Làng phở, bánh tráng Ngan Dừa 'cháy' hàng dịp cận Tết

Làng phở, bánh tráng Ngan Dừa 'cháy' hàng dịp cận Tết
18 giờ trướcBài gốc
Tất bật làng bánh tráng
Những ngày cận tết, không khí tại làng bánh tráng truyền thống ở thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân nhộn nhịp hẳn lên. Nhiều lò bánh đỏ lửa, hoạt động hết công suất để có sản phẩm cung ứng ra thị trường dịp Tết Nguyên đán.
Mới 5 giờ sáng, lò làm bánh tráng của bà Trần Ngọc Du ở ấp Thống Nhất, thị trấn Ngan Dừa đã sáng ánh đèn để bắt đầu cho một ngày làm việc mới.
Bà Du cho biết, hồi nhỏ đã thấy ông bà, cha mẹ mình làm bánh tráng. Lớn lên bà lập gia đình, gia đình chồng bà cũng có truyền thống làm bánh tráng, vì vậy bà tiếp nối lưu giữ nghề và gắn bó tới tận bây giờ.
Bà Trần Ngọc Du tráng bánh thủ công.
Nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, nhiều hộ cùng nghề đã đầu tư máy đánh bột, máy tráng bánh, nhưng bà Du vẫn thích làm thủ công để bánh được đẹp và ngon hơn. Ngoài bánh tráng mặn, bà còn làm thêm bánh tráng ngọt với hương vị thơm ngon, được nhiều người ưa thích.
Vào dịp tết, bánh tráng làm ra không đủ để bán.
Sau khi đợi nước sôi, bà Du dùng một muỗng dừa nhỏ, múc bột đổ lên tấm vải, tráng một lớp mỏng rồi đậy nắp lại. Bột quậy phải đều, nếu không chiếc bánh sẽ bị chỗ thật dày, chỗ thật mỏng. Một lát sau, bà dùng chiếc đũa lớn vớt bánh ra, trải lên vỉ tre, mang đi phơi.
Bà Du chia sẻ: Để bánh ngon, quan trọng nhất vẫn là khâu chọn gạo rồi đến phần thêm gia vị, khuấy bột để tạo nên hương vị. Ngoài ra, công đoạn tráng bánh cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo tay để bánh sao cho tròn, đẹp. Ở công đoạn phơi, cũng cần đủ độ nắng để cho ra chiếc bánh ngon, hoàn hảo nhất.
Bà Trần Ngọc Du ở ấp Thống Nhất (thị trấn Ngan Dừa) đang thực hiện công đoạn đưa bánh vừa tráng lên phên để phơi.
“Hơn tháng nay, lò hoạt động liên tục để kịp tiến độ. Tôi phải dậy thật sớm để tráng được nhiều bánh kịp giao cho khách. Ngày thường, tôi chỉ tráng vài tiếng nhưng giáp Tết thì làm không ngơi tay. Một năm bán nhiều nhất vào mùa Tết làm ra bao nhiêu là bán hết bấy nhiêu nên dù có vất vả nhưng ai cũng phấn khởi ”, bà Du bộc bạch.
Làng phở khô 'cháy' hàng
Để duy trì và phát huy nghề bánh phở, bánh tráng truyền thống, những năm qua một số nông dân người dân tộc Khmer ở thị trấn Ngan Dừa đã mạnh dạn chuyển đổi từ phương thức sản xuất thủ công sang ứng dụng công nghệ máy móc hiện đại, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Sản xuất bánh phở tại cơ sở của ông Nguyễn Hoàng Minh ở ấp Thống Nhất, thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân.
Nhiều hộ làm bánh phở cho hay, cứ mỗi dịp tết nhu cầu đặt hàng tăng cao lắm nên họ phải huy động nhân lực hoạt động hết công suất vẫn cháy hàng.
Cả gia đình ông Nguyễn Hoàng Minh ở ấp Thống Nhất, thị trấn Ngan Dừa đều phải thức dậy từ 4 giờ sáng để ngâm gạo làm phở cho tới chiều mới được nghỉ ngơi. Ông Minh cho biết, nghề bánh phở gạo ở xóm này đã có từ nhiều đời nay theo kiểu cha truyền con nối. Đến nay gia đình ông Minh gắn bó với nghề phở gạo hơn 30 năm, bánh phở đã trở thành cái nghiệp và đang giúp gia đình ông ngày càng ăn nên làm ra. Ban đầu làm thủ công, vài năm trở lại đây gia đình trang bị máy móc hiện đại và tráng sân nhà rộng rãi hơn để phơi bánh phở cho mau khô và đảm bảo vệ sinh. Bình thường mỗi ngày có 4 người làm nhưng mùa tết phải thuê thêm 4 người mà vẫn không thể đáp ứng cho các mối hàng.
Gạo được ngâm trong các bồn, sau khoảng 7 đến 8 giờ vớt ra xay thành bột. Sau đó đổ bột vào hệ thống băng chuyền được thổi hơi nóng để làm thành từng miếng bánh tráng dày. Bánh bỏ lên phên tre phơi khô, xếp thành từng xấp sau đó nhúng vào nước nóng cho mềm rồi cuộn tròn đưa vào máy xắt thành từng lõi phở. Phở lại được mang phơi đến khi nào thật khô mới đóng thành từng bao 5 kg hoặc 10 kg bán cho các mối hàng.
Phơi bánh phở.
Nói về bánh phở, ông Minh chia sẻ, kinh nghiệm của gia đình ông để có sản phẩm bánh phở ngon, chất lượng, an toàn thực phẩm cần phải có nguyên liệu gạo sạch, thơm ngon, nguồn nước và nơi sản xuất sạch sẽ, sản phẩm không pha chế chất bảo quản hay hóa chất độc hại.
Phở sau khi phơi thật khô được ông Minh đóng thành từng bao 5 kg hoặc 10 kg bán cho các mối hàng lên TP Hồ Chí Minh.
Ngoài bánh ướt cung cấp cho các đầu mối tiêu thụ bán lẻ và các quán ăn gia đình ông Minh còn sản xuất bánh phở khô cung cấp nhiều đơn hàng lên tận TP Hồ Chí Minh. “Mùa tết nghề làm phở vất vả lắm, nhưng lại vui vì đông người mua kẻ bán. Mỗi lao động thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng đây là mức thu nhập khá lý tưởng ở vùng nông thôn hiện nay” ông Minh chia sẻ.
Nghề làm bánh tráng đã tạo công ăn việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân sinh sống trên địa bàn thị trấn Ngan Dừa.
Không ai còn nhớ chính xác làng nghề làm bánh tráng, bánh phở Ngan Dừa (huyện Hồng Dân) có từ khi nào, nhưng hàng chục năm qua, nhiều thế hệ người dân nơi đây đã lớn lên cùng nghề. Bằng tình yêu nghề, nhiều gia đình vẫn đang nỗ lực giữ lửa cho nghề truyền thống của gia đình góp phần chung tay giữ gìn và đưa thương hiệu bánh tráng Ngan Dừa ngày càng vươn xa.
Vào mùa làm bánh tráng phục vụ Tết Nguyên đán, người người nhộn nhịp, tráng bánh, phơi bánh, tạo không khí rộn ràng cho làng nghề trước thềm Xuân.
Nguyên Du - Tùng Lâm
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/lang-pho-banh-trang-ngan-dua-chay-hang-dip-can-tet-10297903.html