Lãnh đạo Hội Khuyến học các tỉnh, thành chia sẻ phương án hoạt động trong tình hình mới

Lãnh đạo Hội Khuyến học các tỉnh, thành chia sẻ phương án hoạt động trong tình hình mới
11 giờ trướcBài gốc
Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh. Ảnh: Thiên Ân
Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh: Không để công tác khuyến học bị gián đoạn
Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh cho biết, hiện, Hội Khuyến học thành phố Hà Nội trực thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành Phố Hà Nội.
Hội Khuyến học thành phố cũng đang chờ hướng dẫn để thành lập hội khuyến học cấp xã, phường. Ngay sau khi có chỉ đạo về việc sắp xếp mô hình tổ chức, Hội sẽ khẩn trương triển khai chức thực hiện.
Như Chủ tịch nước đã nhấn mạnh, việc thay đổi mô hình tổ chức đòi hỏi phải có phương thức hoạt động mới phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Hội Khuyến học thành phố Hà Nội xác định sẽ khẩn trương ổn định tổ chức, kiện toàn bộ máy hoạt động, ban chấp hành các cấp và đội ngũ cán bộ chuyên trách, đảm bảo vận hành hiệu quả trong tình hình mới.
Dự kiến, ngay sau khi hoàn tất việc thành lập hội khuyến học cấp xã, phường, Hội Khuyến học thành phố Hà Nội sẽ tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhằm nâng cao năng lực công tác khuyến học và triển khai kịp thời các nội dung chỉ đạo từ Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam.
Bên cạnh đó, Hội dự kiến tổ chức trao học bổng trước thềm năm học mới vào trung tuần tháng 8, thể hiện tinh thần làm việc liên tục, không gián đoạn, đúng với phương châm "vừa chạy vừa xếp hàng".
Đồng thời, khẩn trương chuẩn bị công tác đại hội khóa 1 theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của thành phố cũng như Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam.
Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Hà Tĩnh Đoàn Đình Anh. Ảnh: Thiên Ân
Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Hà Tĩnh Đoàn Đình Anh: Tiếp tục nâng cao năng lực cán bộ khuyến học
Hiện nay, việc chuyển sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức trong quá trình tổ chức và triển khai các nhiệm vụ
Tại Hà Tĩnh, sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, số lượng xã, phường đã giảm từ 205 xuống còn 69, đồng nghĩa với việc chỉ còn 69 hội khuyến học cấp xã, phường tương ứng.
Trước đây, Hội Khuyến học tỉnh Hà Tĩnh triển khai nhiệm vụ chủ yếu thông qua 13 hội cấp huyện. Tuy nhiên, với việc sắp xếp lại đơn vị hành chính, hiện nay Hội triển khai trực tiếp đến 69 xã, phường nên cũng có những khó khăn, trở ngại nhất định trong giai đoạn đầu.
Hiện, Hội cũng đang chờ hoàn tất việc kiện toàn tổ chức cấp cơ sở, dự kiến sẽ hoàn thành công tác này tại các hội khuyến học cấp xã, phường vào khoảng tháng 7.
Sau khi hoàn tất kiện toàn tổ chức, Hội Khuyến học tỉnh sẽ tổ chức gặp mặt và tập huấn cho 69 Chủ tịch hội khuyến học cấp xã, phường. Tiếp đó, các lớp tập huấn sẽ được mở rộng đến ban chấp hành cấp cơ sở, nhằm trang bị kiến thức về chức năng, nhiệm vụ của hội cũng như các kỹ năng cần thiết trong công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập – nhất là trong bối cảnh phần lớn cán bộ là nhân sự mới.
Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thái Nguyên Đỗ Thị Thìn. Ảnh: Thiên Ân
Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thái Nguyên Đỗ Thị Thìn: Cán bộ khuyến học luôn giữ tâm huyết với công tác khuyến học
Hiện nay, trong quá trình triển khai các nhiệm vụ và nội dung công việc theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp, Thái Nguyên đang thực hiện việc sáp nhập với Bắc Kạn để thành lập đơn vị hành chính mới mang tên Thái Nguyên.
Về phía Hội Khuyến học, cùng với sự chỉ đạo của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, các nội dung công việc đã được Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nội vụ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh hướng dẫn rất chi tiết.Về cơ bản, quá trình triển khai thuận lợi.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là địa bàn làm việc của cán bộ khá xa nhau, cơ sở vật chất phục vụ chuyển đổi số còn hạn chế. Sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của Trung ương Hội, đặc biệt là thông qua buổi gặp mặt ngày hôm nay, chính là nguồn động viên to lớn – một ngọn lửa tiếp sức cho đội ngũ làm công tác khuyến học tại địa phương.
Chúng tôi tin tưởng rằng, dù gặp một số khó khăn bước đầu, đội ngũ cán bộ, hội viên vẫn sẽ giữ sự tâm huyết với công tác khuyến học.
Chủ tịch Hội Khuyến học Bình Định Trần Văn Thọ. Ảnh: Thiên Ân
Chủ tịch Hội Khuyến học Bình Định Trần Văn Thọ: Chủ trương chính quyền địa phương 2 cấp sẽ phù hợp với công tác khuyến học tình hình mới
Thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy, trong đó chỉ giữ lại cấp tỉnh và cấp xã – đây là một chủ trương phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Tuy nhiên, một số khó khăn đã phát sinh trong quá trình triển khai tại tỉnh Gia Lai.
Trước hết, địa bàn của hai tỉnh Bình Định và Gia Lai tương đối rộng, nay không còn cấp huyện làm cầu nối, nên việc triển khai công tác khuyến học từ cấp tỉnh đến cấp xã gặp nhiều trở ngại. Trong khi đó, biên chế của Hội Khuyến học cấp tỉnh lại rất hạn chế. Dự kiến, sau khi sáp nhập, Hội Khuyến học tỉnh Gia Lai sẽ chỉ có 6 biên chế – gồm 4 người từ Bình Định và 2 người từ Gia Lai.
Với lực lượng mỏng như vậy, việc triển khai chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ khuyến học xuống cấp xã là rất khó khăn. Chúng tôi kiến nghị Trung ương Hội sớm có ý kiến chỉ đạo đối với cấp tỉnh để ban hành quyết định thành lập Hội Khuyến học tỉnh mới sau sáp nhập.
Hiện tại, Sở Nội vụ tỉnh Bình Định mới chỉ có tờ trình về việc sáp nhập Hội Khuyến học Bình Định với Hội Khuyến học Gia Lai thành Hội Khuyến học tỉnh Gia Lai, nhưng Ủy ban nhân dân tỉnh vẫn chưa có quyết định chính thức, nên chúng tôi chưa thể triển khai hoạt động. Đồng thời, theo kế hoạch, việc tổ chức Đại hội Hội Khuyến học cấp tỉnh phải hoàn tất trong tháng 9, thời gian rất gấp rút.
Tuy nhiên, đến nay chúng tôi vẫn chưa nắm rõ chủ trương sắp tới đối với Hội Khuyến học cấp xã, đặc biệt là về tổ chức bộ máy và nhân sự. Vì vậy, rất mong Trung ương Hội tiếp tục tham mưu với Chính phủ để sớm có hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong công tác tổ chức và triển khai nhiệm vụ.
Thiên Ân
Nguồn Công dân & Khuyến học : https://congdankhuyenhoc.vn/lanh-dao-hoi-khuyen-hoc-cac-tinh-thanh-chia-se-phuong-an-hoat-dong-trong-tinh-hinh-moi-179250710123754022.htm