Sẽ M&A thêm 10 - 12 công ty trong thời gian tới
BaF Việt Nam đang đẩy nhanh việc mở rộng quy mô thông qua các thương vụ M&A cũng như tự phát triển các trang trại.
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư vừa qua, ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã cổ phiếu BAF - sàn HoSE) khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc M&A để mở rộng quy mô trong bối cảnh giá heo hơi dự kiến neo cao và các quy định mới của Luật Chăn nuôi đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, phù hợp với các doanh nghiệp theo mô hình sản xuất an toàn khép kín 3F.
Chỉ trong hơn 2 tháng vừa qua, doanh nghiệp này đã M&A 13 công ty chăn nuôi trên phạm vi cả nước. Các doanh nghiệp này đều đang có sẵn quỹ đất, hệ thống chuồng trại dành cho hoạt động chăn nuôi hoặc đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục pháp lý để triển khai trang trại. BaF Việt Nam dự kiến sẽ mua lại toàn bộ vốn của các công ty này sau khi hoàn tất thủ tục.
Ông Ngô Cao Cường - Phó Tổng Giám đốc BaF Việt Nam tiết lộ, công ty đang tiến hành đàm phán để thực hiện M&A thêm 10 - 12 công ty và dự kiến sẽ hoàn tất trong vòng 2 tháng nữa, cũng như đưa heo vào trại ngay trong năm 2025 với các trang trại đã xây dựng xong nhằm chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất của năm 2026.
Kế hoạch tăng trưởng của BaF Việt Nam từ nay đến năm 2030.
Theo kế hoạch hiện tại, BaF Việt Nam đặt mục tiêu nâng tổng sản lượng heo thịt lên mức 1,65 triệu con trong năm 2025, tăng trưởng 65% so với năm 2024; và tiếp tục tăng thêm 66%, đạt mức 2,74 triệu con trong năm 2026, hướng đến mục tiêu 10 triệu con vào năm 2030, trở thành doanh nghiệp chăn nuôi heo khép kín theo mô hình 3F (Feed, Farm, Food) hàng đầu Việt Nam.
Chia sẻ thêm về định hướng M&A trong thời gian tới, ông Ngô Cao Cường cho biết BaF Việt Nam không đặt mục tiêu cụ thể một tháng hay một quý cần phải thực hiện bao nhiêu thương vụ M&A.
“Miễn thấy đất phù hợp, trang trại phù hợp, chi phí phù hợp, thì sẽ M&A ngay. Nếu có cơ hội, nguồn lực, mục tiêu 10 triệu con heo có thể đến sớm hơn, thậm chí vào năm 2028”, Phó Tổng Giám đốc BaF Việt Nam nói.
Lợi thế từ “người đi sau”
BaF Việt Nam đã ký kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn Muyuan, doanh nghiệp chăn nuôi - chế biến heo lớn nhất Trung Quốc vào tháng 9/2024.
Trả lời nhà đầu tư về tính khả thi của kế hoạch mở rộng quy mô trong bối cảnh thị trường đang có nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lớn, lâu năm, ông Ngô Cao Cường tự tin cho biết BaF Việt Nam đang sở hữu nhiều lợi thế vượt trội, đặc biệt là trong vấn đề bảo đảm an toàn sinh học và công nghệ chăn nuôi khép kín tiên tiến, giúp tiết giảm chi phí.
“Trước năm 2019, tình hình dịch tả lợn châu Phi (ASF) không quá phức tạp, hệ thống trang trại của nhiều doanh nghiệp lớn xây dựng đơn giản. Nhưng giờ dịch bệnh diễn biến phức tạp, các trang trại hiện hữu buộc phải nâng cấp để đảm bảo an toàn sinh học. Nhưng khi nâng cấp thì các trang trại này sẽ gần như phải dừng hoạt động hoàn toàn. Điều này giống như việc đoàn tàu đang chạy, muốn quay đầu chuyển hướng thì sẽ mất nhiều thời gian”, ông Ngô Cao Cường phân tích.
BaF Việt Nam với lợi thế “người đi sau” khi mới đẩy mạnh mảng chăn nuôi kép kín 3F từ năm 2020, đã tích lũy kinh nghiệm từ các doanh nghiệp khác để triển khai hệ thống trang trại tối ưu, có mức độ đảm bảo an toàn sinh học cao, giúp phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả, từ đó đưa tỷ lệ thiệt hại đàn nuôi do dịch bệnh về mức tối thiểu.
“Trong đợt dịch vừa qua, BaF Việt Nam chỉ có khoảng 2.000 heo bị tiêu hủy vì dịch bệnh, chủ yếu là ở các trang trại gia công - hợp tác với công ty. Nếu không có các biện pháp đảm bảo an toàn thì toàn bộ đàn tại một trang trại sẽ bị lây bệnh chỉ sau 1 - 2 ngày”, ông Ngô Cao Cường nói
Đặc biệt, Phó Tổng Giám đốc BaF Việt Nam tiết lộ việc công ty bắt tay hợp tác với Tập đoàn Muyuan, doanh nghiệp chăn nuôi - chế biến heo lớn nhất Trung Quốc, đã giúp tiếp cận nhiều hỗ trợ về công nghệ sinh học và thiết lập mô hình chăn nuôi tối ưu.
Sáu lĩnh vực hợp tác chủ chốt giữa BaF Việt Nam và Tập đoàn Muyuan trong việc mở rộng quy mô chuỗi chăn nuôi - chế biến heo khép kín.
Điển hình, công ty đã thiết lập thành công 02 phòng xét nghiệm sinh học tại cụm trang trại ở Thanh Hóa và Tây Ninh với xe xét nghiệm di động, giúp xét nghiệm nhanh mẫu bệnh phẩm chỉ trong ngày, từ đó triển khai nhanh phương án cách ly mà vẫn đảm bảo duy trì hoạt động của các trang trại. BaF Việt Nam sẽ thiết lập thêm một phòng xét nghiệm trong thời gian tới nhằm tiếp tục giảm tỷ lệ heo chết vì dịch bệnh xuống thấp hơn.
BaF Việt Nam cũng đang làm việc với các cơ quan chức năng về việc triển khai mô hình chăn nuôi heo nhà cao tầng. Mô hình chăn nuôi này đã được Tập đoàn Muyuan phát triển, vận hành, tối ưu trong nhiều năm qua và được đánh giá phù hợp với điều kiện chăn nuôi tại Việt Nam, giúp nâng cao an toàn sinh học, giảm tác động môi trường, tiết giảm chi phí. Trong đó, riêng chi phí đất đai dự kiến sẽ tiết giảm được đến 75% khi áp dụng công nghệ này.
“Tập đoàn Muyuan sẽ cùng BaF Việt Nam góp vốn thành lập công ty con, hỗ trợ công nghệ, cùng đồng hành hợp tác trước mắt từ 1 - 2 trang trại và mở rộng dần. Dự kiến đến cuối năm nay, công ty sẽ có giấy phép về xây dưng mô hình chăn nuôi heo nhà cao tầng. Với công nghệ hiện đại, hoạt động sản xuất kinh doanh chắc chắn sẽ đi nhanh hơn trong thời gian tới”, ông Ngô Cao Cường khẳng định.
Minh Huế