Lập nghiệp trên quê hương mới Hà Nam

Lập nghiệp trên quê hương mới Hà Nam
5 giờ trướcBài gốc
Nỗ lực phát triển kinh tế gia đình
Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp nhưng Phạm Trung Kiên gần như không một ngày gắn bó với chuyên ngành đã được đào tạo mà bước chân vào lĩnh vực hoàn toàn mới là ngành may mặc. Thời gian 6 năm làm việc tại một số doanh nghiệp may mặc lớn ở Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên đã trải qua nhiều vị trí công tác từ nhân viên tuyển dụng nhân sự, công nhân lên trưởng chuyền, quản đốc, giám đốc sản xuất. Tuy nhiên, dù được lãnh đạo công ty, doanh nghiệp tin tưởng, trả lương hậu hĩnh nhưng do ở xa, mỗi lần về quê đi lại tốn kém, không tích lũy được là bao nên vợ chồng anh quyết định rời Nam ra Bắc để lập nghiệp.
Vợ chồng anh chị Phạm Trung Kiên, Hà Thị Tuyên trong ngày được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Năm 2010, qua thi tuyển, Phạm Trung Kiên được nhận vào làm phó quản đốc ở một công ty may liên doanh tại Khu Công nghiệp Đồng Văn, Hà Nam. Với trình độ kinh nghiệm đã từng quản lý, làm việc ở những doanh nghiệp hàng nghìn lao động tại Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên nhanh chóng khẳng định được năng lực bản thân khi đã góp phần không nhỏ trong việc đưa năng suất lao động của công ty có sự tăng trưởng nhanh chóng... Vì vậy, chỉ sau 3 tháng làm việc, anh được lãnh đạo doanh nghiệp tín nhiệm phân công làm quản đốc, giám đốc sản xuất với mức lương 40 – 50 triệu đồng/tháng; được công ty bố trí xe đưa đón, chỗ ăn, ở, sinh hoạt như một chuyên gia. Ở thời điểm những năm 2010, mức lương này được coi là thu nhập "khủng" tại Hà Nam. Mặc dù vậy, đến năm 2014, do sự điều chỉnh cơ cấu, thực hiện sáp nhập nhà máy của doanh nghiệp, anh đã chủ động xin rời khỏi vị trí, lên Lương Sơn (Hòa Bình) bắt tay hỗ trợ một doanh nghiệp may mặc khác xây dựng nhà xưởng sản xuất với quy mô lên tới 40 chuyền và 1.200 công nhân. Công việc ở Hòa Bình đang rất thuận lợi, chế độ phúc lợi còn cao hơn cả thời kỳ ở Hà Nam, nhưng anh vẫn chia tay sau 3 tháng làm việc, để trở lại doanh nghiệp cũ tại Hà Nam vì lời hứa ân tình với người đã giúp đỡ, gắn bó với mình trong suốt gần 5 năm đến Hà Nam làm việc. Kể từ sau lần trở lại này, anh gắn bó với công ty đến năm 2018 khi doanh nghiệp thay đổi nhân sự cấp cao, anh mới chính thức bắt tay thành lập doanh nghiệp của riêng mình để khởi đầu một chặng đường mới.
"Thật ra, trong quãng thời gian đi làm công, làm thuê cho các doanh nghiệp, khi có được những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng trong quản lý, nghề nghiệp, tôi đã ấp ủ, tính toán sau này nhất định sẽ thành lập doanh nghiệp của riêng mình"... Phạm Trung Kiên chia sẻ như vậy và cho biết thêm: Từ năm 2014, tôi đã bàn bạc, thống nhất với gia đình quyết định đầu tư mua đất tại Tổ dân phố An Nhân, phường Hoàng Đông để tính kế lâu dài. Đến năm 2017, khi vẫn đang làm cho công ty liên doanh, tôi đã hỗ trợ vợ mình mở tổ hợp may công nghiệp tại nhà với 20 lao động. Đến năm 2018, khi chính thức nghỉ tại công ty, tôi đứng ra thành lập Công ty TNHH May An Nhân với quy mô nhà xưởng 1.200 mét vuông, tạo việc làm cho 80 lao động, chủ yếu là người địa phương. Để đáp ứng các đơn hàng, tôi còn phối hợp, liên kết đào tạo, chuyển giao nghề nghiệp cho một số cơ sở, lao động làm vệ tinh cho công ty. Có thời điểm, lao động làm việc tại công ty lên đến 200 người.
