Lào Cai: Chú trọng quy hoạch các điểm dân cư có nguy cơ lũ ống, lũ quét và sạt lở

Lào Cai: Chú trọng quy hoạch các điểm dân cư có nguy cơ lũ ống, lũ quét và sạt lở
2 giờ trướcBài gốc
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong kiểm tra tiến độ thi công Dự án tái thiết xây dựng khu dân cư Làng Nủ.
Lào Cai là tỉnh miền núi, có hơn 60% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Theo tập quán, người dân thường sống ven suối, triền đồi, là những nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, đá. Điển hình, hoàn lưu cơn bão số 3 đã để lại cho tỉnh Lào Cai những thiệt hại nặng nề, với số người chết và mất tích nhiều nhất cả nước. Trong đó, toàn tỉnh Lào Cai đã có 10.061 nhà ở bị ngập nước, sạt lở, lũ cuốn trôi. Có 964 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn hoặc lớn hơn 70%; 810 nhà thiệt hại rất nặng 50-70%; 2.779 nhà thiệt hại nặng 30-50%; 2.952 nhà thiệt hại 1 phần và nhỏ hơn 30%. Ngoài ra, có 1.886 nhà bị ngập nước, 670 nhà hư hỏng công trình phụ trợ.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 314 điểm sạt lở đất trên 50m3 (Trong đó, có 93 điểm đã có biển cảnh báo và 221 điểm chưa có biển cảnh báo); 53 điểm có nguy cơ sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy trên 50m3 (1 điểm đã có biển cảnh báo và 52 điểm chưa có biển cảnh báo).
Hiện nay, để ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Lào Cai đang tích cực triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 theo Quyết định số 590/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu vực rừng đặc dụng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Cụ thể, ngày 18/3/2024, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch số 170/KH-UBND về việc điều chỉnh bố trí, sắp xếp ổn định dân cư theo Quyết định 590/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2022-2025 và Kế hoạch năm 2024. Trong giai đoạn 2022-2025, tỉnh Lào Cai dự kiến sắp xếp 1.443 hộ với tổng kinh phí đầu tư trên 262 tỷ đồng. Trong đó, sắp xếp 1.209 hộ ra khỏi vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn; sắp xếp dân cư vùng biên giới cho 234 hộ. Riêng năm 2024 sẽ sắp xếp 613 hộ.
Đến nay, UBND cấp huyện đã khẩn trương phê duyệt danh sách các hộ được hỗ trợ theo chương trình, đẩy nhanh tiến độ các nhà đang triển khai xây dựng chưa hoàn thành. Có thể kể đến các điểm bố trí như: Dự án bố trí sắp xếp dân cư biên giới thôn Choán Ván - Sả Hồ, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương (quy mô 82 hộ); Dự án bố trí sắp xếp dân cư thiên tai, đặc biệt khó khăn thôn Cầu Xum, xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng (32 hộ); Dự án di dân khẩn cấp nội thôn ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm thôn Cam 3, xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên (26 hộ); Dự án ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm thôn Đồi Tre (Nả Án), xã Mường Vi, huyện Bát Xát (73 hộ)...
Theo đại diện Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai): Trong quá trình sắp xếp dân cư ra khỏi vùng thiên tai, nguy hiểm vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, vấn đề kinh phí hỗ trợ di chuyển cho các hộ; sự phối hợp, vào cuộc của các chính quyền địa phương trong vấn đề mặt bằng, quỹ đất, điều chỉnh quy hoạch đất để người dân sớm di chuyển và ổn định cuộc sống... Trong giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh có 2.525 hộ cần được sắp xếp ổn định, trong đó sắp xếp ổn định tại chỗ và xen ghép chiếm 63%, sắp xếp tập trung chiếm 37%.
Năm 2024, theo Quyết định số 1719 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Lào Cai sẽ sắp xếp ổn định 473 hộ xen ghép và theo Quyết định số 590 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh sắp xếp ổn định 613 hộ. Trong đó, sắp xếp tập trung 341 hộ; sắp xếp xen ghép 138 hộ và ổn định tại chỗ 134 hộ. Tổng kế hoạch sắp xếp dân cư là 1.086 hộ.
Mặc dù Lào Cai đã đưa được nhiều hộ ra khỏi vùng thiên tai, nguy hiểm nhưng số lượng hộ cần di chuyển vẫn còn nhiều, bởi đặc thù địa hình núi cao, hiểm trở, chia cắt mạnh, cùng với thời tiết hàng năm diễn biến phức tạp, thường xảy ra mưa lớn kéo dài, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nên phát sinh nhiều hộ trong vùng nguy hiểm phải di chuyển khẩn cấp.
Theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam: Việc cơ quan Nhà nước cần làm ngay sau cơn siêu bão số 3 là phải xem xét, kiểm tra lại tất cả bản làng, đưa ra chính sách định cư, di dời phù hợp để giảm thiểu rủi ro ở mức thấp nhất. Đồng thời, Nhà nước cần bổ sung các quy định về lựa chọn địa điểm xây dựng, trụ sở làm việc, cụm dân cư trong vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Ở những nơi đồng bào còn đang sống rải rác, phân tán thì vận động đồng bào tự nguyện di chuyển vào các làng bản gần đường giao thông và dành quỹ đất cho các công trình quan trọng như nhà ở, trường học, y tế, trụ sở. Ngoài ra, quy hoạch các điểm dân cư cần chỉ ra các địa điểm sơ tán khẩn cấp và có cảnh báo sớm để sơ tán kịp thời.
Huy Trung
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.com.vn/lao-cai-chu-trong-quy-hoach-cac-diem-dan-cu-co-nguy-co-lu-ong-lu-quet-va-sat-lo-385665.html