Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Giá vàng thế giới tiếp tục thiết lập kỷ lục mới trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (5/2), trong bối cảnh nhà đầu tư tìm kiếm “hầm trú ẩn” vì lo ngại khả năng leo thang của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và ảnh hưởng tiềm ẩn của cuộc chiến này đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Giá vàng giao sau đã có lúc vượt mốc 2.900 USD/oz lần đầu tiên trong lịch sử, trong khi giá vàng giao ngay tiến sát mốc này.
Lúc đóng cửa, giá vàng giao ngay tại thị trường New York tăng 23,1 USD/oz so với đóng cửa phiên trước, tương đương tăng hơn 0,8%, chốt ở mức 2.867,4 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco. Đây là mức giá đóng cửa cao chưa từng thấy của vàng giao ngay. Trong phiên, có lúc giá vàng giao ngay đạt mức cao nhất mọi thời đại 2.882,16 USD/oz.
Giá vàng giao sau trên sàn COMEX chốt phiên với mức tăng 0,6%, đạt 2.893 USD/oz, sau khi có thời điểm nội phiên vượt qua mốc 2.900 USD/oz.
“Giá vàng tăng chủ yếu do những bấp bênh về thương mại. Thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc và sự trả đũa của Bắc Kinh khiến thị trường bất an. Dòng vốn đi tìm sự an toàn đang là nhân tố chính chi phối giá vàng”, chiến lược gia trưởng Peter Grant của công ty Zaner Metals nói với hãng tin Reuters.
Đầu tuần này, sau khi thuế quan 10% mà Tổng thống Donald Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc chính thức có hiệu lực, Bắc Kinh ngay lập tức đáp trả bằng cách áp thuế quan 15% lên một số hàng hóa Mỹ. Trong lúc thị trường mong chờ một cuộc điện đàm giữa ông Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình để xuống thang xung đột, ông Trump bày tỏ qua điểm không vội nói chuyện với nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Tại thời điểm gần 8h sáng nay (6/2), giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á giảm 3 USD/oz so với chốt phiên Mỹ, giao dịch ở mức 2.870,4 USD/oz. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương 87,6 triệu đồng/lượng, tăng 600.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Dù giá vàng đang được thúc đẩy bởi nhu cầu phòng ngừa rủi ro tăng cao do chiến tranh thương mại leo thang, một số chuyên gia cho rằng nếu thuế quan khiến lạm phát ở Mỹ trỗi dậy, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải giữ lãi suất cao hơn lâu hơn. Vàng là một tài sản không mang lãi suất nên môi trường lãi suất cao hơn lâu hơn có thể gây áp lực giảm lên giá vàng.
Ngày thứ Tư, một số quan chức Fed đã lên tiếng cảnh báo rằng thuế quan của ông Trump có thể đẩy lạm phát tăng. Trong đó, có một vị hàm ý rằng tình trạng bấp bênh về triển vọng giá cả trong nền kinh tế là cơ sở để Fed giảm lãi suất chậm lại.
Diễn biến giá vàng thế giới 6 tháng qua. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: Trading Economics.
Sự vững vàng của thị trường việc làm của Mỹ cũng có thể là một căn cứ để Fed giãn tiến độ. hạ lãi suất. Báo cáo hàng tháng từ công ty ADP ngày thứ Tư cho thấy khu vực tư nhân của nền kinh tế Mỹ có 183.000 công việc mới trong tháng 1/2025, cao hơn nhiều so với mức dự báo 150.000 công việc mới mà các nhà phân tích đưa ra.
“Số liệu việc làm sẽ là mối quan tâm lớn trong tuần này. Nhưng tôi không cho rằng sẽ có điều gì đó ảnh hưởng mạnh mẽ đến kỳ vọng về lãi suất của Fed, trừ phi có những số liệu chênh lệch quá lớn so với dự báo”, ông Grant nhận định.
Vào ngày thứ Sáu, Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố báo cáo việc làm phi nông nghiệp tháng 1 - một điểm dữ liệu quan trọng để làm căn cứ cho quyết định lãi suất của Fed trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 3.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, khả năng Fed hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 3 đang ở mức 82,5%, và khả năng hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm là 17,5%.
Đồng USD tiếp tục xuống giá là một động lực quan trọng khác hỗ trợ giá vàng tăng. Chỉ số Dollar Index chốt phiên ngày thứ Tư ở mức 107,58 điểm, giảm gần 0,4% từ mức 107,96 điểm của phiên trước.
Đầu tuần, chỉ số trên đã có thời điểm tăng vọt do nhà đầu tư mua đồng bạc xanh để phòng ngừa rủi ro. Hiện tại, nhu cầu phòng ngừa rủi ro đang tập trung vào thị trường kim loại quý. Nếu tính từ hôm thứ Hai, Dollar Index hiện giảm hơn 1,7%.
Điệp Vũ