Ẩn mình giữa núi rừng Bắc Lào, Luang Prabang như một lát cắt hiếm hoi của thời gian, nơi những mái chùa vàng soi bóng bên dòng sông Mekong và Nam Khan và cuộc sống cứ chầm chậm trôi qua dưới tiếng tụng kinh chiều muộn. (Ảnh: Diệu Linh)
Khi đến Luang Prabang bằng máy bay, du khách sẽ được ngắm khung cảnh thiên nhiên từ trên cao như một bức tranh liên hoàn sống động với thung lũng xanh rì, mây trắng lững lờ ôm lấy đỉnh núi và đâu đó, những mái chùa cong cong ẩn hiện sau rặng cây. (Ảnh: Diệu Linh)
Đặt chân xuống sân bay Luang Prabang vẫn có cảm giác như được “thuyên chuyển” về một thế giới khác, nơi thời gian dường như trôi chậm hơn. (Ảnh: Diệu Linh)
Luang Prabang không ồn ào, không có những tòa nhà chọc trời, cũng chẳng có biển hiệu quảng cáo nhấp nháy. Thay vào đó là những con đường rợp bóng cây, những căn nhà cổ kiểu Pháp xen kẽ với kiến trúc Lào truyền thống. (Ảnh: Diệu Linh)
Những chiếc xe tuk-tuk lạch cạch chạy qua, để lại sau lưng làn bụi đỏ cùng tiếng còi khàn đặc, thứ âm thanh quen thuộc gắn với nhịp sống nơi đây. (Ảnh: Diệu Linh)
Dạo bước trên con đường Sisavangvong - trục chính của khu phố cổ, là cách tốt nhất để cảm nhận linh hồn Luang Prabang. Những quán cà phê nhỏ xíu nép mình dưới hàng hoa giấy, những cửa hàng thủ công với thổ cẩm rực rỡ mang hơi thở của thời gian... tất cả khiến người ta vừa tò mò, vừa dễ dàng đánh mất khái niệm về thời gian. (Ảnh: Diệu Linh)
Buổi sáng ở Luang Prabang bắt đầu bằng một nghi lễ trang nghiêm: khất thực. Khi mặt trời chưa ló dạng, hàng trăm nhà sư khoác áo cà sa vàng cam lặng lẽ bước trên phố, nhận xôi nếp, bánh trái từ người dân và du khách. (Ảnh: Diệu Linh)
Một trải nghiệm đặc biệt được nhiều cô gái yêu thích là "hóa thân" thành phụ nữ Lào. Khoác lên mình bộ trang phục kết hợp cùng khăn pha biang vắt qua vai, tạo nên một vẻ đẹp vừa dịu dàng vừa trang trọng. Nhiều người chọn mặc trang phục này khi viếng chùa, tham gia lễ hội hay đơn giản là đi dạo buổi chiều để cảm nhận mình như một phần của vùng đất thanh bình này. (Ảnh: Diệu Linh)
Là trung tâm Phật giáo quan trọng của Lào, Luang Prabang sở hữu hàng chục ngôi chùa cổ, mỗi nơi lại mang một vẻ trầm mặc, linh thiêng riêng. Trong ảnh: Ngôi chùa Vat Sensoukharam được xây dựng vào năm 1718. (Ảnh: Diệu Linh)
Nổi bật nhất là Wat Xieng Thong – ngôi chùa được xây dựng từ thế kỷ XVI, được coi là đỉnh cao của kiến trúc Lào truyền thống. (Ảnh: Quốc Chí)
Mái chùa cong vút, thấp dần xuống như muốn ôm trọn mặt đất, tường khảm tranh kính màu lấp lánh trong nắng chiều. Ngay cả người không theo đạo cũng có thể cảm nhận một năng lượng thanh tịnh bao phủ không gian. Trong ảnh: Bức tranh cây luân hồi nổi tiếng tại chùa Xieng Thong. (Ảnh: Diệu Linh)
Rời chùa, men theo bờ sông Me Kong, du khách có thể ghé thăm chợ sáng, nơi bày bán đủ loại sản vật địa phương: từ dưa muối, măng rừng cho đến những cây thuốc nam hay món đặc sản gây tò mò như trứng kiến, bọ cạp chiên. (Ảnh: Diệu Linh)
Đó là thế giới của hương vị bản địa, nơi người bán vẫn đội khăn truyền thống, tay thoăn thoắt gói hàng bằng lá chuối. (Ảnh: Diệu Linh)
Cũng không thể bỏ qua thác Kuang Si – viên ngọc xanh của Luang Prabang. Cách thành phố khoảng 30km, thác nước nhiều tầng đổ xuống từng bậc đá vôi, tạo nên những hồ nước màu ngọc lam mát lạnh. (Ảnh: Diệu Linh)
Du khách có thể bơi, ngâm người để đàn cá massage hoặc đơn giản là ngồi dưới tán cây, nghe tiếng thác đổ hòa với tiếng chim rừng thánh thót. (Ảnh: Diệu Linh)
