Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc- Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc- Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam
5 giờ trướcBài gốc
Nhận thức “Cách mạng trước hết phải có đảng cách mạng” và những bước chuẩn bị công phu
Luận điểm: “Cách mệnh muốn thành công trước hết phải có Đảng cách mệnh... Đảng có vững cách mệnh mới thành công” được nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc đưa ra từ rất sớm, năm 1927, trong tác phẩm "Đường kách mệnh".
Trong tác phẩm này, Người chỉ rất rõ vấn đề then chốt của cách mạng Việt Nam, đó là: "Cách mạng Việt Nam phải theo con đường cách mạng vô sản, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chủ yếu là công nông; cách mạng muốn thành công phải có một đảng Cộng sản lãnh đạo; phải có đường lối và phương pháp cách mạng đúng; cách mạng giải phóng dân tộc phải liên hệ chặt chẽ với cách mạng vô sản thế giới… Người lấy ví dụ đơn giản, dễ hiểu, chứng minh cho luận điểm này: “Cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”.
Tháng 10/1921, Nguyễn Ái Quốc cùng một số nhà cách mạng của các nước thuộc địa thành lập Hội Liên hiệp thuộc địa và sáng lập tờ báo Người cùng khổ (Le Paria) ngày 1/4/1922.
Trước đó, năm 1920, khi đọc Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lenin, Người chỉ rõ: “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”.
Đồng thời từ năm 1921, Người đã có những chuẩn bị về mặt chính trị, tư tưởng thông qua việc tập trung truyền bá lý luận Marx-Lenin vào giai cấp công nhân và các tầng lớp trí thức yêu nước. Tháng 10/1921, Nguyễn Ái Quốc cùng một số nhà cách mạng của các nước thuộc địa thành lập Hội Liên hiệp thuộc địa và sáng lập tờ báo Người cùng khổ (Le Paria) ngày 1/4/1922.
Ngay sau khi đến Quảng Châu (11/11/1924), Nguyễn Ái Quốc đã chọn những hạt nhân đầu tiên cho cách mạng Việt Nam là những thành viên trung kiên của nhóm Tâm tâm xã. Từ năm 1925 trở đi, Người bắt đầu xây dựng tổ chức, trước hết với việc thành lập một tổ chức tiền thân của Ðảng Cộng sản, đó là Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, sáng lập báo Thanh niên - tờ báo đầu tiên của cách mạng Việt Nam (21/6/1925), và tổ chức các lớp huấn luyện cán bộ.
Theo báo cáo của Nguyễn Ái Quốc gửi Quốc tế Cộng sản ngày 3/6/1927, từ năm 1925 đến năm 1927, Người đã mở 3 lớp đào tạo cán bộ cách mạng. Số học viên do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp huấn luyện trong ba khóa ở Quảng Châu gồm 75 người: Khóa 1 có 10 người; khóa 2 có 25 người; khóa 3 có 50 người.
Trực tiếp chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
Từ ngày 6/1-7/2/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam họp ở bán đảo Cửu Long, thuộc Hong Kong (Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt cho Quốc tế Cộng sản. Ảnh: Tranh tư liệu/TTXVN phát
Nửa cuối năm 1929, đầu năm 1930, ở Việt Nam xuất hiện 3 tổ chức cộng sản là Đông Dương Cộng sản Đảng (thành lập tháng 6/1929), An Nam Cộng sản Đảng (thành lập tháng 10/1929) và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (thành lập tháng 1/1930). Ba tổ chức cộng sản ra đời tiếp tục thúc đẩy phong trào công nhân và phong trào yêu nước phát triển mạnh mẽ. Các chi bộ của các tổ chức cộng sản đã trực tiếp lãnh đạo các cuộc đấu tranh của quần chúng ở nhiều xí nghiệp, đồn điền.
