Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong nhiệm kỳ đầu và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman trong cuộc gặp ở Washington DC., ngày 20/3/2018. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo tờ The Times of Israel, quyết định điện đàm đầu tiên với lãnh đạo Saudi Arabia cho thấy ưu tiên của chính quyền Tổng thống Trump.
Thái tử Bin Salman nói với ông Trump trong cuộc điện đàm rằng Saudi Arabia muốn mở rộng các khoản đầu tư vào Mỹ trong bốn năm tới lên 600 tỷ USD. Con số này có thể tăng thêm nếu có thêm các cơ hội.
Truyền thông Saudi Arabia không nêu rõ nguồn gốc của số tiền 600 tỷ USD, liệu đó là chi tiêu công hay tư, hoặc cách thức triển khai số tiền này.
Ông Trump khẳng định với Thái tử Saudi Arabia rằng ông mong muốn hợp tác với nước này để thúc đẩy các lợi ích chung.
Theo hãng tin Reuters, ông Trump đã duy trì quan hệ chặt chẽ với các nước vùng Vịnh, trong đó có Saudi Arabia, trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Saudi Arabia đã đầu tư 2 tỷ USD vào một công ty do Jared Kushner, con rể và cựu cố vấn của ông Trump, thành lập sau khi ông rời nhiệm sở.
Ông Trump nói sau lễ nhậm chức ngày 20/1 rằng ông sẽ cân nhắc việc chọn Saudi Arabia làm điểm đến đầu tiên trong chuyến thăm nước ngoài nếu nước này đồng ý mua 500 tỷ USD sản phẩm của Mỹ, tương tự như những gì ông đã làm trong nhiệm kỳ đầu tiên.
“Tôi đã thăm Saudi Arabia lần trước vì họ đồng ý mua 450 tỷ USD sản phẩm của chúng ta. Tôi nói tôi sẽ làm điều đó nhưng các bạn phải mua sản phẩm của Mỹ và họ đã đồng ý”, ông Trump nói, nhắc đến chuyến thăm Saudi Arabia vào năm 2017.
Hiện Nhà Trắng chưa công bố thông tin về cuộc điện đàm này, nhưng hai nhà lãnh đạo có thể đã thảo luận về việc tiếp tục đưa phong trào Houthi ở Yemen vào danh sách Tổ chức Khủng bố Nước ngoài (FTO).
Nhà Trắng đã công bố quyết định trên ngay sau cuộc điện đàm. Đây là một bước đi mà Saudi Arabia đã kêu gọi vì nước này đã phải đối mặt với các cuộc tấn công từ Houthi khi hỗ trợ chính phủ Yemen chống lại các nhóm đối lập trong cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm.
Cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh ông Trump bày tỏ mong muốn mở rộng Hiệp định Abraham với một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia.
Thỏa thuận này có thể là một phần của hiệp định quốc phòng lớn mà Saudi Arabia đang muốn ký với Mỹ, theo đó Mỹ sẽ đảm bảo an ninh cho Saudi Arabia nếu nước này bị tấn công và Saudi Arabia sẽ rót các khoản đầu tư lớn vào nền kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, Saudi Arabia từ lâu đã nhấn mạnh rằng một thỏa thuận như vậy cần bao gồm thiết lập một lộ trình hướng tới thành lập một nhà nước Palestine. Kể từ khi chiến tranh Gaza bùng nổ do cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas, Saudi Arabia đã tăng cường yêu cầu này. Một số người cho biết Thái tử Saudi Arabi sẽ không thể chấp nhận thêm các bước mang tính tượng trưng của Israel mà đòi hỏi các hành động cụ thể. Ngoài ra, Saudi Arabia cũng đã khẳng định rằng chấm dứt chiến tranh ở Gaza là điều kiện tiên quyết trước khi các cuộc đàm phán bình thường hóa có thể tiếp tục.
Thùy Dương/Báo Tin tức