Trong khu vực thác Kuang Si có khu bảo tồn gấu, một nơi không phải là vườn thú mà dành không gian để nuôi dưỡng, chữa bệnh, bảo tồn những con gấu đen châu Á được giải cứu khỏi nạn săn trộm, buôn lậu, nuôi nhốt trái phép.(Ảnh: Diệu Linh)
Trên đường đến thác Kuang Si, bạn nên ghé thăm khu nuôi voi. Tại đây, bạn có thể trực tiếp tham gia vào việc chăm sóc voi thông qua các hoạt động như chuẩn bị thức ăn và cho voi ăn. Các món ăn của voi thường bao gồm trái cây, cỏ và các loại thực phẩm bổ dưỡng được chuẩn bị ngay tại chỗ. Việc tận tay cung cấp thức ăn cho voi không chỉ mang lại niềm vui mà còn giúp bạn hiểu thêm về chế độ dinh dưỡng và cuộc sống hàng ngày của chúng. Khi được cho ăn, những chú voi thông minh và thân thiện sẽ gật đầu thay lời "cảm ơn". (Ảnh: Diệu Linh)
Đến khi nắng tắt, Luang Prabang khoác lên mình vẻ đẹp dịu dàng đến mê hoặc. Chợ đêm mở ra rực rỡ sắc màu từ hàng thủ công mỹ nghệ, vải vóc thổ cẩm, đồ bạc cho đến tranh vẽ và đèn lồng giấy... (Ảnh: Diệu Linh)
Không khí ở đây không xô bồ, chen chúc như nhiều nơi khác, người bán không chèo kéo, du khách thong dong ngắm nghía, trả giá nhẹ nhàng như một phần của cuộc trò chuyện thân thiện. (Ảnh: Diệu Linh)
Cạnh chợ đêm là một ngõ nhỏ bày bán nhiều loại đồ ăn truyền thống của Lào, có thể làm hài lòng nhiều thực khách khó tính. (Ảnh: Diệu Linh)
Nếu muốn một góc nhìn bao quát thành phố, hãy thử leo lên đỉnh núi Phousi, ngọn đồi cao nằm giữa trung tâm Luang Prabang. Nếu leo vào bình minh, bạn sẽ thấy thành phố như được phủ màn sương sớm tinh khôi, ngắm Mặt trời ló dạng sau rặng mây. Còn vào buổi chiều, khung cảnh hoàng hôn như tranh vẽ sẽ khiến bạn không thể rời mắt. (Ảnh: Diệu Linh)
328 bậc thang dẫn đến đỉnh không phải thử thách dễ dàng, nhưng phần thưởng là bức tranh toàn cảnh, từ dòng Me Kong lấp lánh ánh vàng, mái chùa nghiêng nghiêng dưới nắng và cả thành phố như được nhuộm vàng bởi vạt nắng cuối chiều. (Ảnh: Diệu Linh)
Ẩm thực Luang Prabang cũng là một dấu ấn đặc sắc. Xôi Lào – món ăn quen thuộc trong mọi bữa cơm – được nấu từ gạo nếp đặc biệt, thơm và dẻo đến lạ. Các món ăn địa phương như lạp (gỏi thịt), tam mak hoong (đu đủ trộn cay), hay cá nướng lá chuối đều đậm đà hương vị vùng sông nước. Nhiều du khách rỉ tai nhau về món “khao soi” đặc biệt ở Luang Prabang – không giống với khao soi kiểu Thái, món này là một loại phở nước với nước dùng từ cà chua, ăn kèm thịt bằm và rau thơm. (Ảnh: Diệu Linh)
Lang thang trên các con phố ở Luang Prabang, du khách cũng có thể dễ dàng bắt gặp các quầy trái cây và nước ép, sinh tố với đa dạng chủng loại hoa quả nhiệt đới. (Ảnh: Diệu Linh)
Luang Prabang còn nổi tiếng với các làng nghề truyền thống như làng dệt thổ cẩm Ban Phanom, nơi phụ nữ Lào cần mẫn bên khung cửi dệt nên những tấm vải rực rỡ hoa văn. Cách đó không xa là làng gốm Ban Chan, nơi vẫn giữ kỹ thuật nung gốm bằng hầm đất cổ truyền qua nhiều thế hệ. Ghé thăm những làng nghề này, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng tay nghề tinh xảo mà còn có thể tự tay trải nghiệm một phần đời sống văn hóa bản địa. (Ảnh: Diệu Linh)
Luang Prabang không phải là nơi để khám phá trong vội vã, nơi đây đòi hỏi ta phải sống chậm lại, nhìn sâu hơn và lắng nghe bằng cả trái tim. Thành phố ấy không mời gọi bằng những danh thắng rầm rộ, mà cuốn hút ta bởi vẻ đẹp nội tại, một vẻ đẹp của quá khứ còn nguyên vẹn, của hiện tại tràn đầy sự tỉnh thức. Và rồi, khi rời đi, bạn sẽ mang theo mình một chút bình yên, thứ cảm xúc quý giá mà không phải điểm đến nào cũng có thể mang lại. Trong ảnh: Haw Pha Bang, ngôi chùa Phật giáo tuyệt đẹp nằm trong khuôn viên Bảo tàng Cung điện Hoàng gia ở Luang Prabang. (Ảnh: Diệu Linh)
Diệu Linh