Đê Đáy lượn theo sông nhìn xuống bãi làng xanh mướt 4 mùa, bão gió bị ngăn bởi những rặng núi núi xa gần. Quần cư bên sông lưu giữ lịch sử làng xã mình bằng ước vọng, đức tin và những con người bằng xương bằng thịt. Những xóm Đất, xóm Chùa, những thôn Nhân Huệ, Nhân Sơn, Y Sơn...nghe đã thấy vời vợi quá khứ tự thủa lập làng.
Ngày ấy còn qua sông bằng phà - Phà Mai Lĩnh - giờ đây cây cầu đã kịp cũ, dòng chảy đã cạn, những bè rau muống bơ vơ trên mặt sông cạn. Nhưng thật dặc biệt cây cối đôi bờ vẫn ngùn ngụt xanh, ẩn hiện 2 cái lô cốt gạch trong lùm lá.
Chiến tranh đã đi qua vùng đất này, chứng tích mòn theo thời gian. Dưới chân cầu, nghĩa trang liệt sỹ của xã những cây đại đã thành cổ thụ. Người họ Nguyễn, họ Đàm, họ Đào, họ Đoàn… đã ra trận. Nỗi nhớ niềm đau người thân đã khuất vẫn còn sau những biết ơn. Hoa đại vẫn rụng xuống mộ người chết trẻ, người bỏ lại con thơ, bỏ lại quê hương và dòng sông, bỏ lại cả những hội mùa Xuân vắng người lễ thánh. Vì nghĩa cả mà kẻ mất người còn, chứ mấy người muốn rời quê đi về phía mũi tên hòn đạn.
Dấu tích bến phà xưa còn rõ nhất có lẽ là những người làm nghề buôn bán thùng phuy, tôn tấm dưới gầm cầu, ngay cạnh nghĩa trang. Chẳng biết bây giờ đã là thế hệ thứ mấy, chỉ biết giờ họ đã mở rộng quy mô hơn xưa nhiều. Dầu và rỉ sắt vẫn ngấm vào nền đất bãi, lan xuống lòng sông, khiến những bè rau muống bị bỏ hoang mọc lan thành dại. Ai mà ăn được thứ rau lớn lên trong nguồn nước ô nhiễm ấy. Mớ rau muống bè hái sau mưa non mấng với những ngọn vòi voi hay cả mớ vòi voi luộc vừa bở vừa ngọt đậm đà năm nào chỉ còn trong câu chuyện hoài niệm về những ngày xưa.
Biết làm sao, dòng sông đã cạn, những người sống bằng nghề chài lưới, nghề thả rau bè đã lên bờ. Câu chuyện khơi dòng xem chừng xa lắc, ngậm ngùi những được mất.
Ngày ấy phố Mai Lĩnh đã nổi tiếng sầm uất vì là trạm dừng chân của cánh lái xe tải đường dài Tây Bắc về. Sau những ngày vất vả đường rừng, qua phà Mai Lĩnh nhất định người và xe phải dừng nghỉ ngơi. Xe thì rửa, thay dầu mỡ, bơm xăng, đổ nước. Thời bao cấp khốn khó, đôi người xế liều còn‘’ đổ hàng lậu’’... Thế nên, dù xe trên đồng rừng về mà luôn được người phố chào đón, bởi những nông lâm sản, hàng hóa trên xe hay chút nhiên liệu mà cánh lái thu xếp được sau chặng đường dài. Cùng với đó là việc họ, cánh ôm vô lăng, cũng ''dũng mãnh'' bước vào quán hàng gọi món không hề tính toán. Cánh lái xe đường dài to khỏe và phong tình hút người bám mặt đường nhựa bằng sự phóng khoáng và cả sự dày dạn tình trường. Thời ấy, không ít đàn bà con gái người phố, người làng đã ''mất hút con mẹ hàng lươn'' trên ca-bin của những ''giặc lái'' này. Người ta ngấm ngầm thấy bình thường, nhưng cánh giai làng nhiều khi phải nói là bực vì bị nẫng tay trên mất người họ đã thầm thương, trộm nhớ. Họ tiếc cho những gái xinh người làng tham đũa bỏ mâm, bỏ làng mình mà đi làm lẽ.
