Chiều 2/4, tại Hưng Yên, Văn phòng thường trực Bộ Công an về Gìn giữa hòa bình Liên hợp quốc đã tổ chức buổi tọa đàm chuyên đề “Đảm bảo an ninh, an toàn cho lực lượng gìn giữ hòa bình tại các phái bộ UNMISS và UNISFA”.
Cán bộ, chiến sĩ tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Trọng Phú)
Buổi tọa đàm có nhiều sĩ quan dày dặn kinh nghiệm và 200 cán bộ, chiến sĩ tham gia. Tại buổi tọa đàm, cán bộ, chiến sĩ gìn giữ hòa bình công an nhân dân đã cùng chia sẻ, thảo luận về các vấn đề an ninh, an toàn trong các phái bộ của Liên hợp quốc, cũng như các chiến lược, biện pháp và bài học kinh nghiệm trong việc ứng phó với các tình huống khẩn cấp, bảo vệ nhân viên, cơ sở vật chất, và đảm bảo sự ổn định tại các khu vực hoạt động của phái bộ.
Ngoài những thông tin lý thuyết, buổi tọa đàm là cơ hội để cán bộ, chiến sĩ trao đổi, thảo luận, học hỏi lẫn nhau về các tình huống thực tế mà các phái bộ Liên hợp quốc đang đối mặt, cũng như các phương pháp và kỹ năng cần thiết để bảo vệ chính mình và đồng đội trong môi trường làm việc nhiều rủi ro.
Thông qua buổi tọa đàm, đã giúp các sĩ quan chuẩn bị tham gia hoạt động tại các phái bộ của Liên Hợp Quốc có cái nhìn thực tiễn về các vấn đề an ninh, từ đó giúp nâng cao hiểu biết và khả năng ứng phó với các tình huống phức tạp trong công tác gìn giữ hòa bình, góp phần bảo vệ an ninh, ổn định tại tại các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và những khu vực khác.
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Từ năm 2022 đến nay, Bộ Công an đã cử 4 tổ công tác, gồm 11 sĩ quan đi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại phái bộ UNMISS ở Nam Sudan và phái bộ UNISFA (khu vực Abyei); cử một sĩ quan làm việc tại Phòng Cảnh sát, Cục Hoạt động hòa bình Liên hợp quốc (tại Hoa Kỳ).
Trao đổi với PV Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam, Đại tá Mạc Đức Trọng (Phó Cục trưởng Gìn giữ hòa bình Việt Nam) cho biết việc người dân sở hữu súng ở khu vực các phái bộ là khá phổ biến. Do đó những người chiến sĩ Gìn giữ hòa bình cần trang bị kinh nghiệm, kỹ năng để ứng phó với các tình huống nổ súng.
"Tình huống rất nhiều, từ việc đi tuần tra gặp sự cố trên đường, bị ngăn chặn, bị bắt giữ, bị cướp bóc... Những tình huống như vậy thì phái bộ xử lý như thế nào, kinh nghiệm của người đi trước xử lý như thế nào để đảm bảo an ninh, an toàn. Chúng tôi đã chia sẻ để cán bộ chiến sĩ có nhiều thông tin, biện pháp trước khi nhận nhiệm vụ lên đường" - Đại tá Mạc Đức Trọng chia sẻ.
Đại tá Mạc Đức Trọng, Phó Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam chia sẻ với PV Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam
Theo Đại tá Mạc Đức Trọng, khu vực các phái bộ Liên Hợp Quốc đóng quân thường có nhiều lực lượng bán vũ trang, nhiều phe phái có mục đích riêng. Những tổ chức như vậy hoạt động không hợp pháp. Khi cán bộ chiến sĩ đi tuần tra, có những trường hợp bị những nhóm này bắn trộm, nổ súng tấn công.
Khi được PV hỏi về cách xử lý tốt nhất khi đang đi tuần tra thì bị tấn công bằng súng, Đại tá Mạc Đức Trọng chia sẻ: "Cách tốt nhất là phải nhanh chóng vượt qua khu vực nguy hiểm đó. Khi vượt qua được khu vực nguy hiểm thì phải dừng lại, kiểm tra đội hình xem có người bị thương hay không. Nếu bị thương thì phải cấp cứu theo đúng cách. Quan trọng nhất là chúng ta liên lạc khẩn cấp với phái bộ, với lực lượng gần nhất để có được sự ứng cứu kịp thời".
Đại tá Mạc Đức Trọng - Phó Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm bị tấn công bằng súng khi làm nhiệm vụ.