Lãnh đạo biết làm giàu sẽ truyền cảm hứng tích cực cho cấp dưới.
Theo TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (Hanoisme) nêu quan điểm: Trong bối cảnh đất nước đang nỗ lực đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì việc làm giàu chính đáng không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân, đặc biệt là đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp - những lực lượng trực tiếp tạo ra của cải vật chất cho đất nước.
"Trong lịch sử phát triển kinh tế toàn cầu, chưa từng có quốc gia hùng cường nào mà không có tầng lớp doanh nhân vững mạnh, biết làm giàu và chắc chắn Việt Nam cũng không thể là ngoại lệ”, ông nói.
Đáng chú ý, ông Quốc Anh nhấn mạnh, người lãnh đạo doanh nghiệp - với vai trò là "thuyền trưởng" chèo lái con tàu kinh tế - thì càng không thể đứng ngoài "cuộc đua” làm giàu, không thể chọn cho mình tâm thế an phận hoặc dè dặt, sợ rủi ro. Bởi điều đó sẽ chỉ khiến doanh nghiệp bỏ lỡ những cơ hội tăng trưởng, dễ rơi vào tình trạng trì trệ, thậm chí lâu dần là cạn kiệt tài sản.
"Nếu người lãnh đạo không chịu thay đổi tư duy, cách thức để làm giàu cho doanh nghiệp mà chỉ biết co mình trong vùng an toàn, e ngại thay đổi, ngại chịu trách nhiệm thì doanh nghiệp không thể phát triển và sớm muộn gì cũng bị tụt lại trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của thị trường.
Trong thế giới ngày nay, người ta nói nhiều đến khái niệm "doanh nhân kiến tạo" - tức là không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn tạo ra giá trị cho xã hội, cho cộng đồng, cho nền kinh tế.
Tư duy này cần được khuyến khích mạnh mẽ ở Việt Nam, để mỗi doanh nghiệp không chỉ là một thực thể sản xuất kinh doanh mà còn là một "tế bào khỏe mạnh”, góp phần vào sự phát triển bền vững và phồn vinh chung của đất nước.
Vì thế lãnh đạo doanh nghiệp nào không dám làm giàu là đang từ bỏ vai trò lịch sử của mình trong công cuộc phát triển đất nước. Và theo tôi người đó không xứng đáng làm lãnh đạo doanh nghiệp trong thời đại mới”, ông Quốc Anh nêu quan điểm.
Tuy nhiên, ông Quốc Anh nhấn mạnh, lãnh đạo doanh nghiệp cũng không thể chăm chăm làm giàu chỉ cho cá nhân hoặc doanh nghiệp của mình mà thiếu đi tinh thần phụng sự cộng đồng.
Ông nêu dẫn chứng: Thực tế tại Việt Nam và trên thế giới đã cho thấy: những doanh nghiệp phát triển bền vững đều biết gắn lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể, cộng đồng. Ví dụ, các tập đoàn lớn như VinGroup, Viettel, FPT…luôn hướng tới mục tiêu vươn tầm quốc tế, để giúp thương hiệu Việt có thể sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Chính khát vọng làm giàu mang tính phụng sự này đã thúc đẩy những doanh nghiệp này dám vượt qua mọi thách thức, đổi mới không ngừng để tăng trưởng. Điều này giúp họ chinh phục được "biển lớn” và ngày càng lớn mạnh, giàu có.
Ngược lại, những doanh nghiệp vận hành theo lối tư duy vị kỷ, chỉ chú trọng đến lợi ích cá nhân thì thường rơi vào tình trạng bất ổn nội bộ, mất phương hướng chiến lược và thiếu sức hấp dẫn với nhà đầu tư, đối tác và cả người lao động. Doanh nghiệp đó sẽ không thể phát triển bền vững.
Đồng quan điểm, đại biểu Hà Sĩ Đồng (Quảng Trị) phân tích ở góc độ doanh nghiệp, nếu người lãnh đạo không biết làm giàu thì họ cũng không thể truyền cảm hứng hay thúc đẩy cấp dưới làm giàu theo, từ đó sẽ tạo nên một bộ máy trì trệ, thiếu năng động, thiếu quyết tâm.
Nguy hại hơn, việc lãnh đạo không có tư duy làm giàu hoặc từ chối khát vọng làm giàu vì sợ rủi ro, sợ sai lầm hoặc giữ tâm lý né tránh trách nhiệm còn có thể chặn đứng con đường phát triển của doanh nghiệp, khiến nó dễ rơi vào bế tắc.
Muốn thúc đẩy cấp dưới làm giàu để cống hiến cho doanh nghiệp thì bản thân đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp phải biết cách làm giàu và phấn đấu làm giàu
Muốn thúc đẩy cấp dưới làm giàu để cống hiến cho doanh nghiệp thì bản thân đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp phải biết cách làm giàu và phấn đấu làm giàu
"Cứ thử tưởng tượng trong một doanh nghiệp nếu người lãnh đạo tài giỏi, cộng thêm khát khao làm giàu và tư duy làm giàu thì họ sẽ luôn suy nghĩ, học hỏi để tìm ra những hướng đi mới nhằm giúp doanh nghiệp phát triển một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Họ sẽ không hài lòng với những thành quả đã đạt được mà phải tìm cách để thành quả đó lớn hơn, mang lại lợi nhuận nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp. Và với năng lực, quyết tâm làm giàu của người lãnh đạo thì doanh nghiệp đó sẽ không ngừng phát triển.
Ngược lại, nếu người lãnh đạo không biết hoặc không muốn làm giàu thì sẽ chỉ luôn chấp nhận những gì đã đạt được, không chịu đổi mới và dễ dàng bỏ qua những cơ hội quý giá trong cuộc đua cạnh tranh khốc liệt. Doanh nghiệp đó chắc chắn sẽ hoạt động trì trệ, thậm chí nếu kéo dài thì còn nguy cơ tụt hậu, phá sản”, ông Đồng dẫn giải.
Luôn nghĩ thêm cách thức, hướng đi mới để làm giàu
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cũng nêu ý kiến: Người đứng đầu doanh nghiệp mà không biết cách làm giàu chính đáng thì doanh nghiệp sẽ không phát triển, vì thế cấp dưới không thể dựa vào được, từ đó sự gắn bó với doanh nghiệp sẽ không thể bền vững.
"Đã có nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể vì tư duy an phận thủ thường, trong khi xu hướng hiện đại là phải luôn luôn đổi mới. Các đối thủ tăng tốc không ngừng, tìm mọi cách để tăng trưởng mà mình cứ đứng im thì dương nhiên không thể cạnh tranh nổi.
Từ đó có thể nói khi lãnh đạo doanh nghiệp không biết làm giàu thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cấp dưới, khiến họ cũng khó có cơ hội làm giàu, thậm chí còn đối diện nguy cơ mất việc làm, thất nghiệp nếu doanh nghiệp phá sản”, đại biểu Nga nói.
Là một lãnh đạo doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy đường An Khê (Gia Lai), thuộc Tổng công ty mía đường Quảng Ngãi thừa nhận: muốn thúc đẩy cấp dưới làm giàu để cống hiến cho doanh nghiệp thì bản thân đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp phải biết cách làm giàu và phấn đấu làm giàu, chấp nhận rủi ro.
"Trong cơ chế thị trường hiện nay, lãnh đạo doanh nghiệp nếu không quyết liệt thay đổi tư duy sản xuất kinh doanh, không dám đổi mới, sáng tạo để nuôi mộng làm giàu thì sẽ không thể cạnh tranh được với những đối thủ khác. Điều này đương nhiên dẫn đến sự suy giảm về kinh tế, dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp, kéo theo khó khăn cho cấp dưới và người lao động.
Ngoài ra, người lãnh đạo không năng động, không biết làm giàu thì sẽ kéo theo một hệ thống trì trệ, doanh nghiệp yếu kém và cấp dưới ỷ lại”, ông Phước nói.
Chính vì thế theo ông Phước, với lời kêu gọi của Thủ tướng thì những lãnh đạo của doanh nghiệp cần phải tiên phong trong việc làm giàu. Những ai đã và đang làm giàu cho doanh nghiệp, cho đất nước cũng không nên dừng lại mà phải luôn nghĩ thêm cách thức mới, hướng đi mới để thành quả lớn hơn. Còn những người không biết hoặc không muốn làm giàu thì phải nhanh chóng dẹp bỏ tư duy này, bắt tay ngay vào xu thế chung của cộng đồng doanh nghiệp để không bị đào thải.
"Mỗi một doanh nhân, doanh nghiệp làm giàu chân chính sẽ đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước. Có như thế mục tiêu tăng trưởng hai con số mới sớm đạt được”, ông Phước nhấn mạnh.
(Theo VTC News)