Chăm sóc trẻ sơ sinh
“Khách hàng” mới
Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính bước đầu, Bệnh viện Chân Mây (cũ) trở thành cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) thuộc Trung tâm Y tế (TTYT) Phú Lộc. Thời điểm chúng tôi đến, đơn vị tiếp nhận nhiều ca bệnh từ các nhà máy trong khu vực. Theo thống kê bước đầu, từ ngày nhà máy Kim Long Motor đi vào hoạt động, lượng công nhân đến KCB chiếm 15-20% tổng số ca bệnh tại cơ sở Chân Mây. Ngoài khám cho công nhân, một kíp y bác sĩ đã xử lý vết thương cấp cứu cho công nhân Huỳnh Hữu M., 25 tuổi. Trong lúc làm sắt, anh M. bị rách ở tay, cần phải khâu vài mũi. Một đồng nghiệp cùng xưởng lắp ráp đi với anh M. kể rằng, bất cứ trường hợp nào bị tai nạn lao động đều được xe công ty và nhân viên y tế hoặc tổ/đội đưa kịp thời đến cơ sở Chân Mây.
Anh M. không phải là trường hợp cá biệt. Hàng ngày, cơ sở KCB Chân Mây đều tiếp nhận các trường hợp tai nạn lao động trong sản xuất, vận hành tại các công ty, nhà máy, xí nghiệp. Cuối năm 2024, số lượng công nhân ở Kim Long Motors gần 2.000 người; sau khi mở rộng quy mô hoạt động, dự kiến sẽ có 5.000 lao động. Xét về lợi thế, cơ sở KCB Chân Mây là nơi gần nhất và có đầy đủ trang thiết bị, nhân lực, đáp ứng yêu cầu cấp cứu, điều trị cho công nhân làm việc tại khu công nghiệp thuộc Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.
Ở khu vực khoa Sản, anh Bùi Thanh Hải, một công nhân khác của Kim Long Motor, khấp khởi vui mừng khi nghe tiếng khóc trẻ thơ từ phòng mổ. Trong lúc chờ gặp mặt đứa con đầu lòng, anh Hải chia sẻ: “Nhà mình ở Lộc Thủy, cả gia đình thường khám ở đây. Cơ sở này rộng rãi, thoáng mát, các y bác sĩ chăm sóc nhiệt tình nên không có gì lo lắng”.
Những thông tin trên cho thấy, cơ sở khám, chữa bệnh Chân Mây đã có chuyển biến rõ nét so với trước đây. Từ một địa chỉ ít được chú ý, nơi đây đang dần khẳng định vai trò là điểm tựa chăm sóc sức khỏe tin cậy cho cộng đồng công nhân trong khu vực. Cơ sở y tế này đang từng bước đồng hành và hòa nhịp với quá trình phát triển kinh tế địa phương.
Khu kinh tế ở Phú Lộc trong tương lai sẽ có quy mô hàng chục ngàn công nhân. Trước đó, lãnh đạo TTYT Phú Lộc đã có buổi làm việc với đại diện các nhà máy, công ty để bàn thảo cơ chế phối hợp trong việc đảm bảo khám định kỳ, chăm sóc sức khỏe ban đầu và xử lý các tình huống y tế khẩn cấp hiệu quả.
Trang cấp thêm thiết bị, phục vụ tốt hơn
Cơ sở Chân Mây có 55 cán bộ, viên chức; trong đó, có 12 bác sĩ đa khoa và chuyên khoa, với 70 giường kế hoạch. Đơn vị hợp đồng thêm bác sĩ về hưu chuyên khoa Nội - Nhi để phục vụ nhu cầu của người dân. Một bác sĩ chuyên khoa Tai - Mũi - Họng được cử đi học chuyển giao kỹ thuật trong kíp mổ cắt amidan gây mê để trở về phục vụ đơn vị. Hai Phó Giám đốc TTYT Phú Lộc được cử về tăng cường và điều hành hoạt động khám chữa bệnh hằng ngày. Trang thiết bị và nguồn nhân lực của đơn vị cơ bản đáp ứng cho việc chăm sóc sức khỏe.
Hiện, số ca bệnh điều trị nội trú nhiều nhất ở đây thuộc lĩnh vực y học cổ truyền (YHCT), tiếp đó là các mặt bệnh về hô hấp, tiêu hóa, cơ xương khớp… Bà Nguyễn Thị T. (66 tuổi) đến từ xã Lộc Vĩnh bị đau thần kinh tọa, lần đầu đến châm cứu, cho hay bà hài lòng vì được tư vấn, điều trị nhiệt tình. Ông Trần Thanh Th. (71 tuổi) đau lưng phải ngồi xe lăn điều trị nội trú 4 ngày qua, nói rằng đây là đơn vị y tế thuận tiện, phù hợp với hoàn cảnh gia đình nên ông đặt mọi sự kỳ vọng vào đội ngũ y bác sĩ, mong sớm bình phục để trở về nhà.
Gần đây, các ca bệnh sởi, thủy đậu, tay chân miệng, cúm tăng cao nên có thời điểm, mảng Nội - Nhi tiếp nhận đến 50 ca bệnh, phải tách một số trường hợp đưa lên phía trên tầng 2 để theo dõi và cách ly. Theo BSCKI. Nguyễn Đình Hùng, Phó Giám đốc TTYT Phú Lộc, phụ trách cơ sở KCB Chân Mây, cơ sở hạ tầng phục vụ KCB tại đơn vị được khai thác tối đa. Lượng bệnh nội trú quý I đạt khoảng 500 lượt, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, đơn vị còn triển khai mổ các dịch vụ kỹ thuật loại 1, 2, 3 về sản, khớp xương, ruột thừa... Đơn vị tiếp tục thực hiện bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện, nhằm điều chỉnh, khắc phục để phục vụ người dân tốt hơn.
ThS.BS. Lê Viết Cường, Giám đốc TTYT Phú Lộc cho hay: “Chúng tôi sẽ đề xuất Sở Y tế quan tâm sửa chữa một số hạng mục xuống cấp. Vấn đề nâng cao chất lượng KCB ở cơ sở Chân Mây được đưa vào nội dung họp bàn hằng tuần, hằng tháng, hằng quý. Có ba lĩnh vực được xác định sẽ tập trung triển khai nhằm phát huy năng lực KCB ở cơ sở Chân Mây là: đào tạo nhân lực, đầu tư thêm trang thiết bị hiện đại, tuyên truyền cho người dân biết về các dịch vụ kỹ thuật tại nơi này”.
Năm 2013, BV Đa khoa Chân Mây đi vào hoạt động nhưng không hiệu quả. Đến năm 2021, BV trực thuộc TTYT huyện Phú Lộc. Bàn về hoạt động của BV Đa khoa Chân Mây (cũ), PGS. Trần Kiêm Hảo nói: “Lãnh đạo Sở Y tế đã có nhiều chuyến khảo sát, bàn bạc, định hướng hoạt động cho cơ sở này hướng tới phục vụ khám, điều trị cho công nhân Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Rất mừng là, qua báo cáo đầu năm, lượng bệnh nhân đến khám tăng. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư mới trang thiết bị và chuyển giao kỹ thuật phục vụ KCB tại địa phương”.
Bài, ảnh: LINH TUỆ