Chú trọng quy trình xử lý mâu thuẫn giữa các quy hoạch
Nhấn mạnh quy hoạch có vai trò hết sức đặc biệt trong việc điều phối nguồn lực và kiến tạo không gian phát triển, thảo luận tại Hội trường sáng 28/5, các ĐBQH nhận định, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu công cuộc sáp nhập tổ chức bộ máy, điều chỉnh và mở rộng địa giới hành chính, giải quyết những bất cập, điểm nghẽn trong thực tiễn.
Liên quan đến trình tự lập quy hoạch, Điều 5, dự thảo Luật quy định: “quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành được lập đồng thời”.
Từ kinh nghiệm đã trực tiếp làm tư vấn quy hoạch, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề nghị, cần quy định rõ là “phải lập đồng thời” và “quy hoạch nào xong trước được phê duyệt trước”.
ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Theo đại biểu, quy hoạch cấp trên phải có định hướng để quy hoạch cấp dưới bám theo. Nếu quy hoạch cấp trên chưa có định hướng, thì khi lập quy hoạch cấp dưới trước rất có thể những nội dung chi tiết ở cấp dưới sau này sẽ không phù hợp với quy hoạch cấp trên.
Thậm chí, những định hướng của cấp trên nếu không được cụ thể ở quy hoạch cấp dưới thì đôi khi cũng không phù hợp và những định hướng của cấp trên sẽ không có tính hiện thực.
"Điều này đã từng gặp phải khi chúng ta phê duyệt quy hoạch sử dụng đất quốc gia trước, sau đó đến khi các tỉnh làm quy hoạch thì chỉ tiêu phân bổ đất cho tỉnh không phù hợp, và hiện nay các tỉnh đều yêu cầu phải điều chỉnh chỉ tiêu trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia", đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết.
Trước thực tế nêu trên, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, nếu thực hiện đồng thời tất cả các quy hoạch thì quy hoạch cấp trên sẽ đưa định hướng, sau đó quy hoạch cấp dưới sẽ chi tiết cụ thể hóa, nếu như chi tiết cụ thể hóa chỗ nào không phù hợp sẽ phản hồi lên cấp trên, khi cấp trên điều chỉnh xong sẽ ấn định để cấp dưới triển khai chi tiết và phê duyệt.
“Chính cách làm này sẽ đạt được nhiều mục tiêu, khi các phương án quy hoạch được làm đồng thời sẽ bảo đảm tính khớp nối, kết nối giữa các phương án quy hoạch, từ quy hoạch cấp trên, quy hoạch cấp dưới, giữa quy hoạch ngang với quy hoạch ngành, bảo đảm trùng khớp, không bị mâu thuẫn", đại biểu nhấn mạnh.
Việc tiến hành cùng một thời điểm, theo đại biểu, cũng sẽ giúp chia sẻ thông tin, chia sẻ nguồn lực giữa các quy hoạch được thuận lợi, không mất thời gian, thay vì mỗi lần làm quy hoạch lại phải tổ chức hội thảo, những buổi chia sẻ hoặc nguồn dữ liệu riêng. Nếu tiến hành đồng thời, thì trong một năm tất cả các quy hoạch sẽ hoàn thành, tránh tình trạng vừa qua phải mất nhiều năm các quy hoạch mới được hoàn thành.
ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cũng đánh giá cao điểm mới tích cực của dự thảo Luật, đó là cho phép lập đồng thời các loại quy hoạch, làm rõ vai trò của quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành và bổ sung các quy định liên quan đến điều chỉnh quy hoạch trong trường hợp sáp nhập đơn vị hành chính.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển
Để bảo đảm tính khả thi và phát huy hiệu quả khi triển khai, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị, cần làm rõ hơn cơ chế phối hợp cũng như mối quan hệ cụ thể giữa quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành với quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Nêu thực tế, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành thường phát sinh xung đột với quy hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch hạ tầng, đại biểu cho rằng, việc quy định rõ cơ chế xử lý mâu thuẫn, cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch là rất quan trọng.
“Cơ quan soạn thảo cần đặc biệt quan tâm đến quy trình xử lý mâu thuẫn giữa các quy hoạch. Dự thảo Luật quy định Thủ tướng Chính phủ là người quyết định trong trường hợp có mâu thuẫn giữa các quy hoạch ngành quốc gia. Đây là phương án hợp lý, nhưng cần bổ sung quy trình rõ ràng, minh bạch với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan và Hội đồng chuyên gia độc lập nhằm hỗ trợ Thủ tướng có đủ căn cứ khi đưa ra quyết định cuối cùng, tránh quá tải trong trách nhiệm điều hành”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.
