Trên diện tích gần 1.500 ha, làng được quy hoạch thành nhiều khu chức năng, đan xen hài hòa với thiên nhiên như rừng cây, hồ nước, đồi núi. Hàng chục công trình kiến trúc dân gian được phục dựng công phu như: nhà Rông của dân tộc Ba Na, nhà dài Ê Đê, nhà sàn Thái, nhà trình tường Mông... Từng nếp nhà, mái ngói, từng tiếng khèn, lời hát, làn điệu dân ca nơi đây đã góp phần vẽ nên bức tranh sinh động về một Việt Nam đa dạng mà thống nhất.
Học viên trường Sĩ quan Lục quân 1 giao lưu tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh Tư liệu
Làng là nơi tái hiện nhiều lễ hội truyền thống, trình diễn nghệ thuật dân gian, duy trì nghề thủ công truyền thống. Du khách không chỉ đến để “xem”, mà còn có thể “sống” trong không gian văn hóa bản địa, trải nghiệm đời sống thường nhật của đồng bào các dân tộc - một hành trình khám phá đầy nhân văn và cảm xúc.
Trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, “văn hóa” không chỉ là những gì cổ truyền, mà là một dòng chảy sống động, không ngừng vận động và lan tỏa. Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam không chỉ bảo tồn những giá trị truyền thống mà còn góp phần khẳng định bản sắc dân tộc trong bối cảnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và toàn cầu hóa.
Việc số hóa dữ liệu về lễ hội, ngôn ngữ, văn hóa vật thể và phi vật thể, ứng dụng công nghệ vào trưng bày, trình chiếu, tổ chức sự kiện... đã giúp làng ngày càng “trẻ hóa”, gần gũi hơn với thế hệ trẻ - những người đang tìm về cội nguồn giữa hành trình hội nhập toàn cầu. Từ các sự kiện như “Ngày hội văn hóa dân tộc”, “Tuần lễ đại đoàn kết toàn dân tộc”, đến những chương trình giao lưu, trại hè thanh thiếu niên..., Làng Văn hóa đang dần trở thành nhịp cầu gắn kết giữa các thế hệ, giữa truyền thống và hiện đại, giữa dân tộc Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Không chỉ là điểm đến văn hóa, Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam còn in đậm dấu ấn tình quân dân keo sơn, gắn bó - một nét đẹp truyền thống và giá trị tinh thần xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
Trong hành trình xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Quân đội nhân dân Việt Nam với vai trò là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất luôn là lực lượng tiên phong trong việc giữ gìn, lan tỏa các giá trị văn hóa. Những hoạt động phối hợp giữa quân đội và làng như trưng bày di sản, giao lưu văn nghệ, tổ chức trại hè quân nhân trẻ… đã tạo nên những nhịp cầu bền vững kết nối quân đội với đồng bào các dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, Trường Sĩ quan Lục quân 1 - ngôi trường đầu ngành của Quân đội nhân dân Việt Nam - thường xuyên tổ chức cho cán bộ, học viên, chiến sĩ đến thăm quan, giao lưu và phối hợp hoạt động tại Làng Văn hóa. Đây không chỉ là những chuyến đi thực tế đơn thuần, mà còn là dịp để các học viên, sĩ quan tương lai được học hỏi, cảm nhận sâu sắc hơn về văn hóa dân tộc, từ đó thêm yêu Tổ quốc, yêu nhân dân và trân quý hơn sứ mệnh người lính.
Là trung tâm đào tạo sĩ quan lục quân bậc đại học đầu tiên của nước ta, Trường Sĩ quan Lục quân 1 không chỉ chú trọng huấn luyện quân sự mà còn đề cao giáo dục chính trị, đạo đức và văn hóa. Việc đưa học viên đến Làng Văn hóa để tiếp cận trực tiếp với di sản văn hóa các dân tộc không chỉ góp phần mở rộng kiến thức, mà còn giúp hình thành nhân cách sĩ quan “vừa hồng, vừa chuyên” – sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Tại đây, học viên có cơ hội giao lưu với đồng bào, lắng nghe những câu chuyện về bản làng, về cuộc sống nơi biên cương Tổ quốc; học cách dựng nhà Rông, chơi đàn tính, hát then, thêu hoa văn dân tộc... Những trải nghiệm ấy không chỉ làm dày thêm hành trang tri thức mà còn bồi đắp lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết và bản lĩnh văn hóa cho người lính trẻ.
Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự gia tăng các hoạt động "diễn biến hòa bình" trên không gian mạng, việc hiểu biết sâu sắc về văn hóa và bản sắc dân tộc chính là một trong những “lá chắn mềm” quan trọng để phản bác các luận điệu sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng từ gốc rễ văn hóa.
Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện – giàu lòng yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo – được xác định là trọng tâm trong sự nghiệp phát triển đất nước. Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam chính là môi trường giáo dục sinh động, đầy chất “học liệu sống” để nuôi dưỡng và lan tỏa những giá trị đó.
Với các học viên Trường Sĩ quan Lục quân 1 - những cán bộ, chỉ huy tương lai của quân đội – được tiếp xúc, hòa mình vào văn hóa các dân tộc không chỉ là một phần của hành trình rèn luyện mà còn là cách hình thành bản lĩnh, phẩm chất người sĩ quan “trí - đức - thể - mỹ”. Đó cũng là hành động thiết thực để vun đắp tình yêu đất nước, yêu con người, trân trọng sự đa dạng và thống nhất trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Không chỉ tiếp nhận tri thức, chính các cán bộ, học viên, giảng viên của Nhà trường khi đến với Làng Văn hóa còn trở thành những “sứ giả văn hóa”, góp phần lan tỏa hình ảnh người chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ - thân thiện, nghĩa tình, sẵn sàng cống hiến vì nhân dân phục vụ.
Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế là điểm đến không thể thiếu trên hành trình xây dựng con người mới, đất nước mới trong thời đại vươn mình. Với sự đồng hành tích cực, trách nhiệm của lực lượng quân đội nói chung và Trường Sĩ quan Lục quân 1 nói riêng, nơi đây thực sự trở thành một “trường học không bảng đen” - nơi giáo dục lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết và sự hiểu biết về cội nguồn dân tộc qua những trải nghiệm sống động, chân thực.
Giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc chính là gìn giữ linh hồn Tổ quốc. Khi người cán bộ quân đội mang trong tim hình ảnh bản làng, đồng bào và truyền thống dân tộc, đó chính là nền tảng vững chắc cho một đất nước phát triển bền vững, giàu bản sắc và đầy chiều sâu.
Thượng úy, QNCN Nguyễn Văn Đại