đã xuống cấp, cỏ mọc um tùm, hoang phế như "thành phố ma".
Nhiều địa phương đang để lãng phí
Ngoài Hà Nội và TP.HCM, tại Huế, Quảng Ngãi, Nha Trang… mỗi tỉnh, thành có một vài dự án từ vài trăm đến cả nghìn căn nhà tái định cư vẫn đang trong tình trạng bỏ hoang.
Khu tái định cư Xóm Quán, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa hoàn thành gần 10 năm nhưng hiện chỉ có vài hộ dân đến ở. Hạng mục Trường mầm non Xóm Quán xây xong rồi bỏ hoang, xuống cấp trầm trọng.
Cách đây hơn 17 năm, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế (nay là TP Huế) đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng 4 khu tái định cư tổng diện tích 118ha và phân gần 2.000 lô đất. Mục tiêu là để đón đầu các dự án đến đầu tư, khi thu hồi đất sẽ nhanh chóng bố trí tái định cư cho người dân, sớm giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư.
Các khu tái định cư được đầu tư tại xã Lộc Vĩnh, thị trấn Lăng Cô, xã Lộc Thủy và Lộc Tiến (huyện Phú Lộc). Theo đó, dự án ở Lộc Vĩnh được đầu tư năm 2008, diện tích khoảng 30ha, kinh phí hơn 40 tỷ đồng. Sau nhiều năm hoàn thành, khu tái định cư mới bố trí khoảng 20% hộ dân đến sinh sống.
Dọc tuyến quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Lăng Cô rất dễ nhìn thấy khu tái định cư Lăng Cô với hệ thống hạ tầng điện, đường, nước... được đầu tư hoàn chỉnh, cắm mốc, phân hơn 600 lô đất. Tuy nhiên, cư dân dọn đến đây sinh sống chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Tương tự, khu tái định cư xã Lộc Tiến, Lộc Thủy được đầu tư hơn 100 tỷ đồng, đến nay chỉ chiếm khoảng 15% hộ dân đến ở, còn lại bỏ hoang.
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp TP Huế, nguyên nhân các khu tái định cư chưa bố trí được người dân đến ở, do các dự án đã được giao đất nhưng không triển khai, hoặc chậm triển khai dự án, kéo theo các khu tái định cư chưa thể lấp đầy.
Nhận định của các địa phương, việc quy hoạch, đầu tư các khu tái định cư để kêu gọi doanh nghiệp đến đầu tư dự án tại khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô là cần thiết. Tuy nhiên, nên quy hoạch đất trước, còn việc đầu tư cơ sở hạ tầng phải theo lộ trình và theo số lượng người dân cần di dời…
Tại Quảng Ngãi, khu tái định cư Hóc Xà - Đồng Lớn rộng 13ha được đầu tư xây dựng với kinh phí 11 tỷ đồng tại xã Tịnh Hòa, khi đó thuộc huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), nay là TP Quảng Ngãi.
Công trình được đầu tư 160 lô đất, phục vụ tái định cư người dân thuộc diện giải tỏa, di dời phục vụ các dự án lớn trong Khu kinh tế Dung Quất, trong đó có dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Thế nhưng, sau khi vào ở được một thời gian, người dân chê vì cho rằng không phù hợp rồi bỏ đi khắp nơi.
Cách đó không xa, xã Tịnh Long (TP Quảng Ngãi) cũng có 3 khu tái định cư chung cảnh ngộ. Năm 2013, Quảng Ngãi làm đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh và xây 4 khu tái định cư dọc tuyến, với tổng số 553 lô đất. Đến nay vẫn còn 105 lô đất trống, hơn 10 năm qua bỏ hoang.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Quảng Ngãi Trà Thanh Danh, mỗi khu tái định cư có những vướng mắc khác nhau và cần có thời gian, cơ chế riêng để xử lý. Tuy nhiên, định hướng của địa phương là từng bước tháo gỡ các vướng mắc để sửa chữa, nâng cấp hoặc xây mới lại các công trình này để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Khánh Hòa, khu tái định cư Xóm Quán (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) rộng hơn 50ha với tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng đã hoàn thành cách đây hơn 10 năm nhưng hiện chỉ có một vài hộ đến ở.
