Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký quyết định về việc thành lập 8 tổ công tác do lãnh đạo Chính phủ làm tổ trưởng nhằm đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, xây dựng hạ tầng, nhà ở xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Mục tiêu là đạt và vượt mức tăng trưởng kinh tế trên 8% năm 2025 và hướng tới mức hai con số trong những năm tiếp theo.
Theo Quyết định, các tổ công tác được phân công cụ thể theo từng lĩnh vực, từng bộ, ngành và địa phương.
Tổ công tác số 1 do Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Tổ trưởng, theo dõi Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ.
Tổ công tác số 2 do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình làm Tổ trưởng, theo dõi các bộ, cơ quan trung ương: Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Phó Thủ tướng theo dõi các địa phương: Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai, Bắc Ninh.
Tổ công tác số 3 do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm Tổ trưởng, theo dõi các bộ, cơ quan trung ương: Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Xây dựng, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (bao gồm cả Hội Nông dân Việt Nam, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM. Phó Thủ tướng theo dõi các địa phương: An Giang, Cà Mau, Đồng Tháp, Vĩnh Long.
Tổ công tác số 4 do Phó Thủ tướng Lê Thành Long làm Tổ trưởng, theo dõi các Bộ, cơ quan trung ương: Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam. Phó Thủ tướng theo dõi các địa phương: Đắk Lắk, Khánh Hòa, Lâm Đồng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Tổ trưởng theo dõi Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ. Ảnh: Nguyễn Huế
Tổ công tác số 5 do Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc làm Tổ trưởng, theo dõi các Bộ, cơ quan trung ương: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Kiểm toán Nhà nước. Phó Thủ tướng theo dõi các địa phương: Đồng Nai, Hưng Yên, Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng.
Tổ công tác số 6 do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng, theo dõi các bộ, cơ quan trung ương: Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Phó Thủ tướng theo dõi các địa phương: Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ.
Tổ công tác số 7 do Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng làm Tổ trưởng, theo dõi các bộ, cơ quan trung ương: Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Phó Thủ tướng theo dõi các địa phương: Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị.
Tổ công tác số 8 do Phó Thủ tướng Mai Văn Chính làm Tổ trưởng, theo dõi các Bộ, cơ quan trung ương: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam. Phó Thủ tướng theo dõi các địa phương: Tây Ninh, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai.
Tổ phó là lãnh đạo Bộ Tài chính. Các thành viên tổ công tác gồm lãnh đạo các bộ, ngành. Bộ Tài chính là cơ quan thường trực của các tổ công tác.
Công khai danh sách các đơn vị, địa phương giải ngân vốn đầu tư công thấp
Một trong những điểm nhấn của quyết định lần này là việc công khai danh sách các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp trên hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công và Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính.
Các tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, phân tích nguyên nhân khó khăn, điểm nghẽn; đề xuất các giải pháp tháo gỡ; đôn đốc tiến độ triển khai các dự án, chương trình, đặc biệt là công trình trọng điểm và vốn đầu tư công.
Đồng thời đánh giá việc triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên 8% năm 2025 và hai con số trong những năm tới theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng.
Tổ công tác sẽ xem xét trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, rà soát, xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, xây dựng hạ tầng, nhà ở xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, các công trình trọng điểm và giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, cơ quan, địa phương, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu.
Tổ công tác có quyền yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương báo cáo, cung cấp thông tin, số liệu, phân công cán bộ phối hợp thực hiện nhiệm vụ của tổ công tác.
Các tổ trưởng tổ công tác xây dựng kế hoạch làm việc trong đó xác định rõ các khó khăn, vướng mắc và thẩm quyền giải quyết; trên cơ sở đó trực tiếp chỉ đạo giải quyết tháo gỡ các vướng mắc theo thẩm quyền và các quy định của pháp luật, đồng thời tổng hợp các vướng mắc vượt thẩm quyền để báo cáo cấp có thẩm quyền, đảm bảo nguyên tắc "6 rõ": rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền.
Thành Huế