Lạng Sơn xử lý tài sản công sau sáp nhập như thế nào?

Lạng Sơn xử lý tài sản công sau sáp nhập như thế nào?
4 giờ trướcBài gốc
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lạng Sơn và hướng dẫn của Sở Tài chính, 11/11 huyện, thành phố trên địa bàn Lạng Sơn đã đồng loạt triển khai công tác rà soát, tổng hợp và xây dựng phương án sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công. UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương vào cuộc, đảm bảo tính chính xác và hiệu quả.
Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn tổ chức nhiều cuộc họp để xem xét, chỉ đạo, xử lý tài sản công sau sáp nhập.
Theo hướng dẫn của cấp trên, trong quá trình xử lý tài sản công, các huyện, thành phố đặc biệt chú trọng hiệu quả sử dụng và tránh lãng phí. Tài sản dôi dư, chưa có nhu cầu sử dụng ngay được quản lý chặt chẽ, có phương án bảo quản để tránh hư hỏng. Đồng thời, cũng tính đến việc điều chuyển, thanh lý theo quy định pháp luật để thu hồi nguồn lực cho Nhà nước.
Theo tổng hợp của Sở Tài chính Lạng Sơn, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có trên 530 tài sản là cơ sở nhà, đất thuộc diện sắp xếp. Theo phương án xử lý, 415 cơ sở nhà, đất sẽ được giao cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau sắp xếp và có 122 cơ sở nhà, đất dôi dư. Về phương tiện, có tổng cộng 81 xe (58 ô tô và 23 xe chuyên dùng) cũng đã được lên phương án bố trí cho các đơn vị hành chính cấp xã mới.
Trụ sở Thành ủy Lạng Sơn sẽ là nơi làm việc của phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn sau khi sáp nhập. Ảnh: Duy Chiến
Đối với máy móc, thiết bị và các tài sản khác, 11 huyện, thành phố cũng đã có tổng hợp chi tiết. Theo đó, tài sản cấp huyện như máy móc, thiết bị phổ biến, thiết bị dùng chung, công cụ, dụng cụ sẽ giữ lại cho đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp. Máy móc, thiết bị thuộc cơ sở nhà, đất dôi dư thì tận dụng tài sản còn khả năng sử dụng để phân bổ cho các đơn vị hành chính cấp cơ sở mới sau sắp xếp trong huyện sử dụng. Máy móc, thiết bị phục vụ cá nhân được điều chuyển theo cán bộ, công chức, viên chức. Trường hợp dôi dư nhiều, UBND cấp huyện báo cáo Sở Tài chính xem xét điều chuyển từ nơi thừa sang nới thiếu, hạn chế việc phải mua sắm mới tài sản. Đối với tài sản cấp xã, tài sản dùng chung được giao nguyên trạng cho đơn vị hành chính mới sau sắp xếp; máy móc, thiết bị phục vụ cá nhân sẽ được điều chuyển theo cán bộ, công chức.
Việc rà soát, xây dựng phương án xử lý tài sản công trước sáp nhập xã có ý nghĩa then chốt, đảm bảo cho các đơn vị hành chính mới có cơ sở vật chất ổn định, tránh gián đoạn hoạt động, tạo nền tảng vững chắc cho bộ máy hành chính mới hoạt động trơn tru, phục vụ người dân tốt hơn sau ngày 1/7/2025. Đồng thời, giúp quản lý hiệu quả tài sản nhà nước, ngăn ngừa thất thoát, lãng phí.
Nguyễn Duy Chiến
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/lang-son-xu-ly-tai-san-cong-sau-sap-nhap-nhu-the-nao-post1743234.tpo