Làng Vĩnh Gia - làng có công với nước

Làng Vĩnh Gia - làng có công với nước
17 giờ trướcBài gốc
Nhà văn hóa thôn Vĩnh Gia 2, xã Hoằng Phượng (Hoằng Hóa).
Đến khu công sở xã Hoằng Phượng, nhiều người sẽ ấn tượng ngay với Tượng tưởng niệm người dân của làng Vĩnh Gia bị thiệt hại bởi những trận bom B52 của đế quốc Mỹ năm 1972. Tượng được đặt ngay phía bên phải công sở xã như một lời nhắc nhở về những năm tháng chiến tranh gian khổ, mất mát, đau thương để đổi lại hòa bình cho ngày hôm nay. Theo người dân địa phương, khu vực công sở xã vốn là đất làng Vĩnh Gia, trước đây là “hố bom” trong những năm kháng chiến chống Mỹ.
Gặp gỡ ông Nguyễn Văn Huyên (sinh năm 1950), nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Phượng - người sinh ra, lớn lên ở làng Vĩnh Gia, kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện xưa về làng. Theo ông Huyên, xã Hoằng Phượng được thành lập từ năm 1953 trên cơ sở chia tách từ xã Hoằng Giang lớn. Xã có 2 làng là Vĩnh Gia và Phượng Mao, trong đó làng Vĩnh Gia có dân số đông, chiếm 3⁄4 dân số trong toàn xã. Đây là nơi có phong trào cách mạng từ rất sớm. Ở làng Vĩnh Gia, có đồng chí Nguyễn Như Hòe là cán bộ lão thành cách mạng; đồng chí Nguyễn Đăng Xước là cán bộ tiền khởi nghĩa; đồng chí Nguyễn Bách Y là Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân thời kháng chiến chống Mỹ.
Lần giở lại từng trang lịch sử, giai đoạn tiền khởi nghĩa, các làng của xã Hoằng Phượng với vị trí là trung tâm liên lạc của các cán bộ cách mạng hoạt động lúc bấy giờ. Vì thế, phong trào cách mạng tại các làng Vĩnh Gia, Phượng Mao thời ấy đã phát triển mạnh mẽ. Các làng đã thành lập các tổ chức Việt Minh dưới vỏ bọc là các hội bảo an, hoạt động công khai tiến hành rèn vũ khí, tập võ, phối hợp với các làng lân cận thường xuyên tiến hành các cuộc tuần hành. Để gây dựng phong trào lớn mạnh, các hội Việt Minh còn tổ chức đoàn tăng gia, khai phá các cồn đất, ruộng bỏ hoang để làm màu, gây dựng quỹ hoạt động. Trong cuộc mít tinh vào tháng 5/1945 tại chợ Chùa Gia, đội ngũ tham gia bảo vệ cuộc mít tinh là các lực lượng và tự vệ Việt Minh của làng Vĩnh Gia, Phượng Mao làm nòng cốt, hàng trăm người trong khu vực đến tham gia... Từ những cuộc đấu tranh đã tạo ra thời cơ thuận lợi để Hoằng Hóa khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 24/7/1945.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, xã Hoằng Phượng là nơi đóng quân của các đơn vị quân đội. Bên cạnh việc đóng góp công sức để đào đắp công sự, làm trận địa, nuôi dưỡng, che chở cho bộ đội, Hoằng Phượng nói chung, làng Vĩnh Gia nói riêng cũng là nơi chịu nhiều đau thương, mất mát do những trận bom của giặc. Trong 21 năm (1954-1975), quân giặc đã đánh phá vào xã Hoằng Phượng 5 lần, làm chết 128 người dân, bị thương trên 200 người. Đặc biệt, Nhân dân xã Hoằng Phượng mãi không bao giờ quên được ký ức đau thương về trận bom B52 rải trên đất làng Vĩnh Gia vào ngày 21/4/1972. Khoảng 19h, chọn lúc mọi người vừa đi làm về, đang chuẩn bị ăn cơm tối, máy bay của giặc đã rải bom xuống làng Vĩnh Gia. Làng mạc bị hủy diệt, nhà cửa, ruộng vườn bị cày xới, nhiều học sinh, phụ nữ, người già thiệt mạng, có tới 25 gia đình không còn người nào sống sót. Riêng trận bom ngày hôm đó đã làm 127 người thiệt mạng, 187 người bị thương. Đau thương, mất mát, tổn thất to lớn nhưng với tinh thần bình tĩnh, chủ động, cấp ủy đảng, chính quyền xã Hoằng Phượng đã nhanh chóng giải quyết vấn đề cấp bách, vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất và tiếp tục tham gia kháng chiến, cống hiến sức người, sức của cho tiền tuyến cho đến ngày toàn thắng.
Năm 2002, làng Vĩnh Gia được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng có công với nước - một danh hiệu cao quý dành cho các làng quê có thành tích đặc biệt trong Cách mạng Tháng Tám. Năm 2005, xã Hoằng Phượng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Hoằng Phượng cũng là địa phương được nhận nhiều phần thưởng cao quý như: 2 Huân chương Lao động; 46 Huân chương Chiến công, 18 Huân chương Quân công; hơn 500 Huân chương Kháng chiến các loại... Toàn xã có 6 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 1 cá nhân là Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; 103 liệt sĩ, 94 thương binh đã góp phần xương máu cho đất nước được “nở hoa độc lập, kết trái tự do”.
Vĩnh Gia - làng quê bình yên ven sông Mã đang vươn mình đổi mới từng ngày. Ông Nguyễn Thế Oai, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Phượng, cho biết: Trên đất làng Vĩnh Gia xưa, ngày nay được chia tách thành 3 thôn: Vĩnh Gia 1, Vĩnh Gia 2 và Vĩnh Gia 3. Nhân dân luôn đoàn kết, đồng thuận để xây dựng làng quê ngày một phát triển. Hai thôn Vĩnh Gia 1 và Vĩnh Gia 2 đã được công nhận thôn NTM kiểu mẫu; thôn Vĩnh Gia 3 đang phấn đấu hoàn thành các tiêu chí thôn NTM kiểu mẫu trong năm 2025. Làng quê đổi mới, đường sá phong quang, nhà có số, đường có tên, các nhà văn hóa thôn đều được nâng cấp, xây dựng mới khang trang, sạch đẹp, đời sống tinh thần của người dân được nâng cao, an ninh, trật tự xã hội được giữ vững ổn định. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 69,82 triệu đồng/năm. Xã Hoằng Phượng vừa tổ chức đón nhận xã NTM nâng cao năm 2024.
Những ngày này, người dân làng Vĩnh Gia nói riêng, người dân xã Hoằng Phượng nói chung đã sẵn sàng tâm thế cho việc sáp nhập xã Hoằng Phượng vào xã Hoằng Giang từ ngày 1/1/2025 theo nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, giai đoạn 2023-2025. Trăn trở từ việc thay đổi chắc hẳn sẽ còn, song sự đổi thay ấy mang theo kỳ vọng tạo nên “bước ngoặt” để địa phương phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn mới. Và dù đổi thay thế nào, thì những nét văn hóa xưa và dấu ấn lịch sử về làng có công với nước, về tinh thần đoàn kết, quật cường mãi hiện hữu trong tâm khảm của mỗi thế hệ người dân, là “điểm tựa” tự hào để vùng đất này vững bước đi lên.
Bài và ảnh: Việt Hương
*Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn "Lịch sử Đảng bộ xã Hoằng Phượng (1953-2020).
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/lang-vinh-gia-lang-co-cong-voi-nuoc-234315.htm