Ngày 23/7, lãnh đạo TP. Cần Thơ tổ chức họp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư năm 2025.
Thông tin về tình hình phát triển kinh tế địa phương, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Văn Lâu cho biết, từ đầu năm đến nay, hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của thành phố có dấu hiệu phục hồi tốt, đặc biệt là từ sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.
Trong 6 tháng đầu năm, TP. Cần Thơ có hơn 2.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động (tăng 30% so với cùng kỳ năm trước). Tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố đạt 7,87%, cao hơn bình quân cả nước (bình quân cả nước 7,31%). Đứng thứ 19/34 tỉnh, thành và đứng thứ 2 trong vùng ĐBSCL (sau tỉnh An Giang).
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Đỗ Thanh Bình chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp để góp phần phát triển thành phố
Theo Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố có đóng góp rất quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp và kinh tế tư nhân tạo ra giá trị gia tăng, đóng góp khoảng 74% trong tổng GRDP và trên 80% tổng thu ngân sách của thành phố.
Người đứng đầu UBND TP. Cần Thơ chia sẻ, hiện nay, TP. Cần Thơ đang bước vào một giai đoạn phát triển mới với nhiều tiềm năng và cơ hội sau khi hợp nhất. Thành phố đang khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của thành phố mới.
Đồng thời tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, phát triển các khu công nghiệp, thu hút đầu tư, xây dựng các trung tâm logistics hiện đại, gắn với cảng biển và cảng hàng không.
Thành phố cũng đặc biệt chú trọng việc hoàn thiện cơ chế, chính sách để khơi thông, tháo gỡ kịp thời các nút thắt, điểm nghẽn, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, minh bạch, thuận lợi, an toàn và thân thiện.
“Trong bối cảnh đó, chúng tôi mong muốn quý doanh nghiệp tiếp tục quan tâm, tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh. UBND thành phố cam kết luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, lắng nghe và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc”, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ nói.
Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Văn Lâu phát biểu tại buổi họp mặt
Tại buổi họp mặt, đại diện Công ty TNHH Vinataba - Philip Morris nêu khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh của công ty. Cụ thể, năm 2014, dự án mở rộng mặt bằng sản xuất với quy mô 2 ha đất đã được UBND thành phố chấp thuận. Trong giai đoạn 2015-2016, Công ty đã phối hợp với chính quyền địa phương để hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng và bồi thường, với tổng kinh phí hơn 18,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, dự án gặp nhiều vướng mắc liên quan đến thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; thủ tục thuê đất cho phần diện tích mở rộng.
Tháng 6/2023, UBND TP. Cần Thơ đã ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất. Tiếp đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Cần Thơ (cũ) có văn bản đề xuất cập nhật vị trí khu đất dự án vào quy hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, đến ngày 21/3/2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường có công văn thông báo việc thực hiện dự án mở rộng của Công ty chưa đảm bảo quy định nên không có cơ sở cho Công ty thuê đất.
“Tháng 5/2025, lãnh đạo UBND thành phố và đại diện các sở ngành liên quan đã đến thăm và làm việc trực tiếp tại Công ty nhằm lắng nghe, tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến dự án. Công ty mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo để sớm hoàn tất các thủ tục pháp lý còn tồn tại, tạo điều kiện cho dự án được triển khai đúng tiến độ sau hơn 10 năm vừa qua”, đại diện Công ty kiến nghị.
Quang cảnh buổi họp mặt
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh ĐBSCL cho rằng, Cần Thơ là địa phương tiên phong tổ chức họp mặt doanh nghiệp sau khi sáp nhập các tỉnh thành, cho thấy tinh thần lắng nghe, sự cầu thị, toàn tâm của lãnh đạo thành phố đối với cộng đồng doanh nghiệp.
