Vụ sạt lở đất khiến hai người thương vong tại xã Xuân Ái, tỉnh Lào Cai. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Từ ngày 12-14/7, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có mưa to kéo dài gây thiệt hại về người, tài sản của nhân dân và công trình nhà nước với mức thiệt hại gần 5 tỷ đồng.
Cụ thể, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lào Cai, do ảnh hưởng của mưa to kéo dài đã gây sạt lở đất làm 2 người chết, 3 người bị thương và 2 ngôi nhà bị đổ sập hoàn toàn.
Mưa to kéo dài gây lũ làm thiệt hại đến nông nghiệp của nhân dân với trên 35 ha diện tích lúa, cây hoa màu, cây ăn quả bị gãy đổ, vùi lấp.
Về cơ sở hạ tầng, mưa lũ cũng gây sạt lở nhiều tuyến đường giao thông trong tỉnh với khối lượng hàng chục nghìn mét khối đất, đá như: tuyến Quốc lộ 4D, 279; tỉnh lộ 151, 154, 155, 156, 162 và nhiều tuyến đường giao thông nông thôn gây ách tắc giao thông.
Ngoài ra, mưa lũ còn gây hư hỏng 3 công trình thủy lợi gồm: Công trình thủy lợi thôn Ky Quan San, xã Mường Hum; công trình Thủy lợi, thôn Lênh Sui Thàng và thôn Tẩn Chư, xã Lùng Phình.
Ước thiệt hại khoảng 4,8 tỷ đồng.Ngay sau khi nhận được tin báo của chính quyền địa phương Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lào Cai đã phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Môi trường đến kiểm tra tại hiện trường điểm sạt lở, chỉ đạo chính quyền địa phương huy động lực lượng tại chỗ khẩn trương tổ chức tìm kiếm người bị nạn và khắc phục hậu quả thiên tai.
Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh và các sở, ngành thành viên Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết để cảnh báo người dân chủ động phòng ngừa; thực hiện tốt nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao; chủ động phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Đối với Ủy ban Nhân dân các xã bị thiệt hại khẩn trương huy động lực lượng hỗ trợ người dân dọn dẹp và khắc phục hậu quả nhằm sớm ổn định đời sống người dân; tiếp tục rà soát các điểm có nguy cơ về thiên tai và các hộ nằm trong vùng thiên tai nguy hiểm để có ngay phương án di chuyển người, tài sản đến nơi an toàn.
Các địa phương duy trì trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo; thông tin kịp thời đến tận các thôn, bản để chính quyền, người dân biết, chủ động phòng tránh.
Đồng thời, sẵn sàng các phương án ứng phó đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân khi có tình huống xảy ra./.
(TTXVN/Vietnam+)