Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Trong đó, về văn bằng, chứng chỉ trong hệ thống giáo dục quốc dân, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất sửa theo hướng bỏ cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở và giao thẩm quyền cho hiệu trưởng trường trung học cơ sở/người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục trung học cơ sở xác nhận hoàn thành chương trình trung học cơ sở thay cho việc Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, nội dung sửa đổi nêu trên phù hợp với thực tiễn, thực hiện triệt để việc phân cấp, phân quyền, tuân thủ nguyên tắc “nơi nào đào tạo nơi đó cấp bằng” phù hợp với thông lệ quốc tế; đảm bảo phù hợp với chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; phù hợp với mục tiêu phổ cập giáo dục.
Bên cạnh đó, phù hợp với xu thế quốc tế: Nhiều quốc gia phát triển (Mỹ, Canada, Anh, Úc, Phần Lan) không cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở mà sử dụng xác nhận của Hiệu trưởng về kết quả học tập ở lớp dưới để xét học ở bậc học cao hơn hoặc phân luồng; việc xác nhận hoàn thành chương trình trung học cơ sở không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của người học. (sửa tương ứng ở Điều 34 Luật này và Luật Giáo dục nghề nghiệp nếu có quy định liên quan). [1]
Bỏ bằng tốt nghiệp trung học cơ sở giúp giảm thiểu thủ tục hành chính
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lê Sỹ Hiệu - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở Như Xuân (huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) nhận định: “Theo tôi, đề xuất bỏ cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở của Bộ Giáo dục và Đào tạo là hợp lý, cần được triển khai một cách nghiêm túc, cẩn trọng và có lộ trình cụ thể.
Trên thực tế, quá trình xét tốt nghiệp bao gồm nhiều bước, từ trường lập danh sách, gửi lên Phòng Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Điều này không chỉ khiến quy trình trở nên rườm rà mà còn tạo ra áp lực không cần thiết cho nhà trường và học sinh.
Do đó, nếu bỏ được việc cấp bằng và chuyển trách nhiệm công nhận tốt nghiệp về cho hiệu trưởng, quy trình sẽ được tinh gọn đáng kể. Việc này vừa tiết kiệm thời gian, chi phí cho các bên, vừa thể hiện phân quyền hợp lý cho các cơ sở giáo dục”.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở Như Xuân (huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa). (Ảnh: NTCC)
Tuy nhiên, theo thầy Hiệu, để đảm bảo việc xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở do hiệu trưởng thực hiện được khách quan, công bằng và thống nhất trên cả nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ban hành văn bản hướng dẫn rõ ràng trong thời gian sớm nhất. Hướng dẫn này phải quy định cụ thể tiêu chí, quy trình xét tốt nghiệp, trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể liên quan, cũng như cơ chế giám sát, kiểm tra. Khi đã có khung pháp lý rõ ràng, hiệu trưởng sẽ chủ động hơn trong công tác quản lý và thực hiện xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh, đồng thời tránh được tình trạng mỗi nơi làm một kiểu, dẫn đến sự thiếu nhất quán trong hệ thống giáo dục.
Cùng bàn vấn đề này, thầy Hoàng Văn Vinh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở xã Hồ Sơn (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) cho biết, đề xuất sửa theo hướng bỏ cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở và giao thẩm quyền cho hiệu trưởng xác nhận hoàn thành chương trình trung học cơ sở có tính hợp lý cao, mang nhiều ý nghĩa về mặt thủ tục hành chính.
“Hiện nay, quy trình công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở tuy không quá phức tạp nhưng vẫn đang tạo ra nhiều thủ tục hành chính trung gian. Theo quy định hiện hành, sau khi trường xét tốt nghiệp cho học sinh, hồ sơ sẽ được chuyển lên Phòng Giáo dục và Đào tạo để kiểm tra, sau đó Phòng mới có quyết định công nhận.
