Thông tin từ Bộ Công thương vào ngày 26-3 cho biết, lãnh đạo cơ quan này đã ban hành Quyết định số 831/QĐ-BCT về việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để giám sát hoạt động kinh doanh và xuất khẩu gạo tại khu vực ĐBSCL.
Cần có biện pháp để hạn chế tình trạng doanh nghiệp chào hàng kiểu bán phá giá gạo xuất khẩu. Ảnh minh họa
Theo quyết định này, đoàn kiểm tra sẽ rà soát hoạt động kinh doanh của các thương nhân xuất khẩu gạo tại ĐBSCL, tập trung vào các vấn đề như thu mua, xuất nhập khẩu, dự trữ và lưu thông lúa gạo.
Việc kiểm tra được thực hiện trên cơ sở quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo và Nghị định số 01/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 107.
Đợt kiểm tra sẽ tập trung rà soát hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo trong khoảng thời gian từ tháng 9-2024 đến hết tháng 2-2025. Đây là giai đoạn mà đoàn kiểm tra sẽ thu thập dữ liệu, đối chiếu hồ sơ, chứng từ nhằm đánh giá việc tuân thủ quy định pháp luật của các doanh nghiệp.
Trước đó, vào ngày 11-3, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 99/TB-VPCP về yêu cầu thành lập đoàn kiểm tra tập trung vào việc thực thi các quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đồng thời rà soát tình hình cung cầu và giá cả trên thị trường.
Bộ Công thương cũng được giao nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan liên quan để kiểm tra gian lận thương mại, gian lận xuất xứ gạo xuất khẩu, cũng như hoàn thiện các quy định về xuất khẩu gạo trong bối cảnh thị trường đang có nhiều biến động.
Đoàn sẽ làm việc với các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu, các hiệp hội ngành hàng và chính quyền địa phương để đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp ổn định thị trường.
Theo Bộ Công thương, có 44 doanh nghiệp thuộc diện kiểm tra đợt này. Kết quả kiểm tra sẽ được Bộ Công thương báo cáo Chính phủ trước ngày 31-3-2025.
PHÚC HẬU