Công ty TNHH May An Nhân ra đời, bắt đầu hoạt động đúng vào quãng thời gian đại dịch Covid- 19 bùng phát nên gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ những mối quan hệ khách hàng tốt trước đây, Phạm Trung Kiên cùng doanh nghiệp non trẻ của mình vẫn đứng vững qua đại dịch, duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động, không để ai bị mất việc. Đến nay, với sự ổn định trong phát triển của mình, Công ty May An Nhân đã giúp người lao động ở đây đóng đầy đủ các loại bảo hiểm, được trả lương theo năng lực, công sức đóng góp; được chăm sóc sức khỏe qua bữa ăn trưa tại doanh nghiệp, được lao động trong điều kiện làm việc thuận lợi; đồng thời, được chia sẻ, cảm thông, tạo điều kiện thuận lợi khi giải quyết công việc của bản thân, gia đình... Anh Kiên vẫn đang ấp ủ dự tính hướng tới xây dựng một doanh nghiệp với tiêu chí mọi người cùng chung tay đóng góp và hưởng lợi; trong đó, trước mắt sẽ tạo điều kiện để các nhân sự thuộc cấp quản lý của công ty có thể góp vốn để hưởng thêm lợi nhuận khi doanh nghiệp làm ăn có lãi. Với những người không có vốn, công ty sẽ tính toán có thể cho họ ứng trước tiền lương để đóng góp. Khi có quyền lợi, Phạm Trung Kiên tin chắc mọi người sẽ càng nỗ lực hơn nữa, chung tay cùng anh duy trì, phát triển công ty.
Cùng nhau phấn đấu trở thành đảng viên
Không chỉ là một doanh nhân đang nỗ lực khẳng định mình trong sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế gia đình, Phạm Trung Kiên cùng vợ (chị Hà Thị Tuyên, sinh năm 1990) từ ngày về định cư tại Tổ dân phố An Nhân, phường Hoàng Đông còn tích cực tham gia hoạt động đoàn thể tại địa phương, tự giác học tập, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng của Đảng, chủ động, phấn đấu trở thành đảng viên... Đồng chí Nguyễn Thị Mùi, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố An Nhân cho biết: Qua thời gian dài theo dõi, giáo dục, bồi dưỡng, giúp đỡ, đầu năm 2024, Chi bộ An Nhân đã tổ chức kết nạp cho vợ chồng anh chị Phạm Trung Kiên, Hà Thị Tuyên vào Đảng. Có một điều hết sức thú vị với hai đảng viên trẻ này là họ đều được cử đi học chung lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, được kết nạp Đảng cùng ngày và vừa qua cùng dự lớp bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đảng viên mới. Các đảng viên trong Chi bộ An Nhân đánh giá rất cao tinh thần, thái độ, trách nhiệm trong học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, phẩm chất chính trị của đảng viên Phạm Trung Kiên, Hà Thị Tuyên; đồng thời hy vọng cặp đôi vợ chồng đảng viên là doanh nhân này sẽ mang đến hiệu ứng tích cực cho công tác phát triển đảng viên mới của chi bộ trong thời gian tới.
Một góc khu nhà xưởng sản xuất của Công ty TNHH May An Nhân.
Chia sẻ suy nghĩ của mình về việc phấn đấu trở thành đảng viên, anh Kiên, chị Tuyên đều cho rằng, phấn đấu vào Đảng chỉ với một mong muốn được đóng góp một phần công sức, trí tuệ nhỏ bé của mình vào những hoạt động của khu dân cư. Thời gian qua, vợ chồng anh chị đã luôn đồng hành, ủng hộ các phong trào, cuộc vận động do cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương phát động. Để được đóng góp sức mình vào hoạt động của tổ dân phố, anh Phạm Trung Kiên hiện tham gia hoạt động của chi hội nông dân, chị Hà Thị Tuyên tham gia sinh hoạt với chi hội phụ nữ. Nhiệm kỳ 2022 - 2027, chị Tuyên đã được tín nhiệm bầu tham gia BCH Hội Liên hiệp Phụ nữ phường. Với tính tình hòa đồng, gần gũi, tận tâm, trách nhiệm tại khu dân cư, anh Phạm Trung Kiên, chị Hà Thị Tuyên luôn được đông đảo quần chúng nhân dân quý mến, cán bộ, đảng viên ghi nhận, đánh giá cao.
Hà Nam đang trên đường đổi mới, phát triển. Từ một tỉnh thuần nông, sau gần 30 năm tái lập tỉnh, giờ đây tại Hà Nam có hàng chục khu, cụm công nghiệp, thu hút đông đảo lực lượng lao động trong và ngoài tỉnh tham gia lao động, sản xuất trong các công ty, doanh nghiệp. Với nhiều thuận lợi về giao thông, vị trí địa lý, truyền thống văn hóa, truyền thống giáo dục, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội bảo đảm cùng nhiều ưu đãi, hỗ trợ từ cơ chế, chính sách về lao động, việc làm của các cấp, ngành, địa phương…, nhiều lao động ngoại tỉnh sau một thời gian làm việc, đã chọn Hà Nam là nơi định cư, gắn bó lâu dài. Và những lao động ngoại tỉnh như anh chị Phạm Trung Kiên, Hà Thị Tuyên đã coi Hà Nam là quê hương thứ hai, từ đó có nhiều nỗ lực đóng góp sức mình tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương Hà Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Vũ Hà
Nguồn Hà Nam : https://baohanam.com.vn/doi-song/lap-nghiep-tren-que-huong-moi-ha-nam-145428.html