Cảnh hoang tàn của Bình Quới-Thanh Đa đối lập với đô thị hiện đại bên kia sông Sài Gòn.
Bài 1: Thiệt hại vì quy hoạch "treo"
Bàn về cuộc sống của người dân trong các khu quy hoạch treo, có thể nói ngắn gọn: Tạm bợ và nhiều quyền lợi chính đáng bị ảnh hưởng. Từ năm này qua năm khác, họ chờ đợi, hy vọng rồi lại thất vọng mỗi khi nghe tin dự án chuẩn bị khởi động nhưng rồi lại tiếp tục rơi vào tình trạng im lìm như cũ.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, người dân sống trong các khu quy hoạch treo đang bị thiệt hại trăm bề. Nhiều năm, họ không được cấp giấy phép xây dựng mới, không được tách thửa, không được chuyển mục đích sử dụng đất nên đã không được nộp tiền sử dụng đất theo giá đất rất thấp trước đây. Trong thời gian tới, nếu thành phố tháo gỡ xong "quy hoạch treo, dự án treo", những người dân này tiếp tục bị thua thiệt lần thứ hai do phải nộp tiền sử dụng đất với mức rất cao theo quy định tại bảng giá đất mới.
Thôn quê giữa lòng thành phố
Giữa sự phát triển như vũ bão của Thành phố Hồ Chí Minh, khung cảnh trên bán đảo Bình Quới-Thanh Đa (Phường 28, quận Bình Thạnh) phần lớn vẫn như một làng quê nghèo vì vướng quy hoạch treo nhiều năm qua. Trớ trêu thay, khi bên kia sông là khu Thảo Điền (Quận 2) liên tục mọc lên những trung tâm thương mại, cao ốc, căn hộ hiện đại, thì Bình Quới-Thanh Đa quanh đi quẩn lại chỉ có ruộng lúa, ao, đầm và mênh mông đất hoang với cỏ dại mọc cao quá đầu người.
Gia đình ba thế hệ của ông Lê Văn Dũng (ngụ tại 558/64/8 Bình Quới, Phường 28, quận Bình Thạnh) đã gắn bó cả cuộc đời với bán đảo Bình Quới-Thanh Đa. Hơn 30 năm sau khi quy hoạch (1992), bán đảo này dần biến thành… ốc đảo, đời sống người dân ngày càng trĩu nặng khó khăn. Ruộng đồng hoang phế, đất đai cằn cỗi, chỉ còn cỏ dại, ốc bươu và rau muống đồng xanh rì, bò kín mặt nước.
Cụ Lê Văn Thảnh và cụ Lê Thị Ba, cha mẹ của ông Dũng cho biết: Nhiều gia đình còn ráng gượng trồng lúa nhưng lúc mới gieo cấy thì cỏ dại và sâu bệnh, lúc sắp thu hoạch lại bị chuột, chim phá hoại hết, lau sậy chỉ ngơi ra vài ngày không phát quang là mọc lên tua tủa. Mang tiếng dân thành phố nhưng cuộc sống ở Thanh Đa còn… thua cả nông dân ở các vùng quê.
Quy trình cấp phép sửa chữa nhà hay liên quan sử dụng đất của dân Thanh Đa cũng vô vàn khó khăn. Nhà xuống cấp, hư dột, ngập nước, bong tróc tường cột muốn sửa cũng phải báo cáo, làm đơn xin phép, phải duyệt mới được tiến hành. Cha mẹ có đất muốn tách thửa, chia cho con cất nhà cũng chỉ được phép xây nhà tạm. Thế nên, dù có đất để lại từ đời ông bà cố cựu, không ít người dân đành bán tống bán tháo rồi dọn ra ngoài ở nhà thuê để thoát vùng quy hoạch.
Ông Dũng kể lại: Khi mới lập gia đình, ông đã từng nhìn thấy bản vẽ quy hoạch khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa với hai cây cầu mới, cũng thấy có người đến đo đạc đất đai trong mấy năm đầu sau khi dự án được phê duyệt. Thế nhưng đến nay, cha mẹ ông đã ngoài 80 tuổi, cháu ngoại ông cũng 8 tuổi nhưng Bình Quới-Thanh Đa vẫn chỉ là bán đảo hoang sơ với một con đường độc đạo nối ra trung tâm thành phố bằng cây cầu Kinh. "Ai cũng đồng ý bàn giao đất cho dự án nếu có phương án đền bù thỏa đáng. Nếu Nhà nước không làm thì xóa quy hoạch cho dân đỡ khổ", ông Dũng dõi ánh nhìn về mấy tòa cao ốc bên kia sông, thở dài.