Rà soát, tích hợp các quy hoạch
Lưu ý ngay trong Phụ lục I và Phụ lục II của Luật Quy hoạch hiện hành có đến 39 quy hoạch ngành, 39 quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, ĐBQH Tạ Đình Thi (Hà Nội), ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) phản ánh, cử tri cho rằng có quá nhiều loại quy hoạch gây chồng lấn trong quá trình thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân đề nghị, cần tích hợp các loại quy hoạch tương đồng và gần giống về chức năng để giảm bớt các loại quy hoạch cũng như đầu mối quản lý. Ví dụ quy hoạch đường bộ, đường sắt, cảng biển, hàng không, sân bay… cần nghiên cứu tích hợp chung trong quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh tùy quy mô từng dự án, không quy định thành từng quy hoạch riêng.
ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Đại biểu nêu kiến nghị của cử tri về việc cần hoàn thiện thật tốt, thật chất lượng các quy hoạch chính, cốt lõi làm công cụ chính trong quản lý nhà nước, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân cũng đề nghị Quốc hội giao Chính phủ rà soát, tích hợp quy hoạch trong các phụ lục trên và rút gọn tối đa các loại quy hoạch này, bỏ đi những quy hoạch không cần thiết, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ Mười.
Giải trình tại phiên họp của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, chúng ta phải gấp rút sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, sau đó Chính phủ sẽ sửa đổi toàn diện Luật Quy hoạch trong thời gian tới, vì những thay đổi mang tính chiến lược, đặc biệt là việc sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng chính quyền địa phương hai cấp
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng giải trình tại phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển
“Nếu không sửa đợt này, thì ngày 1/7 tới đây, các tỉnh hoạt động theo mô hình mới sẽ tắc, tất cả việc triển khai các dự án ở địa phương không làm được”. Nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng cho biết, lần sửa đổi, bổ sung một số điều này tập trung vào 3 vấn đề lớn.
Cụ thể, dự thảo Luật bảo đảm điều chỉnh ngay được các quy hoạch ở tất cả các cấp. Theo đó, tất cả các địa phương sẽ thực hiện điều chỉnh quy hoạch ngay sau khi Nghị quyết về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh có hiệu lực. Đồng thời, bảo đảm nguyên tắc các quy hoạch đang được triển khai tiếp tục được thực hiện cho đến khi quy hoạch điều chỉnh có hiệu lực.
Dự thảo Luật cũng đẩy mạnh hơn nữa phân cấp, phân quyền tối đa, tăng cường quyền tự chủ, tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các cấp, các ngành. Đồng thời, tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trên thực tiễn phải xử lý ngay để triển khai thực hiện các dự án.
Cho biết, một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu sẽ tiếp tục xem xét trong lần sửa đổi tới để toàn diện hơn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng nêu rõ, các quy hoạch mang tính kỹ thuật chuyên ngành không nằm trong hệ thống quy hoạch quốc gia nhưng vẫn phải quy định trong dự thảo Luật vì vừa qua 28 quy hoạch mang tính kỹ thuật chuyên ngành mâu thuẫn với hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, dẫn đến có xung đột và phải tháo gỡ, rất khó khăn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng giải trình tại phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển
"Việc quy định trong dự thảo Luật trước hết là để bảo đảm tính thông suốt, sau này, khi sửa tổng thể chúng ta phải rà soát lại hết, những quy hoạch chuyên ngành gì không cần thiết là phải bỏ, chứ không thể nhiều như hiện nay", Bộ trưởng cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng nội dung quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh chỉ bao gồm những quy định mang tính khung, định hướng và có tính mở, kiến tạo và mở rộng không gian phát triển; nội dung chi tiết sẽ được thể hiện tại quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành. Nội dung cụ thể quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh sẽ được quy định tại Nghị định, để tạo sự linh hoạt trong triển khai thực hiện.
Về quy định lập đồng thời các quy hoạch và giải quyết mâu thuẫn giữa các quy hoạch, Bộ trưởng khẳng định, dự thảo Luật đã giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong thực tiễn thời gian qua, đó là, giải quyết xung đột giữa quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành với quy hoạch cấp trên.
“Đối với giải quyết mâu thuẫn giữa các quy hoạch do các cơ quan, tổ chức lập khác nhau, cấp có thẩm quyền có quyền cao hơn sẽ quyết định quy hoạch điều chỉnh. Đơn cử, khi triển khai một số dự án có vướng mắc liên quan đến quy hoạch chuyên ngành của 2 bộ, thì Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định, và theo nguyên tắc đi từ dưới lên trên”, Bộ trưởng nói.
Anh Thảo