Báo cáo với Đoàn công tác, lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, công tác dân vận luôn được triển khai nghiêm túc và có sự quan tâm đặc biệt từ các cấp lãnh đạo tỉnh. Một trong những phương thức hiệu quả được áp dụng là mô hình "3 chung" – chung nguồn lực, chung nội dung và chung hình thức. Mô hình này góp phần giải quyết nhiều vấn đề bức xúc, thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, cũng như thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Quang cảnh buổi làm việc
Lực lượng vũ trang tỉnh đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh trật tự, là cầu nối giúp chính quyền và nhân dân hiểu nhau hơn. Một số mô hình dân vận sáng tạo như "Công an xã đồng hành chia sẻ khó khăn với dân", hay "Tuyên truyền, vận động phòng chống tội phạm qua ứng dụng Zalo" phát huy tác dụng, nâng cao ý thức cộng đồng và củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Hệ thống an ninh cơ sở của tỉnh hiện có gần 530 Tổ bảo vệ an ninh trật tự với gần 2.000 thành viên, đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận thông tin từ nhân dân. Các mô hình "Dân vận khéo", điển hình như "Công an xã đồng hành chia sẻ khó khăn với dân", "Một hướng, hai quản, ba nâng", đã tạo sự đồng thuận trong cộng đồng, giúp chính quyền tiếp cận và giải quyết các vấn đề của người dân nhanh chóng và hiệu quả.
Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa, công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở đạt kết quả tích cực. Phương châm “tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải” được triển khai rộng khắp. Vì vậy, tỉnh không ghi nhận tình trạng khiếu kiện đông người hay các điểm nóng về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Ông Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương, đánh giá cao kết quả đạt được trong việc thực hiện chương trình phối hợp công tác dân vận của lực lượng vũ trang tỉnh. Để công tác dân vận đạt kết quả cao hơn, ông Phạm Tất Thắng đề nghị tỉnh tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, gắn kết công tác dân vận với thực tiễn phát triển địa phương.
Đồng thời, các đơn vị theo dõi tình hình địa phương, giải quyết các vấn đề nhạy cảm về an ninh, tôn giáo và dân tộc. Từ đó, chủ động phát hiện, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, không để xảy ra tình huống bị động. Đặc biệt, phát huy sức mạnh trí tuệ, vai trò của nhân dân trong xây dựng Đảng, hệ thống chính quyền, hướng tới Đại hội Đảng và các ngày lễ lớn của đất nước.
Trước đó, Đoàn công tác Ban Dân vận Trung ương đã có buổi làm việc với Thành ủy Ngã Bảy về thực hiện công tác phối hợp công tác dân vận của lực lượng vũ trang năm 2024.
Tấn Phong/VOV-ĐBSCL