Lãng phí nhà, đất công tại nhiều địa phương

Lãng phí nhà, đất công tại nhiều địa phương
7 giờ trướcBài gốc
Sau sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021, có nhiều cơ sở nhà, đất dôi dư tại các địa phương. Một số cơ sở nhà, đất là các trụ sở cơ quan nhà nước nhiều năm không được sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng hoặc bị bỏ hoang, gây lãng phí rất lớn cho nguồn lực của Nhà nước. Đặc biệt, hiện nay cả nước tiếp tục thực hiện sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính, sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp thì số lượng các cơ sở nhà, đất dôi dư tiếp tục tăng lên. Do đó, cần tiếp tục có giải pháp để xử lý các cơ sở nhà, đất này giúp đưa lại nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.
Một trong những trụ sở Ủy ban nhân dân xã dôi dư sau sáp nhập tại tỉnh Hòa Bình. Ảnh: S TC Hòa
Nhiều cơ sở nhà, đất công dôi dư chưa được xử lý
Theo thống kê từ Sở Tài chính tỉnh Nghệ An, tính đến cuối năm 2024 trên địa bàn tỉnh hiện có 82 cơ sở nhà, đất không sử dụng, hoặc sử dụng không hiệu quả. Đây là các trụ sở, công sở dôi dư khi địa phương thực hiện giải thể, sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập và sáp nhập các đơn vị hành chính chuyển đến trụ sở mới.
Theo số liệu báo cáo cuối năm 2024 của Sở Tài chính tỉnh Hòa Bình, qua rà soát tài sản công là nhà, đất (trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp) không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, hoặc sử dụng không đúng mục đích, hiện trên địa bàn tỉnh còn 259 cơ sở. Trong đó, có 201 cơ sở nhà, đất không sử dụng; 58 cơ sở nhà, đất sử dụng kém hiệu quả.
Còn tại Ninh Bình, cũng theo báo cáo của Sở Tài chính tỉnh này, đến thời điểm cuối năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 2.773 cơ sở nhà, đất dôi dư cần xử lý, sắp xếp lại. Trong đó, cơ sở nhà, đất khối tỉnh là 171 cơ sở, khối huyện là 2.568 cơ sở; các doanh nghiệp Nhà nước và Quỹ đầu tư phát triển tỉnh là 34 cơ sở.
Tại tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2024 đến nay, mặc dù tỉnh này đã phê duyệt điều chuyển 6 cơ sở nhà, đất; chuyển giao 4 cơ sở nhà, đất của các đơn vị y tế về huyện quản lý và điều chỉnh phương án sắp xếp 4 trụ sở. Tuy nhiên, con số này còn khá khiêm tốn khi Thanh Hóa vẫn còn gần 500 công sở, nhà đất dôi dư đang bỏ hoang, lãng phí…
Đây chỉ là một số ví dụ cụ thể cho thấy trong các đợt sắp xếp trước đây, số lượng trụ sở, cơ quan nhà nước dôi dư còn rất nhiều. Còn theo số liệu tổng hợp của Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2024 cả nước còn 11.034 cơ sở nhà đất không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả. Cho tới thời điểm hiện tại, mới chỉ có 3.780 cơ sở nhà đất có quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền, còn lại 7.249 cơ sở nhà đất chưa có quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền.
Việc chưa xử lý dứt điểm các cơ sở nhà, đất này dẫn đến tính trạng bỏ hoang nhiều năm xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Đơn cử tại Nghệ An, các trụ sở, cơ quan dôi dư khi địa phương thực hiện giải thể, sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập và sáp nhập các đơn vị hành chính chuyển đến trụ sở mới (đối với các đơn vị thuộc trung ương quản lý). Tuy nhiên, các trụ sở, cơ quan này được xây dựng với đặc thù riêng nên không phù hợp, tương thích với phương án sản xuất, đầu tư của các doanh nghiệp. Vì thế, rất khó đưa ra tổ chức đấu giá. Hơn nữa, nhiều trụ sở công dôi dư lại nằm ở vị trí các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội kém phát triển, không thuận lợi để làm kinh doanh, thương mại, dịch vụ nên khó tìm được đối tượng tham gia đấu giá…
Hay như tại Hòa Bình, quá trình xử lý tài sản xuất hiện nhiều khó khăn khi một số nơi vẫn phải tạm thời bố trí một số bộ phận về làm việc tại trụ sở cũ, vì trụ sở mới chưa đáp ứng nhu cầu của công việc. Việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với các trụ sở có diện tích đất lớn gặp khó khăn, do vượt nhiều lần so với hạn mức giao đất ở theo quy định của Luật Đất đai. Một số trụ sở mới được đầu tư xây dựng, nâng cấp nên giá trị tài sản trên đất còn nhiều, giá trị xác định làm giá khởi điểm bán tài sản trên đất cao, trong khi người mua chỉ quan tâm đến giá trị đất, vì công năng sử dụng của tài sản trên đất không phù hợp mục đích sử dụng của người mua.