Với đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc bỏ cấp bằng trung học cơ sở và chỉ yêu cầu hiệu trưởng xác nhận hoàn thành chương trình là một bước tiến hướng tới tinh giản hóa thủ tục hành chính. Việc này không chỉ giảm bớt gánh nặng giấy tờ, mà còn thể hiện sự tin tưởng và trao quyền rõ ràng hơn cho các nhà trường. Khi hiệu trưởng được giao trách nhiệm xét và xác nhận hoàn thành chương trình trung học cơ sở, các trường sẽ chủ động hơn trong việc tổ chức dạy học, đánh giá quá trình rèn luyện của học sinh.
Hơn nữa, trong bối cảnh cả nước đang thực hiện việc sáp nhập các đơn vị hành chính, việc chuyển giao chức năng xác nhận tốt nghiệp về cho hiệu trưởng nhà trường là phù hợp với cơ cấu tổ chức mới của chính quyền địa phương hai cấp”, thầy Vinh nêu quan điểm.
Thầy Hoàng Văn Vinh (áo trắng) - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở xã Hồ Sơn (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn). (Ảnh: website Trường Trung tâm học tập Cộng Đồng xã Hồ Sơn)
Thầy Vinh bày tỏ, để đảm bảo tính minh bạch, công bằng và thống nhất trên cả nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành một văn bản hướng dẫn cụ thể về việc xét công nhận hoàn thành chương trình trung học cơ sở. Trong đó, phải quy định rõ các tiêu chí, quy trình, biểu mẫu, hồ sơ cần thiết để hiệu trưởng các trường có căn cứ thực hiện thống nhất. Đồng thời, cần có các cơ chế giám sát độc lập, đơn cử thanh tra, kiểm tra định kỳ của Sở Giáo dục và Đào tạo hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, để đảm bảo rằng việc trao quyền cho hiệu trưởng không dẫn tới sự tùy tiện hoặc thiếu công bằng giữa các trường.
Ngoài ra, đề xuất bỏ cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở cũng góp phần thay đổi nhận thức xã hội về việc học của học sinh. Hiện nay, nhiều phụ huynh và học sinh vẫn coi kỳ xét tốt nghiệp lớp 9 là một ngưỡng cửa quan trọng, gây ra những lo lắng không đáng có. Khi bỏ bằng tốt nghiệp, học sinh sẽ nhẹ nhàng hơn về mặt tâm lý, tập trung vào quá trình học tập thực chất thay vì chỉ lo đạt điểm số. Việc học sẽ gắn liền với sự phát triển toàn diện, chú trọng đến năng lực và phẩm chất của học sinh hơn là một kỳ xét tốt nghiệp mang tính hình thức.
Tuy nhiên, đề xuất này cần được chuẩn bị kỹ về mặt kỹ thuật. Cụ thể, hệ thống học bạ điện tử phải được hoàn thiện, đồng bộ và bảo mật cao. Nếu học bạ là cơ sở duy nhất để xác nhận hoàn thành chương trình thì học bạ cần phản ánh trung thực, đầy đủ quá trình học tập, rèn luyện của học sinh. Trong trường hợp học sinh chuyển trường hoặc có nhu cầu học tiếp ở các môi trường khác (như du học, chuyển vùng...), việc học bạ phải được chuẩn hóa để có thể sử dụng như một văn bản xác nhận chính thức thay cho bằng tốt nghiệp.
Phụ huynh giảm áp lực tâm lý, học sinh được chú trọng hơn đến việc học tập thực chất
Theo Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở Như Xuân (huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa), một trong những ưu điểm sau khi bỏ cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở là học sinh sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn về tâm lý. Từ trước đến nay, nhiều phụ huynh và học sinh vẫn nghĩ rằng phải có một tấm bằng mới chắc chắn được lên lớp 10, dù trên thực tế việc xét tốt nghiệp và tuyển sinh vào lớp 10 là hai quy trình hoàn toàn tách biệt. Nếu quy định mới được áp dụng, học sinh sẽ chỉ cần hoàn thành đầy đủ chương trình học và đạt yêu cầu theo quy định của trường là có thể tiếp tục học cao hơn, mà không phải lo lắng về các thủ tục cấp bằng không cần thiết.
