Lãnh đạo ASEAN và thế giới nhắn gửi thông điệp về tương lai của ASEAN

Lãnh đạo ASEAN và thế giới nhắn gửi thông điệp về tương lai của ASEAN
4 giờ trướcBài gốc
Chiều 25/2, Diễn đàn Tương lai ASEAN (AFF) lần thứ 2 năm 2025 với chủ đề "Xây dựng ASEAN đoàn kết, bao trùm, và tự cường trong một thế giới biến động" đã khai mạc tại Hà Nội.
Các nhà lãnh đạo ASEAN và thế giới đã gửi đi thông điệp tới Diễn đàn, nhấn mạnh ASEAN cần tăng cường sự hợp tác, đoàn kết, bao trùm và kiên cường hơn bao giờ hết. Các lãnh đạo cũng đánh giá cao việc Việt Nam tổ chức AFF 2025, cho rằng đây một nền tảng quan trọng để các quốc gia thành viên cùng nhau thảo luận về các cơ hội và thách thức hiện tại cũng như trong tương lai của khu vực.
Điều khẳng định vai trò quan trọng của ASEAN là sự đoàn kết
Trở lại Việt Nam sau chuyến thăm rất thành công vào tháng 8/2024, Tổng thống Timor Leste Jose Ramos Horta nhận định sự phát triển của ASEAN là rất đáng kinh ngạc. Vượt qua đói nghèo, bất ổn chính trị và nhiều thách thức khác, ASEAN đã trở thành một nền kinh tế ổn định, năng động, đóng vai trò quan trọng trên trường quốc tế hiện nay.
Tổng thống Timor Lester Jose Ramos Hortar phát biểu tại Diễn đàn Tương lai ASEAN (AFF) lần thứ 2 năm 2025, Hà Nội. Ảnh: Đỗ Thảo - Mekong ASEAN
Nhìn lại hành trình kể từ khi ASEAN thành lập với nhiều thăng trầm, Tổng thống Timor Leste cho rằng điều khẳng định vai trò quan trọng của ASEAN là sự đoàn kết, gắn kết, các tổ chức được xây dựng để đảm bảo sức mạnh về thể chế, nền tảng chung, tầm nhìn chung, nguyên tắc chung và có khả năng dự báo, thích ứng.
ASEAN chính là chất keo gắn kết các nền văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo, thể chế chính trị đa dạng của các quốc gia thành viên và ASEAN luôn đóng vai trò quyết định trong việc duy trì ổn định, sự hợp tác hữu nghị trong khu vực.
Nhà lãnh đạo Timor Leste nhận định, trong bối cảnh đa chiều hiện nay đòi hỏi phải đối thoại và hợp tác ngoại giao tích cực, ASEAN cần duy trì sự tập trung vào ngoại giao phòng ngừa, khả năng dự báo và ngăn ngừa căng thẳng. Và các quốc gia ASEAN có thể tin rằng sẽ không bị bỏ lại phía sau trong tương lai vì họ luôn có sự hỗ trợ từ các quốc gia thành viên khác.
Lưu ý về bối cảnh toàn cầu phức tạp và nhiều thách thức mới nổi, Tổng thống Timor Leste gợi ý một số điều cần làm cho tương lai của ASEAN: Tiếp tục tham gia về các vấn đề an ninh; Tăng cường hội nhập kinh tế; Chuyển đổi số; Giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu; và Thúc đẩy tính toàn diện, công bằng.
ASEAN cần tăng cường sự hợp tác, đoàn kết, bao trùm và kiên cường
Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra gửi thông điệp video tới AFF 2025.Ảnh: Đỗ Thảo - Mekong ASEAN
Trong thông điệp video gửi tới Diễn đàn, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra nhận định, ASEAN đang hoạt động trong một thế giới ngày càng đa cực và phân mảnh, trong thời đại của những biến chuyển sâu sắc – từ các xung đột địa chính trị, tội phạm xuyên quốc gia có tổ chức phức tạp, suy thoái kinh tế, sự gián đoạn công nghệ, đến ô nhiễm và suy thoái môi trường. Cách chúng ta quản lý những thách thức này sẽ quyết định vận mệnh và tương lai của ASEAN.
Đánh giá cao việc Việt Nam tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN lần thứ hai năm 2025, bà Paetongtarn Shinawatra nhấn mạnh, chủ đề hôm nay “đến đúng lúc và sẽ là chất xúc tác hữu ích cho cuộc đối thoại về tương lai của ASEAN”. Theo bà, giữa bối cảnh đầy bất định và những biến đổi to lớn của thế giới, ASEAN càng cần tăng cường sự hợp tác, đoàn kết, bao trùm và kiên cường hơn bao giờ hết.