Cũng lại phải nói thêm cho hết nhẽ, thì gái làng bên sông truyền đời ưa động, chứ không hẳn tĩnh, sẵn máu phiêu lưu, họ mơ về phố thị, mơ đi ngược mong học được sàng khôn cũng là lẽ đương nhiên. Lên ca-bin dẫu phải cơm hàng cháo chợ, thân gái dặm trường nhưng nông, lâm sản về đến phố Mai Linh này là có cánh buôn cất bằng tiền tươi thóc thật, chưa kể xe nhỏ đem ra chợ tỉnh hay chợ Đồng Xuân được giá hơn, lãi ra tấm ra món hẳn hoi. So với bám vào mía và ngô bên cánh bãi thì đầu tắt mặt tối quanh năm vẫn khó nhìn thấy mặt đồng tiền. Cho dù bãi làng cho ngô, cho mía lại phủ màu quanh năm, cùng với nghề thu mua đồng nát, lông gà lông vịt. Quả là những chuyến xe ‘’đi ngược’’ đã thực sự hấp dẫn, tạo nên sự khác biệt cho người làng xã này, cho người phố Mai Lĩnh này.
Bãi hôm nay không còn mía, nhưng người làng và người thiên hạ còn nhớ nghề mật mía của làng xưa, nhớ sự đảm đang của gái những làng bên sông. Ngày ấy, vào mùa thu hoạch mía đàn bà con gái cứ 1 thân 1 xe bò kéo, quất mông con bò chở xe mía chất ngất về làng. Những con ngõ nhỏ xe bò kéo cày nát đường, đá tảng bao năm đã mòn vẹt mà trong làng mấy người giàu đâu. Cả mấy tháng trời đằng đẵng từ lúc trồng mía cho đến khi bóc lá mía, chặt về nhà, rồi lại bò ấy, người ấy kéo mía, nấu mật. Mật đem nộp thuế dưới cửa hàng mua bán huyện, mật bán ở chợ tỉnh, mật đem đi ngược. Mùa làm mật cả làng thơm váng mùi mật mía, chè hai. Thế nhưng, người làng cũng chỉ để ra được mật đủ ăn đến mùa sau hay bán chút đỉnh khi giáp hạt lấy tiền đong gạo. Làng ít ruộng cấy lúa, nên phải tính toán, sểnh ra là đói chứ không đùa.
Về nghề đồng nát, thu mua lông gà lông vịt, trẻ con vẫn thường gọi những bà, những chị mỗi khi muốn bán lông vịt là ''Lông gà, lông vịt ơi''! Chả ai nhớ tên người, nghe thấy là người bán nhanh nhẹn bán lấy tiền, người mua mua cố để còn được món hàng. Con đê Đáy đã làm mòn gót chân bao thế hệ đàn bà con gái người làng theo nghề. Một nghề truyền thống của làng. Có thể vì xã Đồng Mai ít ruộng, chỉ có bãi nên người làng phải bươn bải là phải. Xưa những đám cưới mẹ chồng giàu thì có chỉ vàng cho con dâu làm dấn vốn, nếu khó hơn thì lo được đôi chiếu hoa, cái màn tuyn, cái vỏ chăn hoa chéo thì đã vất vả lắm rồi nên chỉ có đôi quang ghánh và dăm đôi dép nhựa cho con dâu làm vốn theo nghề.
Và rồi, sau những ngày e thẹn, cô dâu gấp gọn cái quần sa tanh, cái áo trắng mặc hôm cưới đi và lại xắn móng lợn đi khắp những hang cùng ngõ hẻm, mấy xã lân cận để tiếp bước mẹ chồng theo nghề đồng nát, lông gà lông vịt. Có cô khéo tay thì nấu kẹo kéo đem đi đổi. Bọn trẻ con cứ nghe thấy '' tóc rối đổi kẹo đê'' là chạy thục mạng đi kiếm túi bóng, ni - long, bao tải dứa, nhôm, đồng... để đổi lấy thứ kẹo ngon đến mê hoặc này. Có đứa thèm còn '' ăn cắp'' cả bát cho chó, cho gà ăn để đem đổi kẹo. Bố mẹ nó phát hiện ra không chỉ mắng nó mà mắng sang cả người đổi kẹo với nỗi oan là dụ nó. Nắng mưa rám má cô dâu hôm nào, mấy người bảo dòng sông còn khác, lẽ nào người không già, người già để cho con cháu lớn khôn chứ.
