Lãng phí lớn từ hàng nghìn căn hộ tái định cư bỏ hoang

Lãng phí lớn từ hàng nghìn căn hộ tái định cư bỏ hoang
3 giờ trướcBài gốc
Nằm ngay ngã tư đường Trần Thái Tông - Duy Tân, quận Cầu Giấy, tòa nhà khu tái định cư N01 - C17 dù đã cơ bản hoàn thành nhưng từ nhiều năm nay vẫn bị bỏ hoang khiến công trình xuống cấp khi lớp sơn phủ đã bong tróc, những lan can bằng sắt bắt đầu hoen gỉ.
Cũng trên địa bàn quận Cầu Giấy, dự án nhà ở tái định cư A14 khu đô thị Nam Trung Yên (phường Yên Hòa) dù đã hoàn thành từ năm 2016 nhưng cũng đang bị bỏ hoang.
Tại quận Hoàng Mai, khu tái định cư Đền Lừ III nằm tại vị trí đắc địa, giao thông thuận lợi với mặt tiền là tuyến phố Tân Mai, đối diện là hồ Đền Lừ đã được cải tạo cảnh quan. Dự án được hoàn thiện từ năm 2017 gồm 3 tòa chung cư cao tầng để phục vụ việc tái định cư cho người dân, sau khi thực hiện giải phóng mặt bằng khu di dân Đền Lừ III. Tuy nhiên, từ đó tới nay, khu tái định cư này vẫn đang bị bỏ hoang và bắt đầu xuống cấp, cửa kính tầng 1 tòa nhà đã bị nứt, các mảng tường bong tróc. Không những thế, nơi đây đang trở thành chỗ đổ rác thải tự phát, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị.
Nhiều hạng mục tại dự án tái định cư Đền Lừ III đã xuống cấp sau nhiều năm bị bỏ hoang.
Hà Nội hiện có 9 dự án tái định cư với gần 2.500 căn hộ trong tình trạng chưa đưa vào sử dụng. Có 2 dự án hoàn thành nghiệm thu, đã bố trí tái định cư nhưng chưa đưa vào sử dụng, 7 dự án đang triển khai dang dở.
Đáng nói, 2 dự án nhà chung cư tái định cư đã hoàn thành là khu nhà ở tái định cư phường Thượng Thanh (quận Long Biên) và khu tái định cư phường Trần Phú (quận Hoàng Mai) nhằm phục vụ giải phóng mặt bằng công viên Tuổi trẻ Thủ đô, đã bàn giao cho các hộ dân nhưng nhiều năm qua vẫn chưa có ai về ở. Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân do dự án được xây dựng tại khu vực xa trung tâm, thiếu tiện ích gây khó khăn cho người dân trong việc di chuyển, sinh hoạt...
Nhìn vào thực tế này rõ ràng là sự lãng phí lớn vốn đầu tư và quỹ đất của thành phố. Theo các chuyên gia, việc xây nhà tái định cư mà không quan tâm tới nhu cầu sinh sống của người bị thu hồi đất như giải quyết công ăn việc làm, môi trường văn hóa, giáo dục, bệnh viện, chợ, hạ tầng tiện ích phù hợp để bảo đảm cuộc sống cho người dân. Không những thế, trong một thời gian dài chất lượng nhà tái định cư không đảm bảo, rất nhiều nhà tái định cư bị xuống cấp nhanh, thậm chí vừa bàn giao đã xuống cấp gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý của người tái định cư, khiến người dân không sẵn sàng với việc nhận và an cư ở dự án tái định cư nên đã xin nhận tiền hỗ trợ, bồi thường, thay vì nhận nhà đã dẫn tới tình trạng bỏ hoang của hàng nghìn căn hộ trong nhiều năm...
Để giải quyết tình trạng này, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ phối hợp với các sở, ngành, UBND quận, huyện nơi có dự án tái định cư, rà soát, đánh giá nhu cầu về nhà ở tái định cư tham mưu, báo cáo UBND TP theo quy định pháp luật hiện hành. Sau khi đã bố trí các suất nhà ở tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất mà còn thừa thì đề xuất phương án tổ chức bán đấu giá thu hồi vốn.
Thực tế hiện nay đang có hàng chục nghìn gia đình ở Hà Nội có nhu cầu được mua nhà với giá phù hợp, vì vậy nhiều người đang hy vọng thành phố sẽ sớm có chính sách chuyển đổi công năng sử dụng và đưa ra bán đấu giá nhà tái định cư dư thừa, vừa sớm thu hồi ngân sách cho Nhà nước, vừa giải quyết nhu cầu của người dân. Bởi, theo chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch, các dự án nhà chung cư tái định cư đều được xây dựng bằng tiền ngân sách nhà nước, nếu bị bỏ hoang thì cần có giải pháp để xử lý sớm, nhằm tránh thất thoát nguồn ngân sách. Những dự án này Nhà nước cần thu hồi lại và tổ chức bán đấu giá, tạo lập thành nhà ở xã hội hoặc nhà ở thương mại để bán cho người dân đang có nhu cầu.
Rõ ràng, để xảy ra sự lãng phí này là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, vì vậy để giải quyết sớm, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của UBND thành phố và các sở, ngành liên quan.
Nhưng, điều quan trọng hơn là từ câu chuyện này, thành phố cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc tiến hành đầu tư xây dựng các dự án nhà tái định cư. Đó là cần làm tốt công tác tham vấn cộng đồng dân cư; lựa chọn vị trí xây dựng đảm bảo dự án được kết nối hạ tầng dịch vụ, tiện ích... Đặc biệt là kiểm soát chất lượng công trình để người dân yên tâm nhận nhà tái định cư khi bị thu hồi đất.
Tân Lương
Nguồn ANTG : https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/lang-phi-lon-tu-hang-nghin-can-ho-tai-dinh-cu-bo-hoang-i748313/