Chưa chủ động trong cách xử lý
Trong khi số cơ sở nhà, đất dôi dư tại các đợt sáp nhập trước đây chưa được xử lý, nhiều trụ sở bị bỏ hoang đến 4-5 năm, rêu phong đã phủ kín, thì với việc cả nước đang tiếp tục thực hiện sáp nhập, tinh gọn bộ máy thời gian này (mặc dù tới đây mới có kết quả thống kê cụ thể), nhưng sẽ tiếp tục có thêm nhiều cơ sở nhà, đất dôi dư.
Khẩn trương rà soát các cơ sở nhà, đất dôi dư
Trước sự đốc thúc của Chính phủ, Bộ Tài chính, các địa phương bước đầu cũng có những đề xuất về xử lý cơ sở nhà, đất công dôi dư sau sáp nhập, gửi các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Đơn cử tỉnh Thanh Hóa đang đề xuất giải pháp điều chỉnh mục đích sử dụng cơ sở nhà, đất dôi dư theo quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt; đồng thời chuyển đổi công năng, bố trí cho các đơn vị có nhu cầu hoặc phục vụ cộng đồng dân cư.
Còn tại tỉnh Hòa Bình cũng yêu cầu các đơn vị liên quan xây dựng, ban hành kế hoạch chi tiết xử lý đối với tài sản công, trụ sở làm việc không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả. Đồng thời yêu cầu xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm trong việc xử lý nhà, đất này…
Vấn đề đặt ra là phải có giải pháp để xử lý dứt điểm tình trạng bỏ không những tài sản này để phát huy nguồn lực từ chính tài sản đó, mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho xã hội.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh các yếu tố khách quan dẫn đến chậm xử lý các cơ sở nhà, đất dôi dư thì vẫn còn tâm lý chủ quan của các nhà quản lý cũng như chính quyền địa phương.
Theo đó, tại các địa phương, nhiều cơ sở nhà, đất dôi dư đã được phê duyệt phương án xử lý nhưng vẫn chậm thực hiện. Đồng thời, nhiều địa phương lo ngại về việc cơ quan có tài sản sẽ không đủ nhân lực, năng lực để tổ chức bán đấu giá tài sản, khó đáp ứng được đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan nên chưa tổ chức bán tài sản.
Điều đáng nói là các địa phương, đơn vị còn thiếu quyết liệt, chưa chủ động trong xử lý nhà, đất dôi dư, để xảy ra tình trạng thiếu hồ sơ nhà, đất; chậm điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất làm cho việc xử lý nhà, đất dôi dư chưa thể thực hiện do không phù hợp quy hoạch.
Do đó, theo các chuyên gia kinh tế, các địa phương cần xác định rõ mục tiêu phát triển thực tế của mình để đưa ra những giải pháp xử lý các trụ sở, nhà, đất công dôi dư này một cách hợp lý.
Để làm được điều đó, rất cần sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương. Hiện có nhiều đơn vị, chuyên gia kinh tế đã “hiến kế” để giúp nhanh chóng chấm dứt tình trạng này và các cơ quan chức năng có liên quan, trong đó Bộ Tài chính đã và đang kiến nghị, triển khai nhiều giải pháp. Tại các địa phương có nhiều cơ sở nhà, đất dôi dư cũng rốt ráo thực hiện rà soát lại và kiến nghị giải pháp xử lý gửi các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, giúp nhanh chóng đưa các trụ sở, nhà, đất công sớm được sử dụng hiệu quả, phát huy nội lực kinh tế địa phương từ chính tài sản công dôi dư này./.
Vân Hà
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/lang-phi-nha-dat-cong-tai-nhieu-dia-phuong-174022.html