Mười năm sống bên ga tàu
Tương tự như bán đảo Bình Quới-Thanh Đa, năm 2013, khu đất rộng 14 ha (góc đường Mai Chí Thọ-Lương Định Của, phường An Phú, thành phố Thủ Đức) được quy hoạch để xây dựng ga Thủ Thiêm. Đây sẽ là ga đầu mối của các tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam, đường sắt nhẹ Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành; tuyến Metro số 2. Thế nhưng, đã hơn hai thập kỷ trôi qua, dự án ga Thủ Thiêm vẫn chưa hẹn ngày xây dựng. Những người dân sinh sống ở đây đều tỏ ra chán ngán khi nhắc đến dự án vì thời gian đã trôi quá lâu.
Bà Ngọc mua căn nhà số 221B, Lương Định Của từ năm 2004. Từ căn nhà kiên cố ban đầu, nay đã xuống cấp nghiêm trọng với những mảng tường bong tróc, cột kèo xiêu vẹo. Đã nhiều lần xin chính quyền sửa chữa, nhưng bà phải cam kết khi Nhà nước thực hiện dự án, phải tự tháo dỡ nhà và không được bồi thường. Với người nghèo như bà, số tiền sửa chữa nhà cửa là một khoản lớn nhưng nhỡ một mai Nhà nước thu hồi mà không được bồi thường thì gay quá, cho nên gia đình bà đành liều, sống tạm bợ chờ di dời.
Ông Tấn Phi (53 tuổi), một người dân địa phương cho biết: Từ khi Nhà nước quy hoạch dự án cũng là lúc gia đình ông sống tạm bợ đến tận bây giờ. Nhiều lúc vợ chồng ông muốn vay tiền ngân hàng để sửa nhà nhưng lại do dự vì sợ đến khi dự án triển khai lại không được đền bù. "Chúng tôi ở đây thiếu thốn, khổ cực trăm bề. Gọi là nhà cho sang chứ chỉ là dựng tạm tre gỗ, ngăn vách bằng tôn, mùa hè nóng như lò hơi, ngày mưa nước tràn vào nhà. Người dân chúng tôi cạn hy vọng được chuyển đi nơi khác sống vì dự án đã treo hàng chục năm rồi".
Không chỉ nhà cửa, giao thông trong con hẻm nhỏ cũng không được bảo đảm an toàn. Trên con đường nửa bê-tông, nửa đất đá là những ổ gà còn đọng nước đen ngòm nham nhở, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông do đường xuống cấp nghiêm trọng.
Báo cáo mới nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, trên địa bàn còn hơn 300 dự án quy hoạch từ ba năm mà chưa thực hiện thu hồi đất. Nguyên nhân các dự án bị treo do thay đổi quy định của pháp luật như Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công khiến dự án vẫn chưa tìm được nhà đầu tư hoặc chưa được chuyển đổi sang hình thức, mục đích sử dụng đất khác. Ngoài ra, còn do thay đổi quy hoạch, lộ giới hẻm trên địa bàn; do thiếu vốn, khó khăn giải phóng mặt bằng,...
Để tháo gỡ, chính quyền thành phố đang tập trung điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Theo đó, thành phố sẽ định lại các cấu trúc không gian, tìm động lực phát triển mới thông qua xác định chức năng mới hợp lý hơn, đột phá hơn nhưng phải bền vững hơn, phân bổ lại dân số hợp lý, hài hòa và phù hợp địa bàn.
Khi đồ án điều chỉnh chung được thông qua, các dự án không còn khả thi sẽ được hủy bỏ để trả lại quyền lợi chính đáng cho người dân. Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, trong thời gian chờ đợi điều chỉnh quy hoạch, trước mắt, chính quyền thành phố cần rà soát, phân loại dự án gồm không khả thi hoặc chưa cấp thiết triển khai. Với những quy hoạch sai lầm ngay từ đầu hoặc không mang tính khả thi và ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân thì nên xóa bỏ. Sau khi xóa bỏ, thành phố nên tiến hành ngay một quy hoạch, chỉnh trang những khu dân cư hiện hữu. Chẳng hạn, cho phép người dân cải tạo, sửa chữa nhưng vẫn nằm trong định hướng quy hoạch chung của thành phố. Riêng một số dự án treo nếu thấy cấp thiết, cần phải giữ lại thì tìm phương án tháo gỡ.
(Còn nữa)
Khu bán đảo Bình Quới-Thanh Đa rộng 427 ha, năm 1992 được quy hoạch thành Khu du lịch văn hóa, giải trí. Năm 2004, dự án được giao cho Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn làm chủ đầu tư. Do không được triển khai, năm 2010, thành phố thu hồi dự án, giao cho một đơn vị xây dựng lại đồ án quy hoạch 1/2.000 với mục tiêu biến bán đảo thành một khu đô thị hiện đại kết hợp sinh thái, có cầu bắc qua sông Sài Gòn, quy mô dân số khoảng 41-50 nghìn người. Năm 2015, Liên danh giữa Tập đoàn Bitexco và một công ty nước ngoài được chỉ định làm chủ đầu tư với tổng vốn dự kiến hơn 30.000 tỷ đồng, tuy nhiên đến nay, dự án vẫn bất động.
Bài, ảnh: TÙNG QUANG và VŨ NGÂN