Lãnh đạo TPHCM thăm hỏi gia đình các cá nhân tiêu biểu

Lãnh đạo TPHCM thăm hỏi gia đình các cá nhân tiêu biểu
5 giờ trướcBài gốc
Đồng chí Nguyễn Thanh Nghị và các đồng chí trong đoàn chụp hình lưu niệm cùng gia đình cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại nơi cố Thủ tướng nghỉ ngơi, làm việc trong những năm 1977-1982. Ảnh: PHƯƠNG UYÊN
Đến thăm gia đình đồng chí Võ Văn Kiệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM (tại Nhà lưu niệm tại phường Thảo Điền, TP Thủ Đức - nơi cố Thủ tướng nghỉ ngơi và làm việc trong những năm 1977-1982), Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Thanh Nghị cùng các đại biểu dành phút mặc niệm tưởng nhớ cố Thủ tướng.
Đồng chí cũng dành thời gian tâm sự, chia sẻ với gia đình về cảm nhận của mình dành cho cố Thủ tướng - một hình mẫu người lãnh đạo tài năng, đầy bản lĩnh, luôn dấn thân, kiến tạo những mô hình, giải pháp mới để đưa TPHCM và đất nước phát triển.
Trò chuyện cùng gia đình, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Thanh Nghị bày tỏ sự tri ân sâu sắc đối với đồng chí Võ Văn Kiệt. Ảnh: PHƯƠNG UYÊN
Đồng chí Nguyễn Thanh Nghị bày tỏ, thành phố rất tự hào khi có một thời gian đồng chí Võ Văn Kiệt làm Bí thư Thành ủy TPHCM. Đó là vào giai đoạn những ngày đầu giải phóng, thành phố gặp vô vàn khó khăn, đồng chí Võ Văn Kiệt là người đã lãnh đạo thành phố vượt qua giai đoạn ấy. Chính tầm nhìn và những giải pháp táo bạo, quyết liệt của đồng chí Võ Văn Kiệt đã đưa thành phố thoát khỏi khó khăn, sớm đi vào ổn định. Bằng những chính sách, quyết sách phù hợp, cố Thủ tướng đã đưa ra nhiều mô hình, ban đầu chỉ là giải pháp tình thế nhưng qua thời gian chứng minh, các giải pháp này trở thành mô hình đi đầu trong giai đoạn đổi mới để phát triển đất nước.
“Nhắc đến bác Võ Văn Kiệt là nhắc đến người lãnh đạo của sự đổi mới, luôn cống hiến, trọn đời vì nhân dân, vì đất nước; người lãnh đạo với phong cách gần dân, sát dân, quyết đoán và dám chịu trách nhiệm”, đồng chí Nguyễn Thanh Nghị bày tỏ; đồng thời khẳng định tấm gương, những bài học kinh nghiệm mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt để lại sẽ là hành trang quý để các lớp lãnh đạo thành phố học hỏi và noi theo, nhất là trong bối cảnh thành phố cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới.
Thay mặt lãnh đạo TPHCM, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khẳng định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố luôn trân trọng, tri ân cố Thủ tướng - người đã góp phần làm rạng danh TPHCM trong chặng đường 50 năm phát triển.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tên thật là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân, sinh năm 1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long; mất năm 2008. Đồng chí là Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng, Nhà nước, suốt đời hy sinh, phấn đấu cho mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
* Tiếp đó, đoàn đến thăm gia đình đồng chí Văn Tần, Anh hùng lao động, GS-TS- BS, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân (tại phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức).
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Thanh Nghị thắp nén nhang tưởng nhớ GS-TS-BS Văn Tần. Ảnh: PHƯƠNG UYÊN
Tại đây, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Thanh Nghị cùng các đại biểu đã thắp nén nhang tưởng nhớ GS-TS-BS Văn Tần.
