Đó là nhận định của ông Trịnh Ngọc Chung, Cục trưởng Cục văn hóa các dân tộc Việt Nam trong buổi trò chuyện với Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam.
Ông Trịnh Ngọc Chung, Cục trưởng Cục văn hóa các dân tộc Việt Nam.
“Cục văn hóa các dân tộc Việt Nam ra đời trên cơ sở hợp nhất Ban quản lý Làng văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam và Vụ văn hóa dân tộc, sẽ tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về cơ chế chính sách, tháo gỡ điểm nghẽn cho Làng văn hóa”.
PV: Thưa Cục trưởng Trịnh Ngọc Chung, Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam thành lập từ tháng 3/2025, Cục trưởng có thể cho biết về chức năng, nhiệm vụ của Cục, đặc biệt là của Làng văn hóa - đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Cục - trong điều kiện mới, khi không còn Ban quản lý Làng văn hóa?.
Cục trưởng Trịnh Ngọc Chung: Cục Văn hóa các dân Việt Nam thành lập từ tháng 3/2025, trên cơ sở hợp nhất Ban quản lý Làng văn hóa và Vụ văn hóa dân tộc, thuộc Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch (VHTTDL). Cục kế thừa chức năng, nhiệm vụ của cả hai đơn vị trên về quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa các dân tộc thiểu số trên phạm vi toàn quốc. Đây là cơ sở để chúng tôi nghiên cứu và đề xuất những cơ chế, chính sách cho cái việc bảo tồn, phát huy, những giá trị văn hóa các dân tộc ở các địa phương. Chính từ những cơ chế, chính sách này sẽ giúp cho việc huy động nguồn lực, tổ chức các hoạt động bảo tồn văn hóa tại Làng văn hóa được tốt hơn, và chắc chắn hiệu quả hơn, lan tỏa mạnh mẽ hơn giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số đến với cộng đồng, cũng như đến với du khách. Đây cũng là chức năng, nhiệm vụ chính của Làng văn hóa, một mô hình được xây dựng với mục tiêu bảo tồn, gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam.
PV: Sau 10 năm kể từ khi chính thức đi vào hoạt động, vấn đề khó khăn, vướng mắc lớn nhất của Làng văn hóa hiện nay là gì, thưa ông?.
Cục trưởng Trịnh Ngọc Chung: Có thể nói là trong thời gian vừa qua, Bộ VHTTDL đã có rất nhiều quan tâm, chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của Làng văn hóa, đặc biệt là tháo gỡ vướng mắc về cơ cấu tổ chức bộ máy. Trên cơ sở hiện nay, Cục có cả chức năng quản lý nhà nước về văn hóa dân tộc và đơn vị sự nghiệp công lập là Làng văn hóa, để thực hiện các nhiệm vụ bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều vướng mắc trong các quy định pháp luật, vướng mắc về cơ chế đang khiến hoạt động của Làng văn hóa gặp khó khăn. Có nhiều nút thắt, điểm nghẽn cơ chế cần được tháo gỡ để công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Làng văn hóa có được hiệu quả như mong đợi.
Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là đơn vị sự nghiệp công lập, thuộc Cục văn hóa các dân tộc Việt Nam, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
Tôi lấy ví dụ: Ban quản lý Làng văn hóa trước đây cho phép Trưởng Ban quản lý được phê duyệt quy hoạch, được cấp chứng nhận đầu tư, được giao đất, cho thuê đất. Thế nhưng nhiều luật sau này lại không cập nhật những nội dung liên quan đến Ban quản lý Làng văn hóa, nhất là Luật đầu tư. Chính vì vậy, khi triển khai xúc tiến đầu tư thì vướng giữa thẩm quyền của Ban quản lý Làng văn hóa trước đây với các luật hiện hành. Hay khi chúng tôi rà soát các quy định của Luật đầu tư bằng phương pháp đối tác công tư PPP năm 2020, thì trong các danh mục lĩnh vực đầu tư lại không có văn hóa. Bởi vậy thiếu đi một phương thức thu hút đầu tư.