Theo ông Lam, TP. Cần Thơ mới có quy mô nền kinh tế lớn, không gian phát triển rộng, tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt cao hơn bình quân cả nước…, đó là những nền tảng, kỳ vọng cho doanh nghiệp trong tương lai khi có nhiều động lực để phát triển với đầy đủ hạ tầng sân bay, cảng biển, đường cao tốc… trên địa bàn.
Tuy nhiên, dưới góc độ của cộng đồng doanh nghiệp, ông Lam cho rằng, dù tăng trưởng hay điều kiện tốt, nhưng là một thành phố lớn, điều lo ngại là số lượng doanh nghiệp của thành phố còn ít và yếu. Trong 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp rời khỏi thị trường nhiều, trong khi số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới so với các địa phương khác, số vốn đăng ký trên 11.000 tỷ đồng trong khi đó Tây Ninh 94.000 tỷ đồng, cho thấy chênh lệch rất lớn.
Bên cạnh đó, thành phố có hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, tuy nhiên nhu cầu phát triển cần đòi hỏi nhiều hơn, bởi những dự án như trung tâm liên kết sản xuất tiêu thụ nông nghiệp, logistcis… chưa hình thành; những lợi thế chưa khẳng định được, chưa có nhiều chính sách hấp dẫn khác để thu hút nguồn lực, chưa có khu công nghệ tập trung để thu hút chuyên gia và nhà đầu tư…
Ông Lam kiến nghị, cộng đồng doanh nghiệp rất cần thành phố hoạch định rõ chiến lược phát triển của địa phương, điều chỉnh quy hoạch; có chương trình hành động thực hiện các nghị quyết của Trung ương, trong đó doanh nghiệp được hưởng lợi gì, cần làm gì… Hạ tầng cần được kết nối, hoàn thiện, vận hành chính quyền 2 cấp cần hiệu quả và có sự đo lường thường xuyên…
“Cần duy trì đối thoại doanh nghiệp thường xuyên, tháo gỡ khó khăn, chứ doanh nghiệp không thể nào 10 năm chờ 2 ha đất. Có những sản phẩm ở tầm cấp cao, mang lại hình ảnh cho thành phố rất lớn, cần được quan tâm. Hay ở Cồn Sơn, là điểm du lịch, khu du lịch mà người dân phản ánh còn nhỏ lẻ là chưa có sự đồng bộ, nên quan tâm giải quyết…”, ông Lam đề xuất.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Đỗ Thanh Bình (bìa phải) trao đổi với đại diện các doanh nghiệp
Kết luận buổi họp mặt, ông Đỗ Thanh Bình, Bí thư Thành ủy Cần Thơ đề nghị Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo các sở ngành liên quan kiểm tra ngay kiến nghị của Công ty TNHH Vinataba - Philip Morris. “Doanh nghiệp này đóng góp rất lớn cho thành phố trong nhiều năm qua, thẩm quyền của ai thì tháo gỡ, sớm nhất, nhanh nhất, lần họp sau là không còn cái này, chuyện không lớn”, ông Bình chỉ đạo.
Ông Bình đề nghị Chủ tịch UBND thành phố có chỉ đạo cụ thể, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để góp phần phát triển thành phố. Các sở ngành ghi nhận, tiếp thu tất cả các ý kiến của doanh nghiệp, nghiên cứu thật kỹ các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp để có biện pháp, phối hợp tháo gỡ, từ xã phường đến sở ngành, cơ quan đơn vị đều có trách nhiệm này.
“Lãnh đạo thành phố rất cảm ơn và mong tiếp tục nhận được góp ý của doanh nghiệp trong thời gian tới, có thể bằng văn bản, họp mặt, điện thoại cũng được, tôi sẵn sàng mở điện thoại nghe. Khó khăn được nói cụ thể thì rất tốt, ở cơ quan nào, đồng chí nào, rất cần sự phản ánh của doanh nghiệp và người dân… Đây là buổi họp mặt đầu tiên sau khi hợp nhất tỉnh, nên duy trì việc này, từ nay đến cuối năm cần 1-2 cuộc nữa”, ông Bình nói.
Giang Lam