Làng Gò Cỏ là điểm dừng chân hấp dẫn trong Di tích quốc gia đặc biệt văn hóa Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), phù hợp với những du khách muốn khám phá cuộc sống thôn quê ven biển mộc mạc nhưng ấm áp tình làng, nghĩa xóm.
Ngôi làng được mệnh danh là làng "nhiều không" như không có hàng quán sầm uất, nhiều nhà dân không sử dụng điều hòa, không tivi...
"Gia đình tôi có 3 ngày sống trong một căn nhà tranh vách đất đúng nghĩa, không điều hòa, không tivi, ngủ giường trúc, chiếu cói. Chúng tôi sinh hoạt cùng gia chủ như người trong nhà, giúp cô chú gỡ lưới, đi chợ, nấu cơm, quét nhà.
Sáng sớm, chiều muộn, cùng ra biển đón chú chủ nhà đánh lưới trở về", anh Nguyễn Hồng Nhật, du khách từ Hà Nội chia sẻ.
Gia đình anh Nhật vừa tới làng Gò Cỏ vào giữa tháng 6 vừa qua, sau 2 năm ấp ủ kế hoạch. Qua truyền thông, báo chí, họ rất ấn tượng với mô hình làng du lịch cộng đồng ven biển này.
"Khi vừa tới, con trai, con gái tôi có phần bỡ ngỡ với điều kiện của ngôi nhà tranh vách đất đơn sơ, khác xa thành phố. Nhưng chỉ sau một buổi làm quen, các con đã tỏ ra thích thú với không khí trong lành, mộc mạc nơi đây", anh Nhật kể.
Những ngôi nhà tranh vách đất do bà con trong làng tự tay xây dựng. Ảnh: Nguyễn Hồng Nhật
Ngôi làng nằm ở vị trí giao thoa giữa núi và biển, người dân từng sống khá biệt lập với bên ngoài. Vài năm trở lại đây, Gò Cỏ trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam nhờ mô hình du lịch cộng đồng giữ gìn môi trường biển.
Tháng 12/2020, làng Gò Cỏ được UBND tỉnh Quảng Ngãi công nhận là điểm du lịch cộng đồng đầu tiên của tỉnh đạt hạng OCOP 3 sao. Ngôi làng cổ giữ nguyên được những nếp nhà tranh mộc mạc, bình dị, nép mình dưới bóng cây.
Các chuyên gia khảo cổ học và sử học khẳng định, ngôi làng đã chứng kiến sự tiếp biến của 3 nền văn hóa: Sa Huỳnh (khoảng 2.000-3.000 năm trước), sau đó là người Chăm Pa (từ thế kỷ VII – thế kỷ XV) và tiếp đến là người Đại Việt cho tới nay.
Những ngôi nhà lâu năm trong làng, đưa du khách "trở về quá khứ". Ảnh: Nguyễn Hồng Nhật
Hiện diện khắp làng là những phiến đá cổ lớn, nhỏ xếp tầng, con đường đá, giếng đá hay cầu đá do người xưa sắp đặt.
Trước đây, người dân chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt trên biển, làm vườn, thủ công đan lát. Hiện, họ chung tay làm du lịch, mở homestay, trở thành "hướng dẫn viên du lịch bình dân" kể chuyện làng, "truyền nghề" thủ công cho du khách...
Vợ chồng anh Nhật theo chủ homestay đi đánh cá, gỡ lưới. Ảnh: Nguyễn Hồng Nhật
Những căn homestay trong làng được hình thành dựa trên các tiêu chí do dân làng thống nhất. Theo đó, chủ hộ phải là người bản xứ, có ít nhất 3 đời sống tại làng mới được tham gia kinh doanh dịch vụ lưu trú.
Du khách tới đây được đối đãi như thành viên trong gia đình, cùng ăn, ở, trải nghiệm các hoạt động với bà con. Tên của mỗi căn homestay dựa theo đặc trưng mà cả làng tự hào như giếng cổ, bài chòi, gành, nhím biển, dứa rừng...
Người chủ homestay nơi anh Nhật ở vẫn đi đánh cá hằng ngày. Ảnh: Nguyễn Hồng Nhật
Nhiều mái nhà lợp bằng tranh, vách nhà bằng tre và được trét ngoài bằng đất sét trộn rơm rạ và nước… Nội thất bên trong đa phần được chế tác từ tre.
"Gò Cỏ không dành cho ai tìm kiếm sự tiện nghi, hiện đại. Nhưng nếu bạn muốn một điều gì đó gần gũi, mộc mạc, một làng chài đúng nghĩa thì đây có thể là nơi bạn nên thử", anh Nhật chia sẻ.
Bãi biển đẹp bình yên nằm cuối đường làng. Ảnh: Nguyễn Hồng Nhật
Sát làng là bờ biển rất đẹp. Để chiêm ngưỡng vẻ đẹp gành đá trên biển, du khách có thể trải nghiệm chèo thuyền nan vào lúc bình minh hay hoàng hôn.
Tại làng, du khách có thể thưởng thức những món đặc trưng như lưỡi long (một loại xương rồng) nấu canh cá, tôm, làm gỏi; các món ngon từ hải sản như chả nhum, mực lá, canh hàu, gỏi da cá...
"Trong bữa cơm, cô chú chủ nhà thường kể với chúng tôi về những người con đã đi làm ăn xa, tình hình đánh bắt trong ngày, chuyện làng chuyện xóm, rất thân tình.
Bữa cơm không có các món sơn hào hải vị nhưng ngon như bà nấu, mẹ nấu ngày xưa", anh Nhật kể.
Bữa cơm của gia đình anh Nhật tại homestay được nấu từ những nguyên liệu chủ nhà đánh bắt, thu hái trong ngày. Ảnh: Nguyễn Hồng Nhật
Bữa cơm chia tay ấm áp của gia đình anh Nhật với gia đình chủ homestay. Ảnh: Nguyễn Hồng Nhật
Gia đình du khách Hà Nội còn cho biết, chi phí du lịch tại làng Gò Cỏ rất rẻ. Họ lưu trú với giá 350.000 đồng/đêm, 70.000 đồng/bữa cơm/người. Bữa sáng, chỉ với 10.000-15.000 đồng, du khách có thể mua quà ăn no.
Hiện tại làng cũng đã có một số homestay dạng nhà cấp 4 đã lắp đặt điều hòa để phục vụ nhu cầu du khách. Ngoài thăm làng, du khách có thể kết hợp thăm cánh đồng muối Sa Huỳnh.
Linh Trang