Ông Võ Khánh Đăng, Chủ tịch UBND xã Ninh Thọ chia sẻ, đa số người dân đều không muốn vào khu tái định cư vì không có đất để sản xuất, tạo kế sinh nhai. Nhiều người dân phải di dời đều nhận đất ở khu tái định cư rồi để đó và tự tìm đường mưu sinh ở vùng đất khác thuận lợi hơn.
Đề xuất chuyển đổi hoặc đấu giá
Trong bối cảnh nguồn cung nhà ở tại các đô thị lớn khan hiếm, người dân thiếu nhà ở giá rẻ, phương án chuyển đổi nhà tái định cư bỏ hoang sang nhà ở xã hội là giải pháp thiết thực.
Mặc dù đường sá được đầu tư nhưng Khu tái định cư xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, TP Huế, chỉ có vài hộ dân đến ở.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu kinh tế, xã hội Hà Nội, nguồn vốn xây nhà tái định cư là nguồn ngân sách. Do vậy, việc chuyển các dự án tái định cư không có người ở sang nhà ở xã hội là hợp lý.
Luật sư Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý đầu tư, bất động sản nêu quan điểm: Việc hàng nghìn căn hộ tái định cư bị bỏ hoang, trách nhiệm liên quan từ khâu lập dự án, cho đến chủ trương lập dự án và triển khai thực hiện.
"Phần lớn dự án được xây dựng theo kiến trúc lạc hậu, như không có tầng hầm để xe hoặc để xe ở tầng 1. Giải pháp tối ưu là bán đấu giá dự án, lập quy hoạch theo thiết kế mới rồi tổ chức đấu giá cho chủ đầu tư khác.
Dỡ hết và xây lại từ đầu, như vậy sẽ đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người dân. Hầu hết quỹ đất đó nằm ở những vị trí rất đẹp, giá trị thương mại cao thì nên bán đấu giá để tăng thu ngân sách và thu hồi vốn đầu tư đã bỏ ra", ông Đỉnh đề xuất.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nêu quan điểm, cần nghiên cứu để có nghị quyết riêng cho việc chuyển đổi nhà tái định cư sang nhà ở xã hội, nếu sau 12 tháng không có người ở. Trong đó, cho phép dự án tiếp cận gói vốn vay ưu đãi 140 nghìn tỷ như với dự án nhà ở xã hội.
"Với một tỷ lệ nhất định căn hộ diện tích lớn (khoảng 10-15% trong một dự án) không phù hợp với quy định của nhà ở xã hội là không vượt quá 70m2 thì cần nghiên cứu cho phép chuyển đổi công năng thành nhà ở thương mại hoặc chia nhỏ diện tích cho phù hợp", ông Đính nói.
Còn theo đề xuất của Sở Xây dựng TP Hà Nội, với quỹ nhà tái định cư nếu sau khi đã bố trí cho các hộ dân bị thu hồi đất mà còn căn hộ không sử dụng hoặc sử dụng không hết, cần tổ chức bán đấu giá từng căn để thu hồi vốn.
Ông Trần Hồng Quân, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, Sở đã báo cáo UBND TP về quỹ nhà phục vụ tái định cư của Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 4; chuyển mục tiêu từ nhà tái định cư sang nhà ở thương mại với 159 căn hộ tại dự án chung cư số 39-39B Bến Vân Đồn, quận 4; chuyển đổi mục tiêu, công năng nhà ở đối với 3.790 căn hộ tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Ngày 7/5, Bộ Xây dựng có Công văn 3089 về việc hướng dẫn thực hiện chính sách về nhà ở công vụ sau sáp nhập.
Nội dung công văn nêu: Tại Điều 26, 27, 28 và Điều 29 Nghị định 95/2024 đã quy định cụ thể trình tự, thủ tục quyết định chuyển đổi công năng hoặc mua nhà ở thương mại để làm nhà ở công vụ.
Do đó, đề nghị các địa phương căn cứ quy định nêu trên để triển khai thực hiện dự án chuyển đổi để tránh thất thoát lãng phí; nhà tái định cư nếu được chuyển đổi thành nhà ở công vụ để phục vụ cán bộ yên tâm công tác.
Nhóm phóng viên