Trò chuyện cùng gia đình, đồng chí bày tỏ lòng cảm phục, tri ân vị bác sĩ, người chuyên gia đầu ngành trong ngành ngoại khoa. Theo đồng chí Nguyễn Thanh Nghị, 50 năm kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đến nay, TPHCM đã đạt được nhiều thành quả tích cực trên các lĩnh vực, trong đó có ngành y tế. Trong thành quả chung đó có sự đóng góp quan trọng của GS-TS-BS Văn Tần - người đã dành cả cuộc đời vì sự nghiệp y khoa, sự nghiệp giáo dục – đào tạo của ngành y tế thành phố và cả nước.
Đồng chí Nguyễn Thanh Nghị trò chuyện với gia đình GS-TS-BS Văn Tần
Thay mặt lãnh đạo TPHCM, đồng chí Nguyễn Thanh Nghị bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến những đóng góp quan trọng của GS-TS-BS Văn Tần cho ngành y tế cũng như cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, đóng góp vào kết quả chung của TPHCM 50 năm qua.
GS-TS-BS Văn Tần là một trong những bàn tay vàng trong ngành ngoại khoa Việt Nam, ông đã trực tiếp tham gia hơn 3.000 ca mổ khó, phức tạp và là người thầy mẫu mực với sự nghiệp giảng dạy trong suốt 60 năm.
Ông cũng đã để lại hơn 100 công trình nghiên cứu khoa học, 450 báo cáo khoa học trong nước và quốc tế, chủ biên 1 quyền sách chuyên ngành và hướng dẫn khoa học cho 9 tiến sĩ, 14 bác sĩ chuyên khoa II, 17 thạc sĩ.
Sau khi nghỉ hưu, ông tiếp tục làm việc tại Bệnh viện Bình Dân, truyền thụ nhiều kiến thức và kinh nghiệm ngoại khoa cho nhiều thế hệ sinh viên và học viên tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Đại học Y Dược TPHCM cho đến khi mất.
* Sáng 22-4, đoàn đại biểu Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM do đồng chí Dương Ngọc Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM, làm trưởng đoàn đã đến thăm hỏi, tri ân gia đình các cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố giai đoạn 1975 - 2025.
Tại quận 7, đoàn đại biểu đã đến thăm gia đình đồng chí Nguyễn Vĩnh Nghiệp (1930-2007), Anh hùng Lao động, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND TPHCM. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Dương Ngọc Hải thắp hương, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước những đóng góp to lớn của đồng chí Nguyễn Vĩnh Nghiệp trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Đoàn đại biểu tưởng nhớ Anh hùng Lao động Nguyễn Vĩnh Nghiệp
Đồng chí Nguyễn Vĩnh Nghiệp tham gia Cách mạng tháng 8-1945, vào Đảng tháng 12-1947. Ông đã nhận nhiều danh hiệu khen thưởng cao quý như: Anh hùng Lao động, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huy chương Vì an ninh Tổ quốc, Huy chương vì Thế hệ trẻ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM ân cần thăm hỏi gia đình đồng chí Nguyễn Vĩnh Nghiệp
Trong suốt những năm làm lãnh đạo UBND TPHCM, đồng chí Nguyễn Vĩnh Nghiệp để lại dấu ấn sâu đậm ở những công trình, sự kiện như: Đường liên quận nối Nhà Bè với ốc đảo Duyên Hải (nay là Cần Giờ), tuyến kênh Đông Củ Chi, khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng... Ông đã có công xây dựng Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo thành phố và gắn liền với hoạt động hỗ trợ bệnh nhân nghèo, được nhân dân thành phố tin yêu.
Thay mặt lãnh đạo thành phố, đồng chí Dương Ngọc Hải đã ân cần gửi lời thăm hỏi và chúc sức khỏe đến gia đình đồng chí Nguyễn Vĩnh Nghiệp. Bà Nguyễn Thị Thanh Phương (con gái đồng chí Nguyễn Vĩnh Nghiệp) cảm ơn sự quan tâm chân thành của lãnh đạo TPHCM.
