Làng tăm hương Quảng Phú Cầu: Sắc màu làng nghề tỏa hương ra thế giới

Làng tăm hương Quảng Phú Cầu: Sắc màu làng nghề tỏa hương ra thế giới
3 giờ trướcBài gốc
Sân phơi tăm hương càng “bắt mắt” hơn khi nhìn từ trên xuống.
Một điểm đến văn hóa mang đậm sắc hương
Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 35km, làng tăm hương Quảng Phú Cầu (hay còn gọi là làng hương Xà Cầu) thuộc xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa từ lâu đã nổi danh với nghề làm hương truyền thống. Trải qua hơn một thế kỷ, những que tăm hương nơi đây không chỉ lưu giữ giá trị văn hóa tâm linh của người Việt mà còn vươn xa ra thị trường quốc tế, góp phần đưa tinh hoa nghề thủ công Việt Nam hội nhập với thế giới.
Mỗi ngày, bất kể nắng hay mưa, những người thợ tại Quảng Phú Cầu vẫn miệt mài theo từng công đoạn tỉ mỉ để làm ra bó hương chuẩn chỉnh, từ chọn nguyên liệu, cắt tăm, nhuộm màu đến phơi khô.
Vào những ngày nắng, sân phơi ở Quảng Phú Cầu hiện lên với những mảng màu rực rỡ, khi hàng nghìn bó tăm hương được xếp theo hình tròn, phủ kín lối đi và khoảng sân của các hộ sản xuất. Các gam đỏ, vàng, tím tạo thành cảnh quan bắt mắt, thu hút sự chú ý của các du khách ghé thăm. Trong không gian đó, mùi quế, trầm lan nhẹ, cùng âm thanh của máy cắt, tiếng sàng tăm đều tay – tạo nên nhịp điệu lao động đều đặn nơi làng nghề.
Không dừng lại ở vai trò “nơi lưu giữ giá trị truyền thống”, Quảng Phú Cầu đang từng bước chuyển mình để bắt nhịp với hơi thở thời đại. Gần một thập kỷ qua, bên cạnh hoạt động sản xuất truyền thống, làng nghề đã phát triển thêm loại hình du lịch trải nghiệm, thu hút ngày càng đông du khách yêu văn hóa tìm đến khám phá và cảm nhận.
Đến làng hương, du khách có dịp trực tiếp trải nghiệm các công đoạn làm hương truyền thống, từ đó hiểu hơn về kỹ nghệ và tâm huyết của người thợ làng nghề. Tại các cơ sở sản xuất, du khách được giới thiệu chi tiết về quá trình lựa chọn, vận chuyển và xử lý nguyên liệu đầu vào – chủ yếu là thanh nứa, thanh vầu – vốn là vật liệu chính để tạo nên tăm hương. Nguyên liệu sau khi sơ chế sẽ trải qua nhiều công đoạn gồm: nhuộm màu, phơi khô, se bột và phơi lại lần cuối trước khi hoàn thiện sản phẩm. Mỗi bước đều đòi hỏi sự chính xác và kinh nghiệm của người thợ, đồng thời cũng mang đến cho người tham quan trải nghiệm thực tế về kỹ thuật thủ công và tính chất đặc thù của nghề làm hương truyền thống.
Chính sự giao thoa giữa sản xuất và du lịch này đã mở ra hướng đi bền vững cho Quảng Phú Cầu, giúp làng nghề vừa hội nhập, vừa gìn giữ được bản sắc của một vùng quê trăm năm tuổi.
Thợ nghề kết hợp sử dụng máy móc trong sản xuất.
Di sản sống giữa truyền thống và hiện đại
Nghề làm hương ở đây đã có từ khoảng 100 năm trước, gắn với truyền thuyết về ba chị em nữ tướng Chiêu Nương thời Hai Bà Trưng. Theo lời kể của các bậc cao niên, sau khi đánh đuổi giặc Mã Viện, ba nữ tướng từng lánh nạn tại làng Xà Cầu và truyền dạy cho người dân cách làm hương từ những nguyên liệu thiên nhiên như nhựa trám, tre non và các loại thảo mộc bản địa.
Trải qua bao biến thiên lịch sử, nghề hương vẫn được người dân Quảng Phú Cầu gìn giữ và phát triển. Từ một thôn Phú Lương Thượng ban đầu, làng nghề đã lan rộng ra các thôn Xà Cầu, Quảng Nguyên, Phú Lương Hạ, Cầu Bầu và Đạo Tú. Hiện nay, dù số lượng hộ theo nghề giảm dần, Quảng Phú Cầu vẫn là một trong những địa phương sản xuất hương lớn nhất miền Bắc.
Nhằm thích ứng với nhu cầu thị trường ngày càng cao, nhiều hộ dân đã đưa máy móc vào một số công đoạn sản xuất, đặc biệt là làm tăm hương, nụ trầm và nụ hương.