Sông có cạn, thì bãi sông rau vẫn lên như ‘’nghể’’. Bãi mía và nghề mật mía xưa không còn, bãi chỉ còn những vạt trồng ngô. Ngô gặp đất là lên, nhưng đến khi ngô xòe lá thì cũng đã kịp cho 1 lứa rau diếp nếp thu hoạch. Không biết thì thôi, chứ ai đã 1 lần được ăn rau diếp nếp trồng ở bãi ngô thì sẽ nhớ mãi vị thơm như nếp, ngọt như ngô của thứ rau dân dã này.
Xưa mía ngọt cho làng thơm suốt mùa thu hoạch thì nay đôi người trong làng vẫn nấu chè hai (mật mía loãng) chẳng có loại đường tinh chế nào thay thế được chè hai khi ăn bánh tro, chẳng có vị đường nào ngon hơn chè hai bỏ vào kho cá, thịt.
Nghề còn, bởi người chứ dòng sông cạn, cây lâu năm đã xanh ngắt lâu rồi, nhà kiên cố bên bãi cũng đã được xây và chỉ còn những đám ruộng màu như thể gánh dấu xưa, gánh quá khứ cho làng bên sông. Nước cạn dòng, đến mức chẳng còn con thuyền đợi, những bè rau muống hoang đã lâu lẫn vào cỏ dại. Sấm chớp trên sông cũng ‘’ hiền’’ hơn thì phải. Người hay nghĩ nhớ cái xào xạc của mía, của ngô. Nhớ cái thân ngô rước ăn cũng ngọt, nhớ con châu chấu trong mía to hơn châu chấu ruộng lúa nhiều. Nhớ những bè rau muống trên dòng Đáy sau mưa cho những mớ rau to chắc tay thứ rau đỏ vừa bở vừa ngọt ai cũng thích. Sau những trận mưa đôi ba ngày những mớ rau'' vòi voi'' được hái, ai mua được đem luộc thì đúng là trứ danh.
Giờ đây, hàng ngày cầu Mai Lĩnh đông nghèn bất kể giờ nào. Hàng hóa ùn ùn từ ngược về phố, từ mọi làng xã bên kia cầu cũng đổ dồn về phố. Nông, lâm sản của rừng núi, bãi sông, đồng đất có gì là người ta chất lên xe mang về phố cả. Nếu không có nguồn thực phẩm này hẳn là chợ phố sẽ mất đi sự phong phú, sinh động của nó. Hết bao cấp đã hơn 30 năm, chặng đường đủ để cho mấy thế hệ từ nông dân trở thành dân chạy chợ chuyên nghiệp. Từ xe đạp, sọt thồ năm nào kĩu kịt đã được thay bằng xe máy, ô tô. Nhiều người đã trở thành ông bà chủ gom hàng, lấy điểm tập kết là phố Mai Lĩnh.
Sau trận bão lũ hồi tháng 9 nhiều người nhìn lưu lượng người và xe qua cầu mà ái ngại phải đi đường vòng. Nhưng phần lớn người vội chở hàng cho kịp buổi chợ đều ào qua cầu bằng sự vội vã và lo lắng. Vẫn là câu chuyện mưu sinh, ruộng ít, ruộng nhiều đều không gánh nổi chi tiêu nên cứ phải chạy chợ mới nhìn thấy mặt đồng tiền.
Trong gió lạnh mùa đông xứ Bắc, trời mới tảng sáng hay nhá nhem tối loang loáng ánh đèn pha của xe ô tô vẫn chỉ thấy xe lấm bùi bụi chủ nhân áo xống kín mít tất tả đi về. Vắt qua dòng chảy làng bên này hay bên kia đã hết nhà tranh, đã có nhiều nhà tầng, có cả biệt thự nhưng phải hòa vào dòng người trên đường này, theo họ về làng mới thấy hết những nhọc nhằn của người bên sông, của người làng ven đô.
Đê Đáy trông ra sông, trông về làng phía nào cũng đẹp, gió phóng khoáng, gió đa tình mang theo những hương, người bên sông nói chung, người ở bến phà xưa, ở chân cầu Mai Lĩnh này nói riêng vẫn chỉ một niềm ước mong an lành, no ấm. Tôi, một người con của nơi chốn này cũng vậy.
NGUYỄN THỊ MINH HOA