Tiếp đó, đoàn đã đến thăm gia đình cố Đại sứ Vũ Hắc Bồng (1927-2022), nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ TPHCM. Đồng chí Dương Ngọc Hải cùng đoàn đã thắp hương, tưởng nhớ cố Đại sứ.
Đoàn đại biểu tưởng nhớ cố Đại sứ Vũ Hắc Bồng
Trên cương vị là nhà ngoại giao, cố Đại sứ Vũ Hắc Bồng luôn xuất sắc ở khả năng xử lý tình huống, làm chủ tình hình. Ông là một trong 10 nhà ngoại giao được Chủ tịch nước phong hàm Đại sứ suốt đời (đợt đầu tiên). Ông từng nhận nhiều huân, huy chương cao quý như: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huy chương “Vì sự nghiệp ngoại giao Việt Nam” và Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.
Bà Phạm Thị Cúc (phu nhân cố Đại sứ) cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo TPHCM
Thay mặt đoàn, đồng chí Dương Ngọc Hải đã gửi lời thăm hỏi cùng những lời chúc tốt đẹp nhất đến gia đình cố Đại sứ Vũ Hắc Bồng.
* Trưa 22-4, đoàn đại biểu Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM do đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM, làm trưởng đoàn đã đến thăm hỏi, tri ân gia đình và cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố giai đoạn 1975 - 2025.
Đoàn đã đến thăm gia đình họa sĩ, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM tại quận Phú Nhuận. Đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết cùng các thành viên đoàn đã dâng hương, tưởng nhớ và tri ân họa sĩ, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu.
Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết dâng hương tưởng nhớ họa sĩ, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu. Ảnh: CHÍ THẠCH
Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM trân trọng ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp to lớn của họa sĩ, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu cho nền mỹ thuật Việt Nam nói chung và mỹ thuật của thành phố nói riêng.
Họa sĩ, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu là người có nhiều đóng góp cho nền mỹ thuật Việt Nam. Sinh thời, ông có nhiều kỷ niệm sâu sắc với Bác Hồ. Ông đã vẽ và nặn hàng trăm tác phẩm tranh, tượng về Bác.
Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết ân cần thăm hỏi người thân họa sĩ, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu. Ảnh: CHÍ THẠCH
Thay mặt lãnh đạo TPHCM, đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết trân trọng cảm ơn những đóng góp của họa sĩ, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu và chúc gia đình, người thân của ông luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và bình an.
Họa sĩ, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu (1919-2002) sinh tại làng Nhơn Thạnh (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre). Năm 1940, ông ra Hà Nội, thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (nay là Trường Đại học Mỹ Thuật Hà Nội), một trong hai trường mỹ thuật nổi tiếng nhất châu Á thời bấy giờ và đỗ đầu kỳ thi tuyển.
Ông vừa học vừa vẽ và tích cực tham gia vào phong trào sinh viên yêu nước, tham gia phong trào truyền bá quốc ngữ của thanh niên. Năm 1950, ông được ra Việt Bắc để tiếp tục học tập và công tác.
Tại đây, ông được sống cùng Bác Hồ để vẽ về Người. Những bức tranh đẹp và quý về Bác Hồ ra đời: Bố cục nhà Bác trên đồi, Bác làm việc ở nhà sàn Việt Bắc, Bác câu cá bên bờ suối…
Nhiều tác phẩm của ông được lưu giữ, bảo quản và trưng bày ở các bảo tàng trong, ngoài nước. Trong đó có bức tượng đồng Bác Hồ đang dang tay ôm cháu bé vào lòng từng đặt trước UBND TPHCM, hiện đang được đặt ở Nhà thiếu nhi thành phố đã trở nên thân thuộc với người dân… Ông được Nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 1996.
THU HƯỜNG - CHÍ THẠCH - CẨM TUYẾT
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/lanh-dao-tphcm-tham-hoi-gia-dinh-cac-ca-nhan-tieu-bieu-post791887.html