Nhiều thực phẩm dịp Tết người dân không sử dụng hết đã phải đổ bỏ (ảnh chụp tại đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân), ngày 3-2.
Việc mua sắm, chế biến quá nhiều món ăn, nhiều lượng đồ ăn đã khiến dạ dày mỗi người đều quá tải, các bữa ăn đều bị dư thừa, khiến thức ăn lưu cữu từ ngày này qua ngày khác… Sau Tết, nhiều gia đình đã phải đổ bỏ đi số thức ăn thừa do để lâu ngày, sử dụng không hết và bị thiu, mốc… Bên cạnh đó, số quà tặng là bánh kẹo, hoa quả Tết được gói trong các giỏ quà cũng bị thối, hỏng bởi không kịp sử dụng đúng hạn.
Chưa kể, sau Tết, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp lại tổ chức tiệc tân niên, với tâm lý năm mới đủ đầy, trang trọng, thức ăn được gọi đầy bàn nhưng dùng không hết… Sự lãng phí hiển hiện ở nhiều gia đình, nhiều nơi, nhưng chưa được quan tâm đúng mức.
Chị Lê Bích Hòa (quê ở huyện Thanh Oai) thường đi thu nhặt phế liệu ở khu vực quận Hà Đông cho biết, mỗi năm, vào khoảng mùng 4, mùng 5 Tết là chị đi thu nhặt phế liệu. Đến một số điểm tập kết rác mới thấy lượng thức ăn bị đổ đi rất lớn, rất lãng phí. Nhiều nhất là rau, hoa quả thối, ủng, nẫu và thức ăn đã chế biến nhưng không được dùng hết. Tất cả loại rác được đổ chung vào một túi hỗn tạp, rất mất vệ sinh.
Thực tế cho thấy, tâm lý tích trữ đồ ăn và thói quen nấu nướng trong những ngày Tết đã gây sự lãng phí lớn lương thực, thực phẩm. Sự phung phí, sử dụng đồ ăn không hợp lý đã và đang tồn tại trong nhiều người. Thực trạng đáng nói này năm nào cũng được nhắc nhở, cảnh báo, nhưng nhiều người chưa thay đổi. Đây không chỉ là lãng phí về tiền bạc, của cải, mà còn gây ra hàng loạt hệ lụy khác cho môi trường, cho xã hội…
Nên chăng, mỗi người cần phân biệt giữa sự đủ đầy và lãng phí để điều chỉnh hành vi chuẩn bị lương thực, thực phẩm trong dịp Tết. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh tiến trình phân loại rác để không lãng phí nguồn “tài nguyên” từ rác, hướng đến phát triển môi trường bền vững.
Điều đáng mừng là hiện nay, không ít người suy nghĩ rất tích cực về việc “ăn Tết” với lối sống khoa học, lành mạnh, họ đã tối giản việc “ăn” và tập trung thưởng thức Tết ở vị tinh thần. Điều này cần được lan tỏa, nhân rộng hơn nữa trong xã hội để ngăn chặn và giảm dần sự lãng phí thực phẩm ngày Tết.
Thiện Mỹ