Ông Nguyễn Hữu Long – chủ cơ sở sản xuất Tăm hương Long Hòa tại thôn Cầu Bầu – chia sẻ: sau hơn 40 năm gắn bó với nghề, gia đình ông đã ứng dụng máy móc để tăng năng suất. Tuy vậy, ông khẳng định: "Nhiều công đoạn trong nghề này vẫn phải làm thủ công, không thể thay bằng máy được. Như cái khâu nhuộm chân hương, bắt buộc phải là người làm. Máy thì làm sao biết được chỗ nào cần đậm, chỗ nào cần nhạt, hay lúc nào nên dừng. Rồi đến khi cho tăm vào máy trà xong, lấy hàng ra cũng phải dùng tay mà bốc, hoặc kê chèn lại cho đều, chứ để nguyên thế là cong vênh hết, nguy hiểm lắm”
Theo ông Long, dù máy móc đã hỗ trợ đáng kể trong khâu sản xuất, nhưng nhiều công đoạn đặc thù của nghề làm hương vẫn phải thực hiện hoàn toàn bằng tay. Đơn cử như việc phơi hương – vào những ngày thời tiết thất thường, nắng mưa bất chợt hoặc trời nồm ẩm kéo dài, người trong xưởng phải luôn túc trực để thu hương vào kịp lúc, căng bạt che chắn và điều chỉnh cách phơi cho phù hợp. Mỗi buổi lại một kiểu thời tiết, đòi hỏi người làm nghề phải tự tính toán, linh hoạt sắp xếp. Những việc như vậy, theo ông, máy móc không thể thay thế con người được.
Khách nước ngoài hào hứng tham quan làng hương.
Hành trình xuất ngoại của tăm hương Việt
Không chỉ dừng lại ở việc giữ gìn nghề truyền thống trăm năm, làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu đang từng bước khẳng định vị thế của mình trên thị trường quốc tế. Những que hương được làm từ tre, nứa – những vật liệu mộc mạc của đồng bằng Bắc Bộ – nay đã hiện diện tại nhiều quốc gia như Mỹ, Myanmar, Thái Lan, Malaysia, Nepal, Pakistan và khu vực Trung Đông.
Theo thống kê từ Volza, chỉ trong vòng một năm (từ tháng 3/2023 đến tháng 2/2024), Việt Nam đã xuất khẩu hơn 5.400 lô hàng tăm hương đến 33 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó riêng Malaysia và Hồng Kông đã chiếm tới 63% tổng kim ngạch xuất khẩu. Những con số ấy không chỉ phản ánh sức sống bền bỉ của một làng nghề truyền thống, mà còn cho thấy khả năng thích ứng và hội nhập ngày càng mạnh mẽ của ngành sản xuất hương Việt Nam.
Song song với xuất khẩu, mô hình kết hợp giữa sản xuất và phát triển du lịch trải nghiệm cũng đang mở ra hướng đi mới cho Quảng Phú Cầu. Trong 10 tháng đầu năm 2023, làng nghề đã đón hơn 20.000 lượt khách, trong đó 70% là du khách nước ngoài – những người tìm đến để tận mắt chứng kiến, tận tay trải nghiệm các công đoạn làm hương và hiểu thêm về chiều sâu văn hóa Việt Nam. Đây vừa là cơ hội quảng bá hình ảnh làng nghề ra thế giới, vừa góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân địa phương.
Tuy nhiên, để bước ra thị trường toàn cầu không phải là con đường bằng phẳng. Mỗi quốc gia, mỗi nền văn hóa có cách tiếp cận và sử dụng hương khác nhau, kèm theo đó là những tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng và nguyên liệu. Tại Việt Nam, hương thường gắn với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, lễ rằm, mùng một – những thời khắc thiêng liêng trong đời sống tâm linh. Trong khi đó, tại Ấn Độ, hương được sử dụng rộng rãi trong nghi lễ tôn giáo và thiền định. Ở Trung Quốc, ngoài công năng thờ cúng, hương còn được ứng dụng trong phong thủy và y học cổ truyền. Nhật Bản lại phát triển một nghệ thuật tinh tế là Kōdō – thưởng hương như một hình thức thư giãn, tĩnh tâm. Những khác biệt ấy buộc các doanh nghiệp Việt phải liên tục cải tiến, đa dạng hóa sản phẩm để phù hợp với từng thị trường – từ hương thắp truyền thống đến hương không tăm, hương tinh dầu, hương sạch.
Tăm hương Việt Nam hoàn toàn có thể tiến xa hơn nữa, không chỉ là sản phẩm tiêu dùng mà còn là sứ giả văn hóa của đất nước.
Thủy Vy - Lâm Phương
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/lang-tam-huong-quang-phu-cau-sac-mau-lang-nghe-toa-huong-ra-the-gioi-10306060.html