Lãnh đạo nhà trường phải chịu trách nhiệm cao nhất về việc giáo viên dạy thêm trái phép

Lãnh đạo nhà trường phải chịu trách nhiệm cao nhất về việc giáo viên dạy thêm trái phép
một ngày trướcBài gốc
Hiện nay, việc dạy thêm, học thêm trong các nhà trường phổ thông được gọi bằng những uyển ngữ (nói giảm nói tránh) như dạy tăng tiết, dạy buổi 2, dạy bồi dưỡng kiến thức,… Nhưng, thực ra phải gọi tên chính xác là hoạt động dạy thêm, học thêm có thu tiền theo thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh học sinh.
Ở Thành phố Hồ Chí Minh, hầu hết các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông đều tổ chức dạy buổi 2 và được thu tiền học sinh dưới 300.000 đồng/học sinh/tháng. Việc dạy thêm đại trà như thế này không mấy hiệu quả và còn mang đến rất nhiều hệ lụy cho học sinh, phụ huynh.
Bởi vì, học sinh học thêm theo đơn vị lớp, sĩ số lại đông và giáo viên đều dạy một phạm vi kiến thức, không có sự phân hóa giữa học sinh yếu, trung bình, khá, giỏi. Vậy nên, mặc dù được học buổi 2 ở trường nhưng rất nhiều học sinh lại phải đi học thêm ở nhà thầy cô giáo, ở các trung tâm văn hóa.
Đáng nói, không ít học sinh học thêm chồng học thêm, nghĩa là học một môn với 2, 3 thầy cô giáo ở trong và ngoài nhà trường, các em cũng kiệt sức, nhất là học sinh lớp 9, lớp 12. Kéo theo, phụ huynh phải trả rất nhiều khoản tiền học thêm cho con, em, gia đình kiệt quệ kinh tế.
Liên quan đến dạy thêm, học thêm trong nhà trường, một giáo viên bậc trung học phổ thông nói thẳng, việc này chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho một nhóm giáo viên và hiệu trưởng, hiệu phó. Giáo viên này nêu minh chứng, chỉ những giáo viên dạy môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Ngoại ngữ mới dạy thêm; các môn khác thường được gọi là môn phụ thì học sinh không có nhu cầu học thêm.
Cùng với đó, hiệu trưởng, hiệu phó được ăn chia phần trăm từ dạy thêm, học thêm rất nhiều. Thông thường, giáo viên được chia 65/35, số còn lại dùng để chi trả cơ sở vật chất và tiền công quản lí của lãnh đạo nhà trường. Một tháng, giáo viên được nhận thù lao khoảng vài ba triệu đồng từ buổi 2, nhưng hiệu trưởng, hiệu phó, kế toán, thủ quỹ thì thu về hàng chục triệu đồng.
Vậy nên, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT Quy định về dạy thêm, học thêm khi ngành giáo dục đã và đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là rất kịp thời, đúng đắn. Tuy vậy, để Thông tư này đi vào thực tiễn thì cần nhất là vai trò của hiệu trưởng.
Hiệu trưởng nào có dấu hiệu làm trái Thông tư, quản lí yếu kém hoặc buông lỏng quản lí thì các cơ quan quản lí giáo dục trực tiếp cần xử lí kỉ luật theo Luật Viên chức và các quy định pháp luật hiện hành. Có thể khẳng định, hiệu trưởng làm đúng lương tâm, trách nhiệm thì dạy thêm trái phép sẽ hết đất sống, môi trường giáo dục sẽ được trong sạch.
Ly Hương
Nguồn Công dân & Khuyến học : https://congdankhuyenhoc.vn/lanh-dao-nha-truong-phai-chiu-trach-nhiem-cao-nhat-ve-viec-giao-vien-day-them-trai-phep-179250106202035773.htm