6 tháng đầu năm 2025, tỉnh Lạng Sơn đạt nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,37%, xuất nhập khẩu qua địa bàn nhộn nhịp với ngày cao điểm vượt mốc 1.900 xe thông quan. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ tiếp tục giữ đà phục hồi, tạo nền tảng cho sự bứt phá cuối năm.
Theo Chi cục Thống kê tỉnh Lạng Sơn, trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 27.116 tỷ đồng, tăng 8,37% so với cùng kỳ, xếp thứ 11/34 tỉnh, thành phố. Kết quả này phản ánh sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của lãnh đạo tỉnh và nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc duy trì ổn định, phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 20,10%; công nghiệp và xây dựng 27,80%; dịch vụ 47,74%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 4,36%.
Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng mạnh 11,89%, đóng góp 2,82 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Khu vực dịch vụ tăng 7,45%, đóng góp 3,75 điểm phần trăm; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 6,74%, đóng góp 1,43 điểm phần trăm. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,78%, đóng góp 0,37 điểm phần trăm.
Tỉnh Lạng Sơn đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường thu ngân sách và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 25/NQ-CP, Chỉ thị số 05/CT-TTg và Nghị quyết số 154/NQ-CP.
Hoạt động sản xuất công nghiệp tại Lạng Sơn có dấu hiệu phục hồi rõ nét. Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm ước tăng 5,72% so với cùng kỳ. Một số ngành có mức tăng trưởng ấn tượng, trong đó:
Ngành khai khoáng tăng 16,18%, đóng góp quan trọng vào mức tăng chung nhờ nhu cầu tiêu thụ than tăng cao từ Công ty Nhiệt điện Na Dương và nhu cầu vật liệu xây dựng cho các dự án hạ tầng; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,25%. Đặc biệt, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 33,34%, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 9,01%; Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,04% do nhu cầu tiêu dùng điện tăng trong mùa hè; Ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 2,12%, đảm bảo ổn định nhu cầu dân sinh.
Nhìn chung, các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh đều có xu hướng tăng, cho thấy tín hiệu tích cực về sản xuất và đơn hàng tại các doanh nghiệp.
Lạng Sơn tiếp tục khẳng định vai trò là trung tâm xuất nhập khẩu quan trọng ở khu vực phía Bắc. Hoạt động thông quan hàng hóa tại 5 cửa khẩu trọng điểm (Hữu Nghị, Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng, Chi Ma, Na Hình, Nà Nưa) diễn ra ổn định, hiệu quả. Hiệu suất thông quan trung bình đạt trên 1.650 xe/ngày, có thời điểm lên tới 1.930 xe/ngày.
Trong đó, xuất khẩu đạt trung bình 450–500 xe/ngày (80% là hoa quả), nhập khẩu trung bình 1.100–1.150 xe/ngày. Đến ngày 14/5/2025, kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh đạt 28.442 triệu USD; riêng kim ngạch mở tờ khai đạt 1.793 triệu USD, xuất khẩu đạt 382 triệu USD, nhập khẩu đạt 1.411 triệu USD.
Tỉnh đã thành lập tổ công tác chuyên trách nhằm đấu tranh, ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh.
Ngày 30/6/2025, tỉnh khởi công hai trong ba dự án thuộc đề án, bao gồm: Dự án đầu tư xây dựng nhà làm việc liên ngành tại đường chuyên dụng mốc 1088/2-1089 và Dự án mở rộng đường vận chuyển hàng hóa tại mốc 1119-1120 (từ 6 làn lên 14 làn) tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Các dự án này có ý nghĩa quan trọng, chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025–2030.
Phát biểu tại Hội nghị Đối thoại Hải quan – Doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thanh Sơn nhấn mạnh: “Tỉnh sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các dự án lớn có sức lan tỏa; phát triển hệ thống logistics và hoàn thiện hạ tầng cửa khẩu nhằm đảm bảo thông quan thông suốt, hiệu quả”.
Cùng với xuất nhập khẩu, lĩnh vực thương mại và dịch vụ của Lạng Sơn cũng ghi nhận sự phục hồi tích cực. Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm đạt 21.450,7 tỷ đồng, tăng 16,07% so với cùng kỳ.
Thị trường hàng hóa phong phú, giá cả ổn định, không xảy ra tình trạng khan hàng hay tăng giá đột biến. Các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại đã tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá kích cầu tiêu dùng.
Lĩnh vực du lịch và dịch vụ đi kèm như ăn uống, giải trí, mua sắm được đầu tư nâng cấp, thu hút khách du lịch và người dân trong tỉnh. Dịch vụ vận tải, viễn thông cũng duy trì ổn định.
Doanh thu các lĩnh vực vận tải, kho bãi và bưu chính tăng trưởng rõ rệt: Tổng doanh thu vận tải, kho bãi: 1.410,3 tỷ đồng, tăng 12,41%; Doanh thu vận tải hành khách: 181,8 tỷ đồng, tăng 11,71%; Doanh thu vận tải hàng hóa: 654,5 tỷ đồng, tăng 10,21%; Doanh thu kho bãi và hỗ trợ vận tải: 571,8 tỷ đồng, tăng 15,2%; Doanh thu bưu chính, chuyển phát: 2,1 tỷ đồng, tăng 29,34%.
Với đà tăng trưởng GRDP đạt 8,37% trong nửa đầu năm 2025, tỉnh Lạng Sơn đang đứng trước cơ hội bứt phá mạnh mẽ trong 6 tháng cuối năm. Mục tiêu tăng trưởng cả năm đạt 8,75% là khả thi nếu tiếp tục kiên định thực hiện các nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Tập trung giải ngân vốn đầu tư công; Phát triển kinh tế cửa khẩu, đẩy nhanh xây dựng hệ thống cửa khẩu thông minh; Thúc đẩy chuyển đổi số, cải cách hành chính, thu hút đầu tư chất lượng cao; Phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến và thương mại biên mậu theo hướng bền vững.
Bức tranh kinh tế - xã hội Lạng Sơn 6 tháng đầu năm 2025 cho thấy những tín hiệu khả quan và sự chuyển động đúng hướng. Với nền tảng đã có, tỉnh hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một năm tăng trưởng vượt kế hoạch, tạo tiền đề cho phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tiếp theo.
Thùy Linh