Lào Cai đoàn kết vững tin bước vào kỷ nguyên mới

Lào Cai đoàn kết vững tin bước vào kỷ nguyên mới
4 giờ trướcBài gốc
Trịnh Xuân Trường
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lào Cai
Ngày 1/7/2025 đánh dấu trang sử mới trong tiến trình hình thành và phát triển của quê hương Lào Cai. Một thực thể mới, rộng lớn, đa dạng tiềm năng, giàu cơ hội và dư địa phát triển đã hình thành, đưa Lào Cai tự tin bước vào kỷ nguyên mới cùng dân tộc.
Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã, từ ngày 1/7/2025, tỉnh Lào Cai mới (hợp nhất tỉnh Yên Bái và tỉnh Lào Cai) có diện tích tự nhiên 13.256,92 km2, quy mô dân số 1.778.785 người, gồm 99 xã, phường chính thức được thành lập và đi vào hoạt động theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Đồng chí Trần Lưu Quang, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương trao Quyết định về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, việc thành lập Đảng bộ tỉnh Lào Cai, việc chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cho các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy Lào Cai.
Ngược dòng lịch sử, Lào Cai - Yên Bái là hai vùng đất không chỉ liền kề về địa lý, mà đã gắn bó cùng nhau, từng chung một mái nhà (giai đoạn 1976 - 1991) khi tỉnh Yên Bái, tỉnh Lào Cai và một phần của tỉnh Nghĩa Lộ được hợp nhất thành tỉnh Hoàng Liên Sơn. Đó là giai đoạn rất khó khăn nhưng cũng rất hào hùng trong lịch sử.
Tháng 11/1991, tỉnh Hoàng Liên Sơn được chia tách thành hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai. Từ thời điểm đó, Đảng bộ và Nhân dân hai tỉnh vẫn luôn yêu thương, gắn bó, nghĩa tình. Hai tỉnh, từ chỗ nằm trong 6 tỉnh nghèo nhất của cả nước đã cùng nhau nỗ lực tái thiết, kiến thiết, dựng xây để đạt được nhiều thành tựu trong phát triển. Trước hợp nhất, tỉnh Yên Bái đang vững vàng hướng đến mục tiêu phát triển “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, còn Lào Cai được Trung ương xác định là một cực tăng trưởng, trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc.
Bản đồ hành chính tỉnh Lào Cai mới. Nguồn: TTXVN
Bối cảnh mới đã chín muồi cho một cuộc đoàn viên. Lào Cai - Yên Bái được hợp nhất là quyết định vừa đảm bảo tính kế thừa, tôn trọng lịch sử, vừa phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh hiện tại và quan trọng nhất là đáp ứng được khát vọng, tầm nhìn phát triển trong tương lai cũng như ý nguyện của đông đảo Nhân dân. Tỉnh Lào Cai mới không phải là phép cộng giữa 2 thực thể, giữa những tiềm năng, lợi thế của Lào Cai - Yên Bái trước đây, mà là cơ hội để tái cấu trúc toàn diện mô hình phát triển, tạo ra không gian, dư địa phát triển nổi trội, cùng với khả năng liên thông chiến lược trong tổng thể quy hoạch phát triển của vùng và quy hoạch quốc gia.
Sau sắp xếp, tỉnh Lào Cai có tiềm năng và động lực rất to lớn cả về tự nhiên, văn hóa, con người và các nền tảng kinh tế - xã hội để phát triển bứt phá. Nhưng với đặc thù của một địa bàn miền núi, biên giới, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên thực trạng phát triển của tỉnh vẫn còn khoảng cách nhất định so với các khu vực trung tâm, các tỉnh đồng bằng.
Theo bảng xếp hạng 34 tỉnh, thành phố sau sắp xếp thì về diện tích tự nhiên, Lào Cai đứng thứ 8 toàn quốc, quy mô dân số đứng thứ 26 và quy mô kinh tế đứng thứ 25.
Những con số này, đặc biệt là về quy mô kinh tế và mức độ phát triển cho thấy Lào Cai vẫn đang ở nhóm khó khăn. Tuy nhiên, với tiềm năng sẵn có cùng những cơ hội mới được tạo ra sau hợp nhất, Đảng bộ và Nhân dân Lào Cai có niềm tin sâu sắc rằng, phát huy truyền thống đoàn kết và sáng tạo, chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn để bứt phá, cùng nhau kiến tạo phát triển toàn diện và chăm lo đời sống Nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Tinh thần đoàn kết đã được Đảng bộ và Nhân dân hai tỉnh Yên Bái - Lào Cai thể hiện ngay trong quá trình triển khai xây dựng đề án hợp nhất. Trong bối cảnh “vừa chạy vừa xếp hàng”, tổng quỹ thời gian từ lúc bắt đầu công tác chuẩn bị đến khi thành lập tỉnh mới và vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chỉ hơn 3 tháng, cả hệ thống chính trị, đặc biệt là Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh đã đoàn kết, đồng thuận, sáng tạo và trách nhiệm cao để hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ, đáp ứng yêu cầu chất lượng và tiến độ theo đúng chỉ đạo của Trung ương.
Tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái đã thống nhất rất cao ở những nội dung quan trọng nhất, như tên gọi tỉnh mới, nơi đặt trung tâm hành chính, chuẩn bị phương án nhân sự, phương thức vận hành, mục tiêu, chiến lược phát triển… trước khi trình Trung ương quyết định. Hơn 99% số người dân được xin ý kiến về các nội dung hợp nhất tỉnh và xã đã bày tỏ sự đồng thuận, ủng hộ, nhất trí cao. Tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về thần tốc thực hiện nhiệm vụ, cấp dưới không chờ cấp trên, việc này không chờ việc kia, tất cả vì lợi ích chung; tuyệt đối tránh tư tưởng trông chờ, tránh cục bộ địa phương đã được quán triệt sâu sắc và đi vào từng việc làm, hành động cụ thể. Hàng nghìn cán bộ, công chức, viên chức của hai tỉnh đã làm việc ngày đêm, cả trong ngày nghỉ, ngày lễ để thực hiện đồng thời 3 việc lớn là sắp xếp đơn vị hành chính, duy trì ổn định các hoạt động kinh tế - xã hội và chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp.
Tinh thần đoàn kết, đồng thuận, sáng tạo và quyết tâm cao như trong những ngày tháng lịch sử vừa qua cần được gìn giữ và phát huy như bảo vật, là nền tảng quan trọng nhất để chúng ta nhìn về tương lai, cùng chung chí hướng, cùng chung hành động, vì sự phát triển của quê hương mới. Trong thời gian đầu vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, khối lượng công việc rất lớn, nhiều việc rất mới; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thay đổi nơi ở, môi trường làm việc, vị trí công tác…, đây đều là những khó khăn mà mỗi cá nhân và cả hệ thống chính trị địa phương phải nỗ lực khắc phục, đoàn kết vượt qua để bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ với tinh thần và khí thế tiến công.
Nhiệm vụ rất lớn, rất nặng nề nhưng cũng đầy vinh quang phía trước đặt ra cho toàn hệ thống chính trị và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai sau hợp nhất là phải chung sức, đồng lòng để giải quyết tốt những khó khăn nội tại và kiến tạo tương lai phát triển. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đang chỉ đạo sát sao, trực tiếp, quyết liệt việc xây dựng chiến lược phát triển cho địa phương, thể hiện trong văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Mục tiêu, quan điểm bao trùm là đưa tỉnh Lào Cai phát triển nhanh và bền vững, theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”, gắn với “giữ rừng, giữ nước, giữ môi trường, giữ Nhân dân, giữ biên giới”. Đến năm 2030, phấn đấu đưa Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của vùng Trung du và đồng bằng Bắc Bộ, là một cực tăng trưởng của vùng và là Trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc.
Để thực hiện được những mục tiêu và khát vọng lớn lao này, chúng ta cần phải nắm bắt tốt thời cơ, tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực sau hợp nhất. Những nguồn lực hữu hạn như tài nguyên khoáng sản, đất đai sẽ ngày càng cạn kiệt, vì vậy cần được khai thác, sử dụng một cách hợp lý và hiệu quả, đồng thời từng bước tách sự lệ thuộc tăng trưởng vào các nguồn lực này. Thay vào đó cần phát huy mạnh mẽ những tài nguyên và nguồn lực vô hạn hoặc có tính bền vững cao, như vị trí địa lý, yếu tố khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù, các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, hay các giá trị văn hóa, lịch sử và nguồn lực con người.
Tư duy mới về nguồn lực sẽ định hình một mô hình phát triển mới cho Lào Cai, tập trung vào các yếu tố cốt lõi như đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, đặt con người ở vị trí trung tâm; hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng sống và chỉ số hạnh phúc của Nhân dân.
Chính quyền địa phương 2 cấp chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ và kiến tạo, dựa trên nền tảng là 4 nghị quyết đặc biệt quan trọng của Bộ Chính trị, bao gồm: Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Nghị quyết 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật; Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. 4 nghị quyết này đã hình thành một chỉnh thể kiến tạo phát triển mà Tổng Bí thư Tô Lâm gọi là “bộ tứ trụ cột” đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới.
Mục tiêu cao nhất của cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy và sắp xếp đơn vị hành chính mà Đảng, Nhà nước đang thực hiện vì sự phát triển nhanh, ổn định, bền vững của đất nước và cuộc sống ấm no, hạnh phúc của Nhân dân. Hướng về mục tiêu cao cả ấy, những định hướng chiến lược, tinh thần cải cách và khát vọng phát triển của Lào Cai chắc chắn sẽ đi đến thắng lợi khi cả hệ thống chính trị và Nhân dân cùng nhau đoàn kết, sáng tạo, có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và quyết liệt hành động.
Thế hệ hôm nay vinh dự được sống, được chứng kiến và trực tiếp tham gia vào bước chuyển mình vĩ đại của dân tộc, đồng thời cũng sẵn sàng gánh vác trọng trách kết nối hiện tại với truyền thống lịch sử và tương lai phát triển. Với truyền thống đoàn kết, yêu quê hương, đất nước và khát vọng vươn lên, cùng thế và lực mới, Lào Cai vững tin và đã sẵn sàng cùng đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển giàu mạnh và thịnh vượng.
Nguồn Lào Cai : https://baolaocai.vn/lao-cai-doan-ket-vung-tin-buoc-vao-ky-nguyen-moi-post404058.html