"Một ASEAN thống nhất sẽ giúp chúng ta điều hướng bối cảnh chính trị toàn cầu biến động nhanh chóng và ứng phó hiệu quả với các mối đe dọa, thách thức mới nổi. ASEAN cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa nhằm đối phó với các mối đe dọa an ninh để đảm bảo an toàn và phúc lợi của người dân, đồng thời cần khẳng định lập trường chung đối với các vấn đề khu vực và toàn cầu, dựa trên lợi ích và nguyên tắc chung", bà Shinawatra nói.
Theo Thủ tướng Thái Lan, ASEAN cũng cần thể hiện tinh thần đoàn kết qua việc chủ động đối thoại với các cường quốc, xây dựng lòng tin chiến lược thông qua cơ chế do chính ASEAN dẫn dắt. Một ASEAN bao trùm sẽ tạo nên một cộng đồng mạnh mẽ, nơi không ai bị bỏ lại phía sau.
Ngoài ra, ASEAN phải tiếp tục thúc đẩy cơ hội phát triển công bằng thông qua sự hợp tác đa ngành giữa chính phủ, doanh nghiệp và nhân dân, đồng thời xây dựng mối quan hệ hợp tác thiết thực với các đối tác bên ngoài vì lợi ích chung của toàn khu vực.
“Một ASEAN tự cường là vô cùng quan trọng để chúng ta ứng phó với những thách thức mới nổi, hướng tới sự tăng trưởng và phát triển bền vững, bao trùm,” Thủ tướng Thái Lan nói.
ASEAN là biểu tượng của hợp tác và cầu nối giữa các khu vực
Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Amina J.Mohammed phát biểu thông điệp qua video. Ảnh: Đỗ Thảo - Mekong ASEAN
Phát biểu thông điệp qua video tới Diễn đàn, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Amina J.Mohammed nhấn mạnh bối cảnh toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng, những căng thẳng địa chính trị leo thang, khủng hoảng khí hậu ngày càng trầm trọng và khoảng cách giàu nghèo gia tăng, qua đó, đang đặt ra những thách thức không thể phớt lờ.
“Chúng ta cần thừa nhận rằng không thể quay trở lại những con đường cũ; những giải pháp của quá khứ không còn đủ sức đáp ứng các vấn đề hiện tại”, bà Amina J.Mohammed phát biểu.
Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc nhắc lại, tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai vào tháng 9/2024 tại Liên Hợp Quốc, các nhà lãnh đạo thế giới đã cùng nhau mở ra một con đường mới. Đó là cam kết cải tổ chủ nghĩa đa phương, tái định hình các thể chế toàn cầu và thực hiện những hành động đột phá nhằm giải quyết các thách thức cấp bách nhất của thời đại.
“Nay đã đến lúc chuyển từ lời nói sang hành động: Thúc đẩy các khoản đầu tư để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo tăng trưởng không chỉ nhanh chóng mà còn toàn diện, bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau," bà Amina J.Mohammed khẳng định, đồng thời đề cập tới các cam kết chống biến đổi khí hậu.
Theo bà Amina J.Mohammed, khu vực Đông Nam Á, với tiềm năng to lớn về năng lượng sạch và đổi mới xanh, đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi này.
“Nhân dịp kỷ niệm 10 năm Cộng đồng ASEAN được thành lập, chúng ta hãy cùng nhìn nhận tổ chức này như một biểu tượng của hợp tác và cầu nối giữa các khu vực, thể hiện sức mạnh của sự đoàn kết, đồng thuận và hành động… Liên hợp quốc sẽ tiếp tục đồng hành cùng ASEAN trên con đường hướng tới hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững, biến các cam kết toàn cầu thành hiện thực," Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc khẳng định.
Tăng cường hơn nữa sợi dây liên kết giữa ASEAN và EU
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen gửi thông điệp video tới AFF 2025. Ảnh: Đỗ Thảo - Mekong ASEAN
Trong bài phát biểu từ châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho rằng, dù thuộc về hai nửa khác nhau của địa cầu, nhưng châu Âu và Đông Nam Á lại có rất nhiều điểm chung.
Cả hai đều là cái nôi sinh ra nhiều loại hình ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp và thành phố sôi động bậc nhất thế giới. Cả hai khu vực đều tin vào tầm quan trọng của sự cởi mở, thương mại công bằng và quan hệ đối tác trong việc thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng.
Bất chấp khoảng cách địa lý, bà Ursula von der Leyen khẳng định, quan hệ Liên minh châu Âu và ASEAN đang khăng khít hơn bao giờ hết. Điều này không chỉ thể hiện mối quan hệ giữa hai thể chế, mà còn cho thấy sự thiết thực trong quan hệ hợp tác hai bên, giúp đem lại lợi ích thực chất cho người dân hai khu vực.
“Hãy lấy đầu tư làm minh chứng. Thông qua sáng kiến Cửa ngõ toàn cầu, dự báo tới năm 2027, châu Âu sẽ đầu tư 10 tỷ Euro vào các nước ASEAN,” Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết.
EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của ASEAN. Khối 27 thành viên đã ký kết thỏa thuận thương mại tự do với 2 nước thành viên ASEAN và đang đàm phán với 4 thành viên khác.
Theo bà Ursula von der Leyen, sợi dây liên kết giữa hai khu vực rất bền chặt, nhưng hai bên phải thắt chặt sợi dây đó hơn nữa. Bà Ursula von der Leyen cho rằng, hợp tác sẽ đem lại lợi ích cho người dân ở cả khu vực Đông Nam Á và châu Âu. Với một thế giới đang phân mảnh, đó là minh chứng cho sức mạnh bền vững của một mối quan hệ đối tác mạnh mẽ và đáng tin cậy.
ASEAN cần trở thành một cộng đồng sẵn sàng cho tương lai
Phó Thủ tướng Lào Saleumxay Kommasith phát biểu tại Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025. Ảnh: Đỗ Thảo - Mekong ASEAN
Trong bài phát biểu của mình, Phó Thủ tướng Lào Saleumxay Kommasith đánh giá cao Việt Nam vì đã tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN lần thứ hai - một nền tảng quan trọng để các quốc gia thành viên cùng nhau thảo luận về các cơ hội và thách thức hiện tại cũng như trong tương lai của khu vực.
Đề cập đến chủ đề của Diễn đàn năm nay là “Xây dựng một ASEAN đoàn kết, bao trùm và kiên cường giữa những biến động toàn cầu”, Phó Thủ tướng Lào cho rằng chủ đề này rất phù hợp và kịp thời khi thế giới đang chứng kiến những cơ hội và thách thức đa chiều. Trước những xu hướng lớn của hiện tại và tương lai, theo ông, ASEAN phải có những phản ứng hiệu quả và đổi mới để đảm bảo một tương lai vững chắc.
ASEAN cần trở thành một cộng đồng sẵn sàng cho tương lai, trong đó tất cả các quốc gia thành viên ASEAN đều có khả năng thích ứng để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Và sự đoàn kết, bao trùm và kiên cường là những yếu tố then chốt để đảm bảo sức mạnh và năng lực của ASEAN trong bối cảnh này.
ASEAN cần hợp tác chặt chẽ hơn để cùng nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, và củng cố Cộng đồng ASEAN thông qua việc nâng cao khả năng thích ứng và thúc đẩy các giải pháp tập thể, hiệu quả, sáng tạo.
“Tôi tin tưởng rằng Diễn đàn lần này sẽ đưa ra những khuyến nghị thực tiễn và ý tưởng giá trị để hỗ trợ việc triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 một cách hiệu quả”, Phó Thủ tướng Lào Saleumxay Kommasith kỳ vọng.
ASEAN cần giữ được ‘luật hướng tâm’ và nguyên tắc đồng thuận
Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn phát biểu tại Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025. Ảnh: Đỗ Thảo - Mekong ASEAN
Đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc duy trì động lực tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN, Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn kỳ vọng Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 sẽ tìm ra lời giải cho những thách thức không nhỏ của ASEAN, từ khủng hoảng địa chính trị, công nghệ mới nổi đến biến đổi khí hậu…
“Những bài học ASEAN có thể rút ra trong quá trình đó là: Hợp tác tập thể luôn hiệu quả hơn hành động đơn lẻ và trong thách thức cũng sẽ có những cơ hội nếu như chúng ta biết nắm bắt. Đại dịch Covid-19 là một minh chứng khi đã thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn, nền kinh tế ASEAN sẽ hội nhập mạnh mẽ”, Tổng thư ký Kao Kim Hourn nhấn mạnh.
Trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn ngày càng gia tăng, Tổng thư ký ASEAN cho rằng ASEAN phải giữ vững những cam kết hợp tác, vai trò trung tâm, tận dụng năng lực ngoại giao và quyền lực mềm trong hợp tác quốc tế.
Theo ông Kao Kim Hourn, sự kiên cường của ASEAN phải bắt đầu từ bên trong, giữa các quốc gia thành viên, cách tiếp cận này mang lại lợi ích cho ASEAN trên các phương diện khác nhau, đặt nền móng để ASEAN trở thành đối tác hấp dẫn trên toàn cầu. Trong bối cảnh chủ nghĩa đa phương đang bị thách thức thì ASEAN vẫn là một biểu tượng của hợp tác khu vực, thích ứng, tự cường giữa nhiều biến động.
“Hơn lúc nào hết, ASEAN phải biến tầm nhìn thành hành động trong một thế giới biến động, giữ được ‘luật hướng tâm’ và nguyên tắc đồng thuận, đoàn kết nội khối giữa muôn vàn thách thức,” ông Kao Kim Hourn nhấn mạnh.
Đỗ Thảo
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/lanh-dao-asean-va-the-gioi-nhan-gui-thong-diep-ve-tuong-lai-cua-asean-38639.html