“Mặt khác, bỏ cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở là bỏ bớt được những thủ tục rườm rà, các trường sẽ có thêm thời gian và nguồn lực để tập trung vào việc nâng cao chất lượng dạy học, phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh. Việc đánh giá kết quả học tập của học sinh cũng sẽ gắn liền với quá trình rèn luyện lâu dài trong suốt năm học.
Đặt biệt, trong bối cảnh giáo dục đang đổi mới theo hướng giảm áp lực, tăng thực chất, việc bỏ cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở là một bước đi phù hợp. Nó vừa thể hiện sự cải cách hành chính trong giáo dục, vừa đặt niềm tin vào đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở. Tuy nhiên, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, hướng dẫn thống nhất và cơ chế kiểm tra minh bạch để đảm bảo tính công bằng, nghiêm túc và hiệu quả trên toàn hệ thống”, thầy Hiệu nêu quan điểm.
Đồng quan điểm trên, thầy Dương Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Khoen On (huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) nhận định: “Theo tôi, đề xuất bỏ cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở là rất phù hợp, đặc biệt đối với chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Do đó, việc giao lại trách nhiệm xác nhận cho các hiệu trưởng là hoàn toàn hợp lý, giúp giảm thiểu các khâu trung gian, cắt giảm được thủ tục hành chính không cần thiết”.
Thầy Dương Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Khoen On (huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu). (Ảnh: Nhà trường từng cung cấp)
Theo thầy Nam, về mặt bản chất, bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hiện nay chủ yếu đóng vai trò thủ tục, xác nhận học sinh đã hoàn thành chương trình giáo dục. Nếu thay vì cấp bằng, hiệu trưởng xác nhận việc hoàn thành chương trình ngay trong học bạ thì cũng đủ thông tin và giá trị pháp lý để tiếp tục học lên bậc trung học phổ thông hoặc đi học nghề.
Ngoài ra, đề xuất này còn góp phần tiết kiệm nguồn lực, giảm tải cho đội ngũ giáo viên và cán bộ hành chính. Thay vì phải tổ chức Hội đồng xét tốt nghiệp với đầy đủ thành phần như hiện nay, chỉ cần kiểm tra, rà soát việc hoàn thành chương trình học theo quy định là có thể tiến hành xác nhận.
Thực tế, nhà trường hiện nay đã sử dụng học bạ điện tử, thông tin của học sinh được cập nhật và lưu trữ đầy đủ, đồng bộ. Việc xác nhận hoàn thành chương trình học qua học bạ là hoàn toàn khả thi, không gây khó khăn gì về mặt kỹ thuật hay quản lý dữ liệu.
“Về phía học sinh và phụ huynh, tôi cho rằng, đề xuất này không gây ảnh hưởng tiêu cực, mà ngược lại, còn tạo thuận lợi. Bởi quan trọng là các em được học tập đầy đủ, được xác nhận hoàn thành chương trình để đủ điều kiện học tiếp lên trung học phổ thông hoặc vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Với phụ huynh, việc giảm bớt giấy tờ, không phải đi xin cấp lại bằng khi bị thất lạc là một thuận lợi lớn.
“Nhìn chung, đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc bỏ cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở là một chủ trương đúng đắn trong bối cảnh hiện tại, vừa phù hợp với tổ chức bộ máy hành chính địa phương mới, vừa góp phần cải cách thủ tục hành chính trong ngành giáo dục. Để đạt hiệu quả cao nhất, các cơ quan quản lý cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt hướng dẫn triển khai, đảm bảo thống nhất trên cả nước để tránh gây xáo trộn không cần thiết”, thầy Nam cho hay.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/du-kien-bo-bang-tot-nghiep-thcs-hieu-truong-truong-thpt-cap-bang-tot-nghiep-thpt-119250512111205022.htm
Yên Đan