Tuy nhiên, sự tồn tại của ba tổ chức cộng sản làm cho lực lượng bị phân tán và thiếu thống nhất về tổ chức. Trong Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản về phong trào cách mạng ở An Nam ngày 5/3/1930, Nguyễn Ái Quốc đã phân tích khá rõ về sự thiếu thống nhất này: “Khoảng tháng 5/1929, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên họp hội nghị toàn quốc. Đại biểu Bắc Kỳ đề nghị tổ chức ngay một Đảng Cộng sản. Các đại biểu khác đề nghị sau này hãy tổ chức. Nhóm Bắc Kỳ bỏ hội nghị ra về và tổ chức một đảng (Đông Dương). Một số khác, sau đó đã tổ chức một đảng khác (An Nam). Đó là mối bất hòa đầu tiên. Nhóm Bắc Kỳ tìm hết cách để phá hoại Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên vì họ cho rằng: hội đó quá đông và cơ hội chủ nghĩa nên nó có thể làm lu mờ ảnh hưởng và công tác của Đảng Cộng sản trong quần chúng. Nhóm An Nam ra sức giữ cho Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tiếp tục hoạt động vì họ cho rằng: Hội có thể lợi dụng để tập họp tầng lớp trí thức và giai cấp tiểu tư sản. Đó là mối bất hòa thứ hai. Cả hai đều cố thống nhất nhau lại, nhưng càng cố gắng bao nhiêu thì càng hiểu lầm nhau bấy nhiêu và hố sâu ngăn cách ngày cũng rộng ra bấy nhiêu”.
Tù thực tế đó, Nguyễn Ái Quốc cho rằng, nếu tiếp tục tồn tại ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam về lâu dài không có lợi cho cách mạng.
Với trách nhiệm trước lịch sử, dân tộc và nhãn quan chính trị sắc bén, cuối tháng 12/1929, Hồ Chí Minh rời Xiêm đến Trung Quốc với tư cách là phái viên Quốc tế Cộng sản, triệu tập và chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản để lập ra một Đảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam.
Đúng vào những ngày Tết Nguyên đán Canh Ngọ (1930), từ ngày 6/1 - 7/2/1930, Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản họp tại bán đảo Cửu Long thuộc Hồng Kông (Trung Quốc), dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc (với tên gọi là Vương - thay mặt cho Quốc tế cộng sản).
Tại Hội nghị, phân tích về vai trò, trách nhiệm của những người cộng sản trước vận mệnh dân tộc, Nguyễn Ái Quốc yêu cầu sự đoàn kết nhất trí cao trong những người cộng sản Việt Nam. Những sự phân tích của Nguyễn Ái Quốc về vai trò, trách nhiệm của những người cộng sản trước vận mệnh dân tộc đã nhận được sự nhất trí của các đại biểu.
Các đại biểu dự Hội nghị đã nhất trí “Bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm cộng sản Đông Dương”, đồng thuận với đề nghị của Nguyễn Ái Quốc, hợp nhất hai tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo.
Chuyện kể rằng, sau Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng, Nguyễn Ái Quốc viết Lời kêu gọi vui mừng báo tin: “Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập. Đó là Đảng của giai cấp vô sản. Đảng sẽ dìu dắt giai cấp vô sản lãnh đạo cách mạng An Nam đấu tranh nhằm giải phóng cho toàn thể anh chị em bị áp bức, bóc lột chúng ta”.
Tác giả T. Lan vừa đi đường vừa kể chuyện kể lại: “Năm 1930 - tháng 2, khoảng từ ngày 5 đến ngày 8, Nguyễn Ái Quốc “đãi” các đại biểu một bữa cơm nhân dịp Tết Nguyên đán, vừa tiết kiệm vừa linh đình, nhân sự kiện thành lập Đảng. Vừa hoàn thành một việc trọng đại, trong không khí hân hoan, đầm ấm ngày Tết xa quê, những người đồng chí đã gạt bỏ những bất đồng để cùng hướng tới mục tiêu chung cao cả là “giải phóng dân tộc và giúp vào cuộc giải phóng thế giới”.
Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời, gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là sự chuẩn bị tất yếu đầu tiên có tính quyết định cho những bước phát triển nhảy vọt mới về sau trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. Như Tổng Bí thư Hà Huy Tập đã từng khẳng định cống hiến của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đối với sự kiện thành lập Đảng: “Công lao to lớn của đồng chí là đã tập hợp được các lực lượng cộng sản phân tán lại thành một khối, nhờ đó mà đưa lại cho những người lao động Đông Dương một đội tiên phong chiến đấu và kiên quyết cách mạng”.
Hà Anh
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/lanh-tu-nguyen-ai-quoc-chu-tich-ho-chi-minh-va-su-ra-doi-cua-dang-cong-san-viet-nam-post332794.html