Lãnh án vì mua bán trái phép hóa đơn

Lãnh án vì mua bán trái phép hóa đơn
20 giờ trướcBài gốc
Bản thân viên chức Nhà nước, lẽ ra Phú phải biết gương mẫu trong công tác. Tuy nhiên, Phú lợi dụng mối quan hệ trong công việc để vi phạm pháp luật, khi chủ mưu một đường dây mua bán hóa đơn khống để hưởng lợi bất chính, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động thương mại tại địa phương.
Năm 2005, Phú được bổ nhiệm làm kế toán Trung tâm Thể dục - Thể thao huyện Châu Phú (nay là Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện Châu Phú). Trong quá trình công tác, Phú thấy các bộ phận chuyên môn của đơn vị và các cơ quan, đơn vị khác có nhu cầu sử dụng hóa đơn để thanh, quyết toán, nên nảy sinh ý định thành lập các cơ sở kinh doanh để mua bán hóa đơn khống nhằm thu lợi. Phú trực tiếp thành lập hoặc nhờ người thân đứng tên thành lập 3 hộ kinh doanh và 1 DNTN do mình trực tiếp điều hành thực hiện việc mua bán trái phép hóa đơn. Cụ thể, hộ kinh doanh Nguyễn Văn A, do Nguyễn Văn A (sinh năm 1979, anh vợ Phú) đứng tên thành lập, kinh doanh với hoạt động “Thiết kế quảng cáo, mua bán trang thiết bị nội thất, cho thuê xe ôtô vận chuyển, dụng cụ thể thao…”, tại nhà A, số 19, tổ 6, ấp Vĩnh Thành, thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú. DNTN Đồ gỗ Minh Hiếu, do Nguyễn Thị Tuyết Mốt (sinh năm 1982, vợ Phú) đứng tên thành lập, kinh doanh “Bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy khác; bán buôn đồ dùng khác cho gia đình; bán buôn vật liệu, thiết bị lắp đặt trong xây dựng…”; địa chỉ trụ sở chính ở tổ 2, ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Thạnh Trung. Hộ kinh doanh Nguyễn Văn Phú do Phú đứng tên thành lập, kinh doanh “Văn phòng phẩm, vật liệu xây dựng, các thiết bị máy vi tính…”, tại nhà Phú ở số 83, tổ 21, khóm Vĩnh Thuận; hộ kinh doanh Phan Thị Nơi (sinh năm 1956, mẹ ruột Phú) đứng tên thành lập, kinh doanh “Dụng cụ thể thao, cây kiểng, mua bán đồ gỗ, thiết bị âm thanh, quảng cáo…”, tại số nhà 13, tổ 2, khóm Vĩnh Thuận.
Các bị cáo tại phiên tòa
Theo đó, khi khách hàng có nhu cầu mua hóa đơn liên hệ với Phú để thỏa thuận ghi các nội dung hàng hóa dịch vụ cần thanh toán trên hóa đơn, rồi Phú xuất khống hóa đơn bán cho người mua với giá 10% trên tổng doanh số ghi trên hóa đơn. Trong đó, hóa đơn do hộ kinh doanh Nguyễn Văn Phú xuất bán thì Phú trực tiếp ký tên của Phú ở mục “Người bán hàng”; còn các hóa đơn của hộ kinh doanh và DNTN còn lại thì Phú ký chữ ký đã đăng ký với cơ quan chức năng khi thành lập ở mục “Người bán hàng”.
Đối với hộ kinh doanh Nguyễn Văn A, khi xuất bán hóa đơn khống thì Phú yêu cầu khách hàng thanh toán qua tài khoản của hộ kinh doanh Nguyễn Văn A, để A rút tiền giao lại cho Phú. Riêng hộ kinh doanh Phan Thị Nơi và DNTN Nguyễn Thị Tuyết Mốt thì cả 2 người không biết cụ thể việc xuất bán hóa đơn khống của Phú; khi rút tiền từ tài khoản của cơ sở kinh doanh thì không biết nội dung cụ thể giao dịch liên quan đến vấn đề gì.
Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định, với cách thức trên, từ năm 2018 - 2023, Phú đã xuất bán tổng cộng 326 hóa đơn ghi khống nội dung bán hàng hóa cho các cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh An Giang, với tổng số tiền ghi trên hóa đơn hơn 5 tỷ đồng, số tiền bán hóa đơn thu được gần 510 triệu đồng, số tiền nộp thuế (2,5%) gần 127 triệu đồng, Phú thu lợi hơn 380 triệu đồng. Kết quả điều tra, tổng cộng có 15 cá nhân đại diện cho các cơ quan, đơn vị đã mua hóa đơn của Phú thông qua các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nêu trên, có ghi nội dung, nhưng không có hàng hóa dịch vụ kèm theo.
Cụ thể, 326 hóa đơn khống Phú xuất bán cho 6 người từng là viên chức Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện Châu Phú, gồm: Trương Lương Tể (sinh năm 1969, ngụ khóm Vĩnh Phúc, thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú), tổng cộng 73 tờ hóa đơn; Nguyễn Hoàng Khanh (sinh năm 1981, ngụ ấp Bình Hưng, xã Bình Long, huyện Châu Phú), tổng cộng 47 tờ hóa đơn; Đoàn Quang Trạng (sinh năm 1983, ngụ khóm Vĩnh Hưng, thị trấn Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú), tổng cộng 16 tờ hóa đơn; Lê Hòa Bình (sinh năm 1968, ngụ khóm Vĩnh Đông, phường Núi Sam, TP. Châu Đốc), tổng cộng 29 tờ hóa đơn; Trần Phú Đức (sinh năm 1964, ngụ khóm Vĩnh Lộc, thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú), tổng cộng 19 tờ hóa đơn; Đinh Văn Phú (sinh năm 1993, ngụ ấp Mỹ Phó, xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú), tổng cộng 18 tờ hóa đơn. Ngoài ra, còn bán cho Phạm Thị Hồng Thanh (sinh năm 1981, ngụ khóm Vĩnh Phúc, thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú) tổng cộng 21 tờ hóa đơn; Võ Văn Sanh (sinh năm 1984, ngụ ấp Tây An, xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú) tổng cộng 47 tờ hóa đơn; Nguyễn Thành Hồng Phúc (sinh năm 1983, ngụ ấp Chánh Hưng, xã Bình Long, huyện Châu Phú) nguyên là kế toán UBND xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tổng cộng 14 tờ hóa đơn và một số cá nhân khác cũng liên hệ để mua hóa đơn...
Từ ngày 18/12/2023 - 4/9/2024, Phú, A, Tể, Khanh, Sanh, Thanh, Phúc, Trạng, Đức, Bình và Văn Phú bị khởi tố, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú để điều tra. Quá trình điều tra, đại diện gia đình của Phú và A nộp số tiền thu lợi bất chính 381 triệu đồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội như nội dung cáo trạng truy tố. Theo hội đồng xét xử, bị cáo Phú là người giữ vai trò chủ mưu, đã cố ý thành lập các cơ sở, doanh nghiệp do mình đứng tên, cho những người thân trong gia đình đứng tên để thực hiện hành vi mua bán trái phép hóa đơn cho các cá nhân, cơ quan, đơn vị thanh, quyết toán tiền từ ngân sách Nhà nước để thu lợi bất chính. Hành vi của bị cáo Phú gây nguy hiểm nghiêm trọng cho xã hội, xâm phạm đến hoạt động thương mại, nên cần có mức hình phạt tương xứng…
Với hành vi phạm tội trên, bị cáo Phú nhận 1 năm, 3 tháng tù tội “Mua bán trái phép hóa đơn” theo Điểm d, đ, Khoản 2, Điều 203, Bộ luật Hình sự và chịu phạt bổ sung 30 triệu đồng. Riêng các bị cáo còn lại bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng, cùng về tội “Mua bán trái phép hóa đơn”.
NGUYỄN HƯNG
Nguồn An Giang : https://baoangiang.com.vn/lanh-an-vi-mua-ban-trai-phep-hoa-don-a412952.html