Theo đó, Bộ VHTT&DL đã nhận được tờ trình của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc đề nghị lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích làng cổ Phước Tích.
Sau khi nghiên cứu và xin ý kiến các nhà khoa học Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia (nhiệm kỳ 2020 - 2024), Bộ VHTT&DL thống nhất với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc này.
Một công trình kiến trúc ở làng cổ Phước Tích. Ảnh: phongdien.thuathienhue.gov.vn
Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo cơ quan chức năng lập hồ sơ di tích, gửi về Bộ VHTT&DL thông qua Cục Di sản Văn hóa.
Làng cổ Phước Tích được công nhận di tích quốc gia vào năm 2009. Đầu năm 2024, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản đề nghị Bộ VHTT&DL lập hồ sơ nâng hạng lên di tích quốc gia đặc biệt đối với làng cổ này.
Theo quy trình, sau khi nhận được tờ trình của tỉnh, Bộ VHTT&DL sẽ tiến hành họp Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia. Nếu hội đồng thống nhất đồng ý thì bộ sẽ có văn bản phản hồi gửi về cho tỉnh để tiến hành các bước tiếp theo trong việc lập hồ sơ.
Làng cổ Phước Tích nằm cạnh sông Ô Lâu, cách TP Huế 40km về phía Bắc. Làng thành lập từ năm 1470 dưới thời Lê Thánh Tông, nổi danh với nghề làm gốm truyền thống.
Phước Tích là ngôi làng thứ hai của Việt Nam được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, sau làng cổ Đường Lâm ở Hà Nội.
Tại Phước Tích được biết đến với không gian làng quê đậm chất Bắc Trung Bộ. Cùng với với hàng chục ngôi nhà rường truyền thống, tại đây vẫn giữ được hàng loạt hệ giá trị văn hóa như thiết chế kiến trúc văn hóa tín ngưỡng gồm đình, chùa, nhà thờ họ, đền, miếu, am...
Khánh Ngọc