Ngày 1/11, Bộ VH,TT&DL cho biết đã ban hành công văn số 4769/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc thống nhất lập hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt đối với làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền.
Trước đó, Bộ VH,TT&DL nhận được Tờ trình số 17/TTr-UBND ngày 2/1/2024 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc đề nghị lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích làng cổ Phước Tích.
Sau khi nghiên cứu và xin ý kiến các nhà khoa học Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia (nhiệm kỳ 2020 - 2024), Bộ VH,TT&DL có ý kiến như sau: Thống nhất với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc lập hồ sơ di tích làng cổ Phước Tích, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Căn cứ thành phần và thể thức hồ sơ theo quy định tại Thông tư số 09/2011/TT-BVHTTDL ngày 14/7/2011 của Bộ VH,TT&DL quy định về nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh và Thông tư số 18/2022/TT-BVHTTDL ngày 28/12/2022 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2011/TT-BVHTTDL.
Bộ VH,TT&DL đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo cơ quan chức năng lập hồ sơ di tích, gửi về Bộ thông qua Cục Di sản văn hóa.
Được biết, làng cổ Phước Tích đã được công nhận là di tích cấp quốc gia từ năm 2009, với cảnh đẹp cảnh quan và kiến trúc nghệ thuật hiếm có của một làng quê truyền thống. Theo sử liệu, làng Phước Tích được thành lập từ năm 1470, dưới thời vua Lê Thánh Tông.
Phước Tích của ngày xưa nức tiếng với nghề gốm với 12 cửa lò, 12 bến nước. Gốm Phước Tích xưa đã vượt qua nhiều sản phẩm gốm nổi tiếng khắp các vùng trong nước để trở thành lựa chọn duy nhất trong Hoàng cung.
Gốm Phước Tích được nung rất kỹ, lò đắp kiên cố nhiệt cao, lửa lúc nào cũng đượm hồng, nhờ thế mà sản phẩm không nứt, không giòn, giữ nhiệt, giữ hương vị. Hoa văn trên những sản phẩm của Phước Tích được chạm trổ tinh tế và rất đặc trưng không lẫn với bất kỳ sản phẩm nào.
Với 26 ngôi nhà rường cổ có tuổi đời trên 100 năm, trong đó có 12 ngôi nhà có giá trị đặc biệt về kiến trúc, nghệ thuật. Bên cạnh đó là hệ thống nhà thờ họ, phái, công trình di tích, tôn giáo, tín ngưỡng mang văn hóa Chăm Pa, 12 bến nước đặc trưng của miền quê xứ Huế cùng với nghề làm gốm truyền thống Phước Tích nổi tiếng một thời...
Trần Hòa