Quang cảnh buổi làm việc.
Cùng tham dự buổi tiếp có đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng chí Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Godfrey Magwenzi, Phó Tổng Giám đốc, Chánh văn phòng Tổ chức FAO; Trưởng đại diện Tổ chức FAO một số khu vực trên thế giới và Việt Nam; lãnh đạo một số sở, ngành có liên quan.
Bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi khi đón ông QU Dongyu cùng Đoàn công tác đến khảo sát và làm việc tại Ninh Bình trong những ngày đầu xuân Ất Tỵ, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã thông tin với đoàn về tình hình kinh tế - xã hội và tiềm năng của tỉnh.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tặng quà lưu niệm cho ông QU Dongyu, Tổng Giám đốc FAO.
Tỉnh Ninh Bình có điều kiện tự nhiên đa dạng, phong phú với 3 dạng địa hình là vùng đồi núi, vùng bán sơn địa và đồng bằng. Ninh Bình cũng là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu giá trị lịch sử, văn hóa, cách mạng - nơi từng là kinh đô của Nhà nước Đại Cồ Việt và sở hữu di sản và văn hóa thiên nhiên thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An - di sản hỗn hợp đầu tiên của khu vực Đông Nam Á được UNESCO công nhận.
Hiện diện tích bảo tồn của tỉnh chiếm khoảng 40% bao gồm rừng quốc gia, công viên đất ngập nước, đất lâm viên, khu dự trữ sinh quyển, khu di sản. Đây vừa là niềm tự hào, tự tôn dân tộc, vừa là nguồn lực, động lực cho sự phát triển của tỉnh, song cũng đặt ra rất nhiều thách thức giữa bảo tồn với phát huy các giá trị di sản cho sự phát triển bền vững.
Thời gian qua, tỉnh Ninh Bình luôn kiên định với quan điểm, định hướng phát triển xanh, bền vững và hài hòa. Trong đó, lấy du lịch, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí làm cụm ngành mũi nhọn; lấy công nghiệp cơ khí ô tô làm động lực; lấy ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm đột phá; lấy nông nghiệp sinh thái đa giá trị làm trụ đỡ.
Riêng trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh đặc biệt coi trọng phát triển nền nông nghiệp bền vững, đa giá trị dựa trên khai thác các đặc sản, đặc trưng của từng vùng miền với định hướng là nâng cao giá trị nông sản gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng dinh dưỡng, chất lượng sản phẩm gắn với việc xây dựng nông thôn mới để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.
Định hướng này đã tạo ra thành quả phát triển quan trọng của tỉnh với những dấu ấn và nét đặc trưng trong thời gian qua. Lĩnh vực nông nghiệp tạo ra những động lực vừa trực tiếp, vừa gián tiếp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và các ngành dịch vụ khác. Có thể kể đến như câu chuyện của cánh đồng lúa Tam Cốc được khai thác phục vụ du lịch hay vùng đất trũng trồng lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang nuôi trồng thủy hải sản gắn với khai thác du lịch đã tạo ra giá trị gấp nhiều lần so với việc trồng lúa lấy lương thực đơn thuần.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, đây cũng là định hướng phù hợp với quan điểm phát triển của Tổ chức FAO. Vì vậy, đồng chí tin tưởng sau buổi làm việc, Đoàn sẽ thu được nhiều kết quả và cũng từ thực tiễn của tỉnh, Ninh Bình cũng trao đổi và đóng góp những bài học kinh nghiệm cho sự phát triển nông nghiệp của Việt Nam và hoạt động của Tổ chức FAO.
Trân trọng cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của tỉnh Ninh Bình, ông QU Dongyu, Tổng Giám đốc FAO bày tỏ ấn tượng với cảnh quan, thiên nhiên và đặc biệt là các nông sản của Việt Nam. Ông cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia có dư địa phát triển nông nghiệp rất lớn với quan điểm, định hướng phát triển phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của thế giới.
Trong bối cảnh hiện nay, dù tỷ trọng của ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế không lớn và có giảm đi nhưng yêu cầu đối với các sản phẩm nông nghiệp sẽ phải cao hơn, không chỉ đáp ứng về số lượng mà còn phải nâng cao về chất lượng, đảm bảo cân bằng dinh dưỡng và chứa đựng giá trị bản sắc văn hóa. Mỗi địa phương, vùng miền đều có thể khai thác các đặc trưng, ưu thế này để khai thác và phát triển bền vững.
Tổng Giám đốc QU Dongyu cũng đề xuất một số giải pháp để Ninh Bình có thể khai thác các tiềm năng, lợi thế nông nghiệp để phát triển bền vững. Trên cơ sở tài sản di sản, văn hóa, thiên nhiên hiếm có, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Ninh Bình cần tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng các sản phẩm dịch vụ, sản phẩm nông nghiệp mang giá trị dinh dưỡng cao và giá trị văn hóa đặc sắc.
Đối với nông nghiệp, cần đầu tư thêm máy móc, nhân lực để đáp ứng trình độ và yêu cầu nông sản khắt khe hiện nay. Ngoài ra, Ninh Bình có thể tính đến việc hợp tác với các thị trường mới như châu Phi vừa góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho tỉnh vừa đảm bảo lợi ích dài hạn trong tương lai.
Đồng tình, ủng hộ với những định hướng phát triển của Ninh Bình, Tổng Giám đốc FAO khẳng định sẽ nỗ lực để việc hợp tác phát triển nông nghiệp giữa FAO và Việt Nam, trong đó có Ninh Bình đạt hiệu quả cao hơn. FAO cũng sẽ sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác để Ninh Bình hiện thực hóa các mục tiêu, khát vọng, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp mà tỉnh đang hướng tới.
Đoàn tham quan cánh đồng lúa Tam Cốc.
Sau buổi làm việc, Đoàn đến thăm mô hình trồng lúa tại xã Gia Phong, huyện Gia Viễn và thăm cánh đồng lúa Tam Cốc.
Minh Hải-Anh Tuấn