Ông Điệp bên vườn sầu riêng tiền tỷ của gia đình
• CÓ CÔNG MÀI SẮT...
Ông Nguyễn Minh Hồng Điệp (52 tuổi) tự nhận mình là người học ít và là lão nông thực thụ. Nói như vậy, vì ông chỉ học hết lớp 6, nhưng kinh nghiệm và kỹ thuật trồng loại cây có giá trị cao như sầu riêng thì ít ai có thể sánh kịp; đến nay, ông đã có hơn 30 năm gắn bó với cây sầu riêng.
Theo lời kể, ông Điệp sinh ra và lớn lên tại huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai). Gia đình có thâm niên trồng các loại cây ăn trái như: chôm chôm và mít. Những năm 90 của thế kỷ trước, ông Điệp đã tìm đến xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai và nhận thấy vùng đất này phù hợp với các loại cây công nghiệp, cây ăn trái. Điều này đã thôi thúc ông ấp ủ ý định đầu tư, với giấc mộng làm giàu. Thời điểm đấy, ở xã Hà Lâm, người dân chủ yếu trồng cây điều và cà phê là chính, nên cuộc sống của bà con cũng chỉ tạm đủ ăn. Trong khi đó, cây sầu riêng được đánh giá là cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nhưng người dân chỉ trồng các giống sầu riêng hạt với quy mô nhỏ lẻ.
Vào năm 1994, khi đã tích góp được một khoản tiền, ông Điệp đến xã Hà Lâm mua 1 ha đất vườn rồi bắt tay vào cải tạo trồng cà phê. Để gia tăng nguồn thu nhập “lấy ngắn nuôi dài”, vợ chồng ông Điệp trồng thêm rau, thả thêm gà. “Tôi đến Hà Lâm lập nghiệp được khoảng 5 năm, thì Công ty Cổ phần Phát triển Công nghệ Sinh học DONA - TECHNO đưa các giống sầu riêng ghép từ Thái Lan như: DONA, Ri6 về giới thiệu cho bà con. Các giống sầu riêng ghép được giới thiệu mang lại năng suất, chất lượng gấp nhiều lần so với sầu riêng hạt. Lúc đó, tôi nghĩ thầm, mỗi cây sầu riêng chỉ cần cho thu nhập 1 triệu đồng/vụ là sẽ giàu. Vì vậy, tôi đã đăng ký mua giống sầu riêng ghép về trồng thử trên diện tích 1 ha xen với cà phê”, ông Điệp thổ lộ.
Mặc dù trồng xen trong vườn cà phê, nhưng nhờ khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nên cây sầu riêng phát triển rất tốt. Sau 4 năm, cây sầu riêng cho thu hoạch và nguồn thu mang lại cho gia đình ông cao gấp nhiều lần so với cây cà phê. Điều này, đã thôi thúc ông mở rộng diện tích trồng sầu riêng ghép. Cũng từ đây, hầu hết người dân tại xã Hà Lâm bắt tay vào trồng sầu riêng ghép để xây dựng nơi đây thành “thủ phủ” cây sầu riêng của tỉnh Lâm Đồng. Ông Điệp cho biết: “Bắt đầu từ năm 2006, từ nguồn thu vườn sầu riêng, năm nào tôi cũng dành để mua đất vườn. Mua được đến đâu là tôi cải tạo và trồng các giống sầu riêng ghép đến đó. Cứ thế, không lâu sau, diện tích sầu riêng của gia đình tôi cứ tăng lên theo cấp số nhân. Riêng năm 2017, tôi không mua đất vườn, vì phải dành số tiền 5 tỷ đồng để xây nhà”.
• TỶ PHÚ SẦU RIÊNG
Sau nhiều nỗ lực, cố gắng với niềm tin “có công mài sắt, có ngày nên kim”, đến nay, gia đình ông Nguyễn Minh Hồng Điệp sở hữu khu sản xuất sầu riêng chuyên canh rộng 24 ha, trong đó có hơn 90% sầu riêng giống DONA, còn lại là giống Ri6. Toàn bộ diện tích sầu riêng của gia đình ông Điệp được đầu tư bài bản theo hướng VietGAP công nghệ cao với hệ thống tưới tự động và máy bay không người lái để xịt thuốc. Vườn sầu riêng của ông Điệp cũng được cấp mã vùng trồng để phục vụ xuất khẩu.
Chia sẻ về doanh thu từ sầu riêng, ông Điệp thổ lộ: “Từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm 24 ha sầu riêng của gia đình tôi cung ứng cho thị trường hơn 200 tấn sầu riêng và mang về nguồn thu từ 13 - 15 tỷ đồng/năm. Riêng năm 2024, gia đình tôi thu được hơn 16 tỷ đồng từ sầu riêng”. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 lao động tại địa phương, với nguồn thu nhập ổn định từ 9 - 12 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, ông Điệp cũng là thành viên tiên phong của Câu lạc bộ “Những người nông dân tỷ phú” huyện Đạ Huoai.
Ông Đặng Huy Bộ - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Những người nông dân tỷ phú”, cho biết: "Câu lạc bộ hiện có 100 thành viên là những người có thu nhập 1 tỷ đồng trở lên từ trồng sầu riêng. Trong đó, có khoảng 5 hộ có nguồn thu từ 8 đến hơn 15 tỷ đồng/năm. Đây chính là nơi lan tỏa, chia sẻ những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh sầu riêng. Hướng đến mục tiêu tất cả các hộ trồng sầu riêng đều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu. Trong số hội viên Câu lạc bộ, gia đình ông Nguyễn Minh Hồng Điệp là một trong những hộ tiên phong trong việc đầu tư, phát triển sản xuất sầu riêng quy mô lớn. Qua đó, có được nguồn thu nhập vào loại cao nhất của xã Hà Lâm hiện nay”.
Ông Phan Quang Thực - Chủ tịch UBND xã Hà Lâm, cho biết: "Đạ Huoai được khẳng định là “thủ phủ” sầu riêng của tỉnh Lâm Đồng, với diện tích sầu riêng lên đến hơn 10.000 ha. Trong đó, xã là “trái tim” của “thủ phủ” sầu riêng, với hơn 2.300 ha và đang có 1.800 ha đang trong thời kỳ kinh doanh, với năng suất đạt từ 12 - 13 tấn/năm. Nhờ cây sầu riêng mà người dân xã Hà Lâm chúng tôi đang có được nguồn thu nhập bình quân trên 110 triệu đồng/người/năm. Trong đó, hộ giàu chiếm hơn 70%, còn lại là hộ khá. Để giúp người nông dân huyện Đạ Huoai nói chung và xã Hà Lâm nói riêng yên tâm sản xuất, chúng tôi rất mong muốn UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp Bộ Nông nghiệp và Môi trường xây dựng chi nhánh trung tâm kiểm định chất lượng sầu riêng tại địa phương để phục vụ xuất khẩu trong mùa vụ sắp tới".
KHÁNH PHÚC