Lãng phí nguồn tài nguyên đất: điểm nghẽn của phát triển

Lãng phí nguồn tài nguyên đất: điểm nghẽn của phát triển
14 giờ trướcBài gốc
“Đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình” là lời hiệu triệu của Tổng bí thư Tô Lâm đang được lan tỏa mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Để bước vào kỷ nguyên vươn mình, giải pháp mà người đứng đầu Đảng ta đưa ra là khơi thông và huy động mọi nguồn lực của đất nước cho mục tiêu phát triển, thông qua việc tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế. Trong đó đất đai đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định, phát triển bền vững đất nước. Vì thế, lãng phí đất đai là một sự lãng phí nguồn lực cho mọi sự phát triển.
Trong bối cảnh quỹ đất ngày càng thu hẹp, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh việc sử dụng hiệu quả đất luôn là một bài toán cấp bách. Thế nhưng, thực tế lại cho thấy nhiều diện tích đất “vàng”, đất dự án, những công trình xây dựng dở dang trên "đất vàng" được quây tôn, bỏ hoang thời gian dài.
Theo thống kê sơ bộ, TP Hà Nội hiện vẫn còn hơn 11.300 ha đất bị bỏ không, TP Hồ Chí Minh cũng đang có khoảng 3.900 thửa đất bị bỏ hoang. Trong khi xã hội rất nhiều người dân đang không có nhà để ở thì đây không chỉ lãng phí nguồn lực, lãng phí ngân sách mà còn là một nghịch lý.
Có thể kể đến các dự án đô thị “hoành tráng” ở Hà Nội, được xây dựng dở dang hoặc đã xong phần thô nhưng đều chung cảnh ngộ bị bỏ hoang ít nhất đã chục năm qua, như: Khu đô thị Mê Linh; Hàng trăm căn biệt thự trong khu Lideco; Khu đô thị Nam An Khánh; Khu đô thị Vườn Cam; Khu đô thị mới Thịnh Liệt; Tòa nhà VietinBank chậm tiến độ chục năm; hay như dự án Usilk City thuộc Công ty Cổ phần Sông Đà - Thăng Long được khởi công từ năm 2008, gồm 9 khối nhà ở chung cư cao tầng với 2.800 căn hộ, kèm theo hệ thống công trình dịch vụ công cộng, tiện ích xanh, hiện đại…
Từng được kỳ vọng là dự án đáng sống bậc nhất quận Hà Đông, nhưng sau hơn 16 năm triển khai, phần lớn các tòa nhà nằm trong dự án mới chỉ đang xây thô đến tầng 4 - 5 và tiếp tục bị bỏ hoang, xung quanh ngổn ngang vật liệu xây dựng, cỏ dại, cây cối mọc um tùm. Hay như khu đất tại số 220 Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy) có diện tích khoảng 13.000m². Tập đoàn Bảo Việt được giao đất để triển khai dự án Tháp Tài chính Quốc tế IFT, khởi động từ năm 2005, nhưng sau gần 20 năm, nơi đây vẫn là một khu đất trống. Cây cối mọc um tùm. Rác thải chất thành đống tạo nên hình ảnh rất nhếch nhác cho khu vực.
Tương tự, tại TP Hồ Chí Minh cũng tồn tại hàng hàng loạt dự án bị bỏ hoang, như: dự án tái định cư Thủ Thiêm; dự án Saigon One Tower; Khu đô thị Đông Thăng Long; Khu tái định cư Bình Khánh; Khu đô thị Cát Lái; Satra Tax Plaza... Câu chuyện về hàng ngàn dự án bị bỏ hoang hay tệ hơn là những “đô thị ma” giữa các đô thị lớn không có người sinh sống đã và đang gây lãng phí rất lớn, làm mất đi cơ hội phát triển ở địa phương.
Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do vấn đề pháp lý và thủ tục hành chính phức tạp. Hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng và đất đai còn chồng chéo, thiếu đồng bộ, dẫn đến tình trạng nhiều dự án bị ách tắc trong khâu phê duyệt, giải phóng mặt bằng, hoặc cấp giấy phép. Các quy định này thường xuyên thay đổi, gây khó khăn cho chủ đầu tư trong việc đảm bảo tuân thủ đầy đủ. Bên cạnh đó, công tác quản lý và điều hành tại một số địa phương còn hạn chế, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành. Điều này dẫn đến tình trạng trì hoãn trong việc giải quyết vướng mắc tại chỗ, khiến tiến độ triển khai bị kéo dài.
Ngoài ra, một số dự án còn gặp khó khăn về nguồn vốn. Việc huy động vốn đầu tư, đặc biệt là từ nguồn xã hội hóa, chưa đạt hiệu quả cao. Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng e ngại tham gia các dự án do rủi ro liên quan đến chính sách hoặc môi trường kinh doanh chưa thực sự ổn định. Thêm vào đó, năng lực của một số chủ đầu tư cũng là vấn đề đáng chú ý. Một số đơn vị không đủ kinh nghiệm hoặc tiềm lực tài chính yếu kém, dẫn đến việc triển khai dự án không đạt kỳ vọng về chất lượng và tiến độ.
Theo PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, các dự án và khu đô thị bỏ hoang không chỉ lãng phí nguồn lực đất đai mà còn gây ra hàng loạt hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội, môi trường và quy hoạch đô thị. Đầu tiên là hệ lụy về kinh tế với việc lãng phí vốn đầu tư lớn, bởi các dự án đô thị thường tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng hạ tầng, nhưng khi bị bỏ hoang, nguồn vốn này không tạo ra giá trị gia tăng. Tiền vay ngân hàng hoặc trái phiếu để triển khai dự án có nguy cơ trở thành nợ xấu, gây bất ổn cho thị trường tài chính. Cùng đó là thiếu hiệu quả trong sử dụng đất. Trong khi đất đô thị, đặc biệt là đất tại khu vực trung tâm, có giá trị cao nhưng lại bị bỏ trống, làm mất cơ hội phát triển kinh tế và xã hội, làm ảnh hưởng thị trường bất động sản. Tình trạng cung vượt cầu nhưng lại không đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, đặc biệt là nhà ở giá rẻ.
Tiếp đó là hệ lụy về xã hội, trong khi hàng trăm nghìn người dân không có nhà ở, các khu đô thị lại bỏ hoang, gây bức xúc trong xã hội. Hạ tầng đô thị như điện, nước, đường sá tại các khu vực này không được khai thác, lãng phí tài nguyên công cộng. Phá vỡ kết nối cộng đồng, bởi khu đô thị bỏ hoang tạo ra những “vùng chết” trong lòng thành phố, thiếu sự kết nối xã hội, gây cảm giác cô lập. Qua đó, gia tăng những vấn đề an ninh trật tự, vì các khu đô thị không có người ở dễ trở thành nơi ẩn náu của tệ nạn xã hội như trộm cắp, nghiện hút, mất an ninh trật tự...
PGS.TS Bùi Thị An cũng cho rằng, các khu đô thị hoang cũng sẽ gây hệ lụy không nhỏ về môi trường. Các công trình bị bỏ hoang nhanh chóng xuống cấp, gây nguy cơ sập đổ, ô nhiễm không khí, đất và nước. Nhiều khu vực bị biến thành bãi rác tự phát, ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh. Lãng phí không gian xanh, tạo hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, phá vỡ quy hoạch tổng thể, tăng áp lực lên các khu vực khác, làm xấu hình ảnh đô thị. Thậm chí, việc không xử lý triệt để các dự án treo hoặc đô thị bỏ hoang khiến người dân mất niềm tin vào năng lực quản lý của cơ quan chức năng. Đồng thời, phát sinh tiêu cực và tham nhũng… khó khăn trong thu hồi đất.
(Còn nữa)
10:09 27/12/2024
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/lang-phi-nguon-tai-nguyen-dat-diem-nghen-cua-phat-trien.html