Nhiều quy định đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, nhất là văn hóa dân tộc không có cơ chế chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư. Trong khi đầu tư vào các dự án của Làng văn hóa cần lượng vốn rất lớn, thời gian thu hồi vốn lại dài, nếu không có những cơ chế, chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư thì chắc chắn sẽ là hạn chế lớn đối với việc thu hút đầu tư.
Chúng tôi cho rằng, Cục văn hóa các dân tộc Việt Nam ra đời trên cơ sở hợp nhất ban quản lý Làng văn hóa và Vụ văn hóa dân tộc sẽ tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về cơ chế chính sách cho Làng văn hóa. Cùng với sự quan tâm và tạo điều kiện tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn về cơ chế chính sách của Chính phủ, của Bộ VHTTDL sẽ tạo ra động lực mới, tinh thần mới trong thời gian sắp tới, sẽ phát huy tốt hơn những hoạt động của Làng văn hóa, từ đó phục vụ công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Việt Nam được tốt hơn.
Làng văn hóa có chức năng, nhiệm vụ bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Việt Nam.
PV: Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam sẽ có những mô hình, chính sách, cơ chế, cách làm cụ thể nào tới đây để tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn và thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia vào công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị tại Làng văn hóa, thưa Cục trưởng?.
Cục trưởng Trịnh Ngọc Chung: Chúng tôi cho rằng việc hợp nhất, sắp xếp lại tổ chức bộ máy hiện nay rất là hợp lý và sẽ tạo hiệu quả mạnh mẽ. Làng văn hóa là một đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước đầu tư. Gần đây nhất, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, chúng tôi đang xây dựng báo cáo tổng thể công tác đầu tư, vận hành khai thác, thu hút đầu tư của Làng văn hóa để báo cáo Thủ tướng. Trong báo cáo, chúng tôi cũng nêu rõ những hạn chế, tồn tại, khó khăn, vướng mắc từ cơ chế, từ những quy định của pháp luật, những khó khăn chủ quan và khách quan, để đưa ra kiến nghị với Bộ Tài chính, Chính phủ cho phép trong thời gian tới, Bộ VHTTDL chỉ đạo Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam thực hiện thu hút đầu tư trong các khu được quy định, để đảm bảo có hiệu quả hơn.
Làng văn hóa là không gian để bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa 54 dân tộc Việt Nam.
Đối với khu vực Nhà nước đầu tư, chúng tôi xác định đây là những hạng mục, không gian văn hóa để bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa các dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, những cơ sở vật chất mà nhà nước đầu tư, chúng ta có thể tạo cơ chế hợp tác, cho phép các doanh nghiệp được đầu tư cung cấp dịch vụ theo các hình thức khác nhau, theo quy định của pháp luật. Chúng ta phải tạo thuận lợi để các nhà đầu tư trong lĩnh vực văn hóa có cơ sở pháp lý vững chắc và niềm tin, dành cho họ những ưu đãi đầu tư một cách bền vững hơn để họ đầu tư, cung cấp cho chúng ta những dịch vụ mà nhà nước không cần phải thực hiện. Tư nhân có thể làm tốt thì chúng ta hợp tác với tư nhân.
Chúng tôi cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép xây dựng những cơ chế chế đặc thù để thu hút đầu tư vào lĩnh vực văn hóa dân tộc, để các nhà đầu tư có cơ chế được ưu đãi, ví dụ như về thuế, về sử dụng đất hoặc thời gian sử dụng đất, ưu đãi về quy trình đầu tư trong lĩnh vực văn hóa dân tộc...
Cần có cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực văn hóa nói chung và văn hóa các dân tộc nói riêng.
Tôi xin nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là chúng ta phải làm sao đó, để ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, quy trình thực hiện hợp tác đầu tư. Chúng ta phải có những cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực về hoạt động văn hóa nói chung, văn hóa các dân tộc nói riêng.
Cùng với đó, chúng tôi cũng được Bộ VHTTDL quan tâm chỉ đạo, phối hợp với các địa phương, xây dựng quy chế phối hợp, tạo sự gắn kết giữa Bộ VHTTDL, Cục văn hóa các dân tộc Việt Nam với các địa phương trong việc huy động nguồn lực và tổ chức các hoạt động giới thiệu văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Làng văn hóa.
PV: Xin cám ơn Cục trưởng Trịnh Ngọc Chung!
Thư Vũ/VOV.VN