Năm nay, nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, ít sâu bệnh gây hại nên các vườn cây trầu tại thôn Văn Sơn phát triển xanh tốt, cho lá nhiều và đều, đẹp mắt. Mặc dù cây trầu cho thu hoạch quanh năm, song dịp Tết Nguyên đán vẫn là thời điểm được người dân ở thôn Văn Sơn háo hức, mong chờ nhất.
Ông Phạm Công Nhứ tiến hành thu hoạch lá trầu
Gia đình ông Phạm Công Nhứ là một trong số những hộ trồng nhiều gốc cây trầu cho thu nhập ổn định ở thôn Văn Sơn, xã Đỉnh Bàn
Cây trầu rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở thôn Văn Sơn nên sinh trưởng tốt, lớn lên cây bám vào các giàn leo, chủ yếu giàn được làm bằng chất liệu tre nứa. Cây trầu lớn, trưởng thành tốt có thể cho thu hoạch bán lá ổn định quanh năm.
Lá cây trầu ở thôn Văn Sơn có bản to, dày, chất lượng, mùi thơm và vị cay nồng rất đặc trưng, khác biệt với lá trầu được trồng ở những vùng lân cận, từng được ví là trầu "tiến vua” nên nhiều người ưa chuộng và tìm đến tận vườn thu mua. Ngày thường, người dân hái lá trầu rồi bó thành từng xấp đem bán ra thị trường. Dịp tết đến xuân về, nhu cầu tiêu thụ lớn, giá trầu có thể tăng lên gấp 3, gấp 4 lần so với ngày thường nên mỗi hộ dân thu nhập lên đến tiền triệu.
Nhiều hộ dân ở thôn Văn Sơn có thu nhập ổn định nhờ trồng cây trầu
Gia đình ông Phạm Công Nhứ là một trong số những hộ trồng nhiều cây trầu ở thôn Văn Sơn. Hiện nay, gia đình ông trồng hơn 250 gốc trầu, có những gốc tuổi đời hàng chục năm. Ngày thường, gia đình ông hái lá trầu đem bán thu về mấy trăm ngàn đồng. Mỗi dịp ngày rằm, lễ và nhất là ngày cận Tết Nguyên đán, thị trường tiêu thụ lớn nên gia đình ông thu về tiền triệu.
Người dân hái lá trầu rồi sắp xếp thành từng bó để đưa đi bán
Những lá trầu to, đều đẹp
Thao tác hái lá trầu cũng đòi hỏi tỉ mỉ. Lá trầu sau khi hái xong sẽ được bó gọn gàng thành từng xấp
So với những loại cây trồng khác thì cây trầu chi phí đầu tư thấp, không mất nhiều thời gian, công sức chăm sóc... Đây cũng là loại cây mang lại cho người dân địa phương nguồn thu nhập ổn định, giải quyết được công ăn việc làm cho lao động nông thôn, hơn nữa đã trở thành nghề truyền thống nên được người dân tiếp tục phát triển, nhân rộng.
Theo người dân ở thôn Văn Sơn, để cây trầu luôn phát triển tốt, chất lượng thì ngoài tuân thủ các quy trình chăm sóc kỹ thuật, việc chăm sóc cây trầu cũng cần chú ý như không để người lạ hoặc vật nuôi vào vườn. Thường xuyên tỉa bỏ lá nhỏ, lá hỏng, mỗi cành giữ khoảng 3-5 lá...
Người dân làm giàn tre cho cây trầu phát triển đạt chất lượng tốt hơn
Cây trầu thích hợp bón phân chuồng, phân vi sinh, không sử dụng phân hóa học hay phun thuốc. Khi thời tiết nắng nóng hoặc gió nhiều thì làm giàn che bóng mát, che chắn gió... Khi hái, người dân dùng móng tay bấm vào cuống lá, giữ lại cuống dài khoảng 2-3cm…
Nhờ bí quyết trồng cây trầu được lưu truyền qua nhiều thế hệ, hiện nay, ngoài dòng họ Phạm Công, nhiều hộ dân ở thôn Văn Sơn cũng đã chuyên canh giống trầu này và coi đây là một nghề mang lại nguồn thu nhập kinh tế khấm khá, ổn định, đặc biệt là vào mỗi dịp lễ, tết.
Để khuyến khích phát triển nghề trồng cây trầu truyền thống, hỗ trợ người dân về khoa học kỹ thuật trồng và tiêu thụ sản phẩm, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đỉnh Bàn đã thành lập tổ hợp tác trầu “tiến vua” ở thôn Văn Sơn. Ban đầu, khi mới thành lập có 30 hộ dân tham gia, đến nay tổ hợp tác đã có 70 thành viên và đã từng bước phát huy được hiệu quả. Các hộ thường xuyên sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm chăm sóc, giới thiệu đầu mối tiêu thụ ổn định.
Ông Phạm Công Tùng, Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn, cho biết, hiện nay, trên địa bàn xã Đỉnh Bàn có khoảng 100 hộ dân trồng cây trầu tại vườn với tổng diện tích khoảng hơn 2,5ha, tập trung ở thôn Văn Sơn và một số ít ở thôn Thanh Long. Năm 2016, nghề trồng trầu "tiến vua" của dòng họ Phạm Công ở thôn Văn Sơn đã được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu "Bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam". Đây cũng là cơ sở để địa phương khuyến khích người dân duy trì và từng bước phát triển cây trầu lên quy mô lớn hơn để vừa tăng thu nhập, vừa bảo tồn, phát huy giá trị nghề truyền thống cho các thế hệ.
>> Một số hình ảnh vườn trầu ở thôn Văn Sơn, xã Đỉnh Bàn:
DƯƠNG QUANG - Trình bày: HỮU VI