Lãnh đạo kỳ cựu Tập đoàn Đạt Phương (DPG) từ nhiệm chức Phó Tổng giám đốc trong bối cảnh doanh nghiệp kinh doanh không hoàn thành kế hoạch 2024

Lãnh đạo kỳ cựu Tập đoàn Đạt Phương (DPG) từ nhiệm chức Phó Tổng giám đốc trong bối cảnh doanh nghiệp kinh doanh không hoàn thành kế hoạch 2024
2 ngày trướcBài gốc
Phó Tổng giám đốc Đạt Phương từ nhiệm
HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Đạt Phương (mã ck: DPG) mới đây công bố quyết định miễn nhiệm chức Phó Tổng Giám đốc đối với ông Phạm Kim Châu theo nguyện vọng cá nhân.
Sau khi rời vị trí Phó Tổng Giám đốc, ông Phạm Kim Châu vẫn tiếp tục gắn bó với Tập đoàn Đạt Phương trên cương vị Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Quản trị và hiện là cổ đông lớn, nắm giữ trực tiếp gần 4,2 triệu cổ phiếu DPG, tương đương 6,63% vốn điều lệ.
Bên cạnh đó, ông Châu cũng tham gia HĐQT tại 05 công ty thành viên trong hệ sinh thái của Đạt Phương, bao gồm Xây dựng Đạt Phương số 2 (Chủ tịch), Xây dựng Đạt Phương số 1, Thủy điện Đạt Phương Sông Bung, Thủy điện Đạt Phương Sơn Trà và Đạt Phương Hội An.
Ngoài sở hữu cá nhân, các thành viên trong gia đình ông Châu cũng nắm giữ cổ phần tại Đạt Phương. Cụ thể, vợ ông, bà Võ Thị Phương Lâm sở hữu hơn 895.000 cổ phiếu (tương đương 1,42% vốn điều lệ), trong khi chị dâu ông, bà Võ Thị Thái Hòa, nắm giữ hơn 256.000 cổ phiếu (tỷ lệ 0,41%).
Ông Phạm Kim Châu sinh năm 1962 tại Nghệ An, có trình độ chuyên môn Kỹ sư cầu hầm. Vị lãnh đạo 63 tuổi được xem là một trong những nhân vật kỳ cựu trong quá trình phát triển của Đạt Phương.
Ông gia nhập HĐQT Đạt Phương từ năm 2004 khi công ty còn mang tên Công ty Cổ phần Xây dựng và Vận tải Đạt Phương. Đến tháng 12/2021, ông chính thức đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT.
Trước khi gia nhập Đạt Phương, ông Châu từng phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam (1981-1984), sau đó làm việc tại Tổng công ty Thăng Long (1984-1998) và Công ty Cầu 7 Thăng Long (1993-2003).
Ghi nhận lãi năm 2024 nhưng nợ phải trả gấp rưỡi vốn chủ sở hữu
Về bức tranh tài chính, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024, Tập đoàn Đạt Phương ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.446 tỷ đồng, nhích gần 2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do giá vốn tăng nhanh hơn doanh thu nên lợi nhuận gộp giảm 6% so với quý IV/2023, xuống còn 204 tỷ đồng.
Trong kỳ, các chi phí phát sinh đều được tiết giảm. Nhờ đó, Đạt Phương lãi sau thuế 130 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế cả năm 2024, Đạt Phương ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.577 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2023. Trong đó, doanh thu mảng bán điện thương phẩm giảm 8%, còn 486 tỷ đồng. Ngược lại, mảng cung cấp dịch vụ tăng mạnh 9 lần đạt 56 tỷ đồng và mảng hợp đồng xây dựng tăng nhẹ 5% lên mức 3.035 tỷ đồng. Đáng chú ý, DPG "trắng" doanh thu từ kinh doanh bất động sản
Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của Đạt Phương đạt 303 tỷ đồng, tăng 7% so với năm trước. Với kết quả này, doanh nghiệp đã không hoàn thành kế hoạch đề ra khi mới thực hiện 78% mục tiêu doanh thu và 90% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2024.
Dù vẫn có lãi nhưng Đạt Phương lại gặp vấn đề lớn với dòng tiền. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2024 âm tới 322 tỷ đồng, trong khi năm trước dương 608 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên doanh nghiệp này bị âm dòng tiền kinh doanh kể từ khi bắt đầu công bố thông tin năm 2017.
Tại ngày 31/12/2024, tổng tài sản của Đạt Phương đạt 6.408 tỷ đồng, giảm 4% so với đầu năm. Tài sản cố định chiếm phần lớn với giá trị gần 2.200 tỷ đồng, tương đương hơn 1/3 tổng tài sản. Số dư tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn cuối kỳ chiếm gần 1.100 tỷ đồng, tương đương 17% tổng tài sản. Các khoản phải thu ngắn hạn và tồn kho đều có số dư cuối kỳ khoảng 1.100 tỷ.
Về nguồn vốn, nợ phải trả của Đạt Phương ở mức gần 3.800 tỷ đồng, giảm hơn 400 tỷ so với đầu năm và gấp rưỡi vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, nợ vay tài chính vẫn duy trì ở mức gần 2.500 tỷ đồng, tương đương thời điểm cuối năm 2023. Đây là các khoản vay tại ngân hàng BIDV (1.339 tỷ đồng), Vietinbank (741 tỷ đồng), Vietcombank (243 tỷ đồng)…
Ở một diễn biến khác, Tập đoàn Đạt Phương dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 vào ngày 19/4 để thông qua các nội dung quan trọng. Ngày lập danh sách cổ đông có quyền tham dự là 18/03, thời hạn cuối để gửi thông báo mời họp và đăng tải tài liệu là 28/3.
Linh An
Nguồn Doanh nhân & Pháp luật : https://doanhnhan.vn/lanh-dao-ky-cuu-tap-doan-dat-phuong-dpg-tu-nhiem-chuc-pho-tong-giam-doc-trong-boi-canh-doanh-nghiep-kinh-doanh-khong-hoan-thanh-ke